Khoai tây Trung Quốc vẫn được trữ ở chợ nông sản Đà Lạt sau lệnh cấm cửa

Có mặt tại chợ nông sản Đà Lạt sáng nay chúng tôi chứng kiến không khí mua bán mặt hàng khoai tây tại chợ khá yên ắng, không còn chộn rộn như vài ngày trước.
Ông Nguyễn Văn Tín, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết:
“Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Đà Lạt, kể từ ngày 1.11 có tổ kiểm tra thường trực đóng tại chợ nông sản Đà Lạt nhằm ngăn cấm nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ để giả mạo khoai tây Đà Lạt phân phối đi nơi khác tiêu thụ”.
Ông Tín nhấn mạnh “mục đích là phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng giả mạo hàng hóa nông sản Đà Lạt để tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng, làm giảm uy tín thương hiệu nông sản Đà Lạt”.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong 3 tháng có trên 1.000 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt được Tổ quản lý báo cho Chi cục lấy mẫu kiểm tra. Kết quả phân tích những mẫu khoai tây này chưa phát hiện chất cấm vượt tiêu chuẩn cho phép.
Rảo quanh một vòng chợ nông sản, không còn tình trạng nhuộm đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc, chỉ còn 4 vựa đang rửa khoai tây Trung Quốc hoặc phân loại khoai đóng vào bao trước khi đưa đi các tỉnh tiêu thụ.
Tuy nhiên, tại các vựa này đang tích trữ hàng chục tấn khoai Trung Quốc để tiêu thụ dần. Theo một nhân viên quản lý chợ nông sản, một tuần cuối trước khi lệnh cấm có hiệu lực, các tiểu thương tranh thủ nhập về gần 200 tấn khoai tây Trung Quốc trữ trong kho.
Bà Lê Thị Nhung, chủ vựa khoai tây số 13, cho biết bà kinh doanh cả khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt. Bà Nhung nói:
“Chúng tôi không nhuộm đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc nữa, nhưng với khoai tây Đà Lạt có màu đất đen xấu xí, tôi cũng phải nhuộm đất đỏ cho bắt mắt dễ bán”.
Ông Nguyễn Thế Hiền, Tổ trưởng quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết thêm, từ tháng 11 khoai tây Đà Lạt bắt đầu cho thu hoạch, những ngày qua khoai Đà Lạt về chợ ngày càng nhiều hơn giá từ 15.000 - 19.000 đồng/kg (tùy loại), giảm nhẹ so với một tuần trước là trên 22.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tín nhấn mạnh:
“Chợ nông sản Đà Lạt được xây dựng nhằm giao lưu, trao đổi hàng hóa nông sản thuần Đà Lạt chứ không phải để nhập mặt hàng của nước ngoài về tiêu thụ, là sai mục đích hoạt động của chợ đầu mối nông sản này”.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Đà Lạt (đơn vị chủ quản chợ nông sản Đà Lạt), nhận định thực tế lệnh cấm chỉ có thể thực hiện đối với tiểu thương nhập hàng vào trong chợ nông sản; trường hợp tiểu thương nhập khoai về rồi lưu trữ ở các kho bên ngoài thì đơn vị này không thể quản lý được.
Có thể bạn quan tâm

Nhìn rẫy màu tốn bao công sức chăm sóc mà anh Liêu Quang ở ấp Sô La 1, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thấy xót ruột, vì 1 kg bắp cải de chỉ bán được 1.000 đồng, tính ra mỗi ký lỗ gần 2.000 đồng.

Do sản lượng tăng mạnh, đầu ra không ổn định nên dịp này người trồng rau ở Bắc Giang lỗ nặng. Một số hộ đã phá bỏ hoặc tận dụng rau làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Sau tết, nông dân trồng điều ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang khẩn trương ra đồng dọn vườn, cào và đốt lá, chuẩn bị một mùa thu hoạch khá nhờ thời tiết thuận lợi với cây điều.

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Long Mỹ (Hậu Giang) phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam vừa tổ chức giới thiệu giống bắp mới MX10 super cho trên 50 nông dân trên địa bàn huyện.

Nhằm hạn chế tình trạng thương lái ép giá người dân, Trung tâm đã tạm ứng vốn cho các cửa hàng thương mại các xã để thu mua mì và các nông sản khác của bà con nhưng chỉ được khoảng 20% sản lượng vì nguồn vốn hạn hẹp.