Khoảng Cách Nông Dân Doanh Nghiệp Ngày Càng Thu Hẹp
Nghiên cứu, phân tích tác động của hội nhập đối với ngành nông nghiệp, nông thôn, vùng nghèo đói đã đưa ra đề xuất chính sách thích hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn.
“Nhìn lại sau 4 năm triển khai, giai đoạn II của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đã giúp bức tranh của nền kinh tế Việt Nam sáng hơn, nhất là thu hẹp khoảng cách giữa người nông dân (năng lực sản xuất) và doanh nghiệp (nhu cầu tiêu thụ)”.
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết “Chương trình WTO: Các kết quả và bài học kinh nghiệm” do Bộ Công thương tổ chức cuối tuần qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, đã 7 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO là một chặng đường không dài nhưng hết sức quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Trong khoảng thời gian đó, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, từ năm 2009, giai đoạn II của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập WTO (viết tắt Chương trình B-WTO) đã tài trợ cho 48 dự án, trong đó có 6 dự án hỗ trợ Bộ NN-PTNT nhằm giải quyết thách thức kinh tế xã hội của hội nhập tới khu vực nông thôn.
Giai đoạn I Chương trình B-WTO (từ tháng 1/2007 - tháng 3/2008). Giai đoạn II (tháng 9/2009 - tháng 3/2014) tài trợ 48 dự án cho 28 đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, Chương trình đã giải ngân được 11,67 triệu USD trên tổng số gần 13 triệu USD (chiếm tỷ lệ 89,7%).
Đặc biệt, nghiên cứu, phân tích tác động của hội nhập đối với ngành nông nghiệp, nông thôn, vùng nghèo đói và đã đưa ra đề xuất chính sách thích hợp. Một số đề xuất chính sách của Dự án đã được đưa vào nội dung Dự thảo chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Đại diện cho một nhóm đối tượng được thụ hưởng, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang chia sẻ, hiệu quả được thể hiện rõ tại An Giang. Đó là chương trình đã giúp đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn và giảng viên để giúp nông dân tuân thủ gần 200 điều trong mục sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.
Với mục tiêu ban đầu tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng nhất và thân thiện môi trường, cải thiện thu nhập, ngành nông nghiệp An Giang cũng xúc tiến sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, vận động doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu từ 300 - 1.000 ha, trong đó nông dân hình thành các tổ nhóm, chỉ sản xuất đồng loạt 1 - 2 giống lúa.
Kết quả cho thấy trong vụ đông xuân 2013 - 2014, đã có 15 doanh nghiệp trên đất An Giang tham gia ký hợp đồng với nông dân trên tổng diện tích gần 10.000 ha. Mô hình “Cánh đồng lớn” của tỉnh được Bộ NN-PTNT đánh giá cao.
Hay như tại Tiền Giang, Chương trình tập trung hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại vùng đất này bằng cách hỗ trợ để tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn về các yêu cầu của thị trường tiêu thụ và xuất khẩu ba sản phẩm chủ lực của tỉnh là thanh long, xoài, nhãn. Cung cấp nhiều thông tin về nhu cầu, giá cả thị trường trong và ngoài nước cho các đối tượng liên quan. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Với những hiệu quả đã và đang nhìn thấy từ việc thực hiện Chương B-WTO, đại biểu của hầu hết các Bộ, ngành hy vọng đây sẽ là kinh nghiệm quý báu cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong tương lai, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó có thể triển khai đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, nhanh chóng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết diễn biến thất thường làm cho tôm nuôi ở nhiều địa phương như TP. Bạc Liêu, các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi liên tục gặp rủi ro. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì người nuôi tôm đứng trước nguy cơ thua lỗ từ đầu vụ.
Tận dụng diện tích mặt nước tại các hồ chứa nước để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt đang là hướng đi mang lại nhiều lợi ích, được ngành nông nghiệp khuyến khích. Bởi việc nuôi trồng không chỉ giúp người dân cải thiện kinh tế mà còn giúp duy trì, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các hồ, đập…
Mùa lũ chưa về cộng với việc ngày càng nhiều nông dân sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho lúa nên cua đồng trong tự nhiên trở nên khan hiếm, dẫn đến sốt giá
Du lịch Việt Nam đang hướng về biển đảo, trong đó có Phú Quý. Cách TP. Phan Thiết (Bình Thuận) 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, với diện tích 16 km2, Phú Quý luôn mang đến ấn tượng cho những ai từng một lần đặt chân đến.
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo, ngày 7/6, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Đầm Thị Tường, với những loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế cao.