Khó Tái Canh Khi Cà Phê Rớt Giá
Mọi năm vào thời điểm này, các xã vùng chuyên canh cây cà phê của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Ba Tầng “sôi” lên bởi chuyện mở rộng diện tích trồng mới hoặc tái canh cây cà phê. Người dân sở tại, người ở các nơi tìm về mua đất, thuê đất trồng cà phê với hy vọng đổi đời. Giá đất ở “thủ phủ cà phê” Hướng Phùng không dưới 150 triệu đồng/ha, có lúc “sốt đất” giá lên cao chót vót, từ 250 đến 300 triệu đồng/ha nhưng nhiều người vẫn đổ tiền của vào đầu tư phát triển cây cà phê, vì khi đó giá lên cao, chỉ sau một vài vụ là đã thu hồi vốn. Nhưng năm nay, khi mùa vụ trồng mới đang đến gần, hơn 2.500 ha cây cà phê toàn huyện già cỗi cần phải tái canh nhưng không khí làng bản vẫn nhuốm một màu ảm đạm.
Anh Lê Quang Dẫn, người trồng cà phê lâu năm ở thôn Hướng Đại, Hướng Phùng buồn bã chỉ cho chúng tôi xem vườn cà phê của gia đình đang trong thời vụ thu hoạch mà trái chín rụng đỏ đất. Anh cho biết, giá cà phê năm nay quá hạ, dưới mức giá thành sản xuất nên nhiều hộ gia đình trong đó có gia đình anh không buồn hái, không đủ trả tiền thuê nhân công nên để mặc cho trái chín rơi rụng đầy vườn. Để đầu tư chăm sóc vườn cà phê rộng hơn 1 ha này, mỗi năm gia đình phải đổ vào không dưới 35- 40 triệu đồng, chưa kể công thu hoạch, nhưng nay với năng suất thấp do cây già cỗi, sản lượng chỉ đạt khoảng 10 tấn quả tươi, chỉ bán được hơn 30 triệu, như vậy là lỗ nặng. Lẽ ra năm nay gia đình anh phải đầu tư để trồng lại toàn bộ diện tích do tuổi thọ vườn cây đã cao, đã đến thời kỳ thanh lý nhưng tình trạng giá cả rớt thê thảm như hiện nay không còn lòng dạ nào mà tiếp tục đầu tư, dù huyện có khuyến khích tái canh bằng cách hỗ trợ 50% tiền giống, ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi.
Cây cà phê được xem là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Hướng Hóa. Toàn huyện hiện có gần 4.700 ha, chủ yếu là giống cà phê cartimor, trong đó gần 4.200 ha đã cho thu hoạch, bình quân mỗi năm đạt sản lượng trên 50.000 tấn quả tươi. Những năm trước, với giá bình quân 10.000 đồng/kg, giá trị hàng hóa do cây cà phê mang lại trên 500 tỷ đồng/năm. Cây cà phê không chỉ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà thực tế đã đưa nhiều hộ gia đình, trong đó có không ít gia đình đồng bào dân tộc ít người vươn lên trở thành giàu có. Nhưng hiện nay khi giá cà phê trên thị trường rớt một cách thê thảm, người trồng cà phê không còn mặn mà với cây trồng đã gắn bó với họ nhiều năm và thực sự nhiều người đang lo lắng cho sự tồn tại của thương hiệu cà phê Hướng Hóa.
Cà phê rớt giá đúng vào thời điểm trên hai phần ba diện tích cây trồng đã già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp, bệnh chết rục phổ biến càng làm cho lòng người thêm bối rối. Không ít người đã đặt ra câu hỏi, nên tiếp tục duy trì vườn cây hay chuyển sang trồng cây khác, không giàu nhanh nhưng thu nhập ổn định hơn. Theo ông Hồ Đang, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, trong số gần 1.600 ha cà phê toàn xã thì có đến hơn 700 ha vườn cây có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, có những vườn đã trên 15 tuổi vẫn tồn tại, mấy năm trước nhờ sự hỗ trợ của huyện, mỗi năm xã đã trồng mới và tái canh từ 100 đến 150 ha, nhưng năm nay, khi giá cà phê xuống thấp, tình hình mở rộng diện tích có vẻ khó khăn, không còn nhiều người đến địa phương mua đất, thuê đất trồng cà phê, việc tái canh cũng không sáng sủa, có không ít hộ gia đình đã nghĩ đến việc chuyển sang trồng sắn, trồng bơ để có thu nhập ổn định.
Trong một lần làm việc với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh nói rằng, có lẽ chưa bao giờ cây cà phê ở Hướng Hóa đứng trước thử thách nặng nề như hiện nay. Theo kế hoạch đã đề ra, mỗi năm huyện sẽ hỗ trợ cho nông dân 50% tiền giống để tái canh 200 ha, ba năm qua, ngân sách địa phương đã bỏ ra trên 1 tỷ đồng để hỗ trợ trồng mới 600 ha cà phê, bà con rất phấn khởi và ủng hộ cách làm này. Huyện cũng đặt kế hoạch tiếp tục duy trì phương án tái canh theo hình thức cuốn chiếu và khi có điều kiện sẽ tăng tốc để “trẻ hóa” vườn cây và đảm bảo sản lượng không giảm. Nhưng hai năm qua, tình hình cà phê rớt giá, đặc biệt là năm nay giá xuống quá thấp, người trồng lỗ nặng thì vấn đề tái canh và mở rộng diện tích cà phê trên địa bàn sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Dù đã nỗ lực tìm mọi biện pháp tăng cường quản lý thị trường, tổ chức lại hệ thống thu mua, chế biến, tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ sản phẩm nhưng hiện tại giá cà phê ở Hướng Hóa vẫn chưa đảm bảo thúc đẩy sản xuất phát triển mà thực tế đang có nguy cơ đẩy người sản xuất vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Duy trì diện tích hay chấp nhận thực trạng giảm sút để chờ đợi điều kiện thuận lợi mới phát triển trở lại, quả thực đây vẫn là bài toán khó. Một thực tế rất rõ ràng là với giá tiêu thụ sản phẩm cà phê hiện nay, càng đầu tư càng lỗ nặng, do đó người trồng cà phê Hướng Hóa đang hết sức băn khoăn trước sự lựa chọn không dễ dàng này, cho dù địa phương vẫn tích cực hỗ trợ giống, còn ngân hàng cho vay tái canh với lãi suất thấp hơn từ 2 đến 2,5%/năm!
Có thể bạn quan tâm
Riêng đường sản xuất từ đường thô của Nhà máy đường luyện Biên Hòa là 85.925 tấn, Nhà máy đường Biên Hòa – Tây Ninh là 4.920 tấn, Cty NIVL là 19.610 tấn và Nhà máy đường Cần Thơ là 4.719 tấn.
Để nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của mô hình đối với môi trường, cuối năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự án nuôi heo trên đệm lót sinh thái, trong đó xã Cẩm Sơn có 4 hộ được chọn để triển khai. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong những tháng đầu năm xuất khẩu (XK) cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, XK cá ngừ sang Hà Lan lại có sự tăng trưởng ấn tượng. Trong 4 tháng đầu năm, XK mặt hàng này sáng Hà Lan đạt gần 8,9 USD, tăng hơn 123%.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cho biết, đang tiến hành làm rõ thông tin vải ngoại có nguồn gốc từ Trung Quốc thâm nhập vùng biên vào tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vải thiều nội địa xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Ông Hoàng Trung Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dực Yên (Đầm Hà - Quảng Ninh), đồng thời cũng là Chủ nhiệm CLB Nông trang của xã, cho biết, trong thời gian qua, mô hình nuôi lợn hướng nạc đã được người dân xã Dực Yên tập trung nhân rộng. Với thời gian nuôi ngắn, giá bán cao, thị trường tiêu thụ ổn định, lợn hướng nạc đang là hướng đi mới hiệu quả cho chăn nuôi ở nơi đây.