Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tới Hải Phòng, Gặp Vua Rèn Đất Do Nha

Tới Hải Phòng, Gặp Vua Rèn Đất Do Nha
Ngày đăng: 25/06/2012

Thành phố Hải Phòng không có làng nghề truyền thống nào về nghề rèn, những hộ cá lẻ chuyên làm nghề này cũng ít. Với anh Tiêu Đức Lâm, đây là nghề tay trái, nhưng lại được nhiều người suy tôn là “vua rèn”, bởi tay nghề có hạng và sự mẫn cán của anh trong công việc.

Không những thế, anh Lâm còn hướng nghiệp, dạy nghề cho hàng chục con em hộ nghèo ở địa phương mà không thu một đồng lệ phí nào.

Từ nông dân trở thành doanh nhân

Sinh năm 1962 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, TP.Hải Phòng, anh Tiêu Đức Lâm khi lập gia đình riêng, chỉ vỏn vẹn có 4 sào ruộng khoán. Cha anh, ông Tiêu Văn Hoa luôn nhủ con: “Ruộng bề bề, không bằng cái nghề trong tay. Con cố gắng học lấy cái nghề nào đó để tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Thấm thía lời dạy đó của cha, ngoài làm ruộng, anh Lâm còn học thêm nghề rèn, mặc dù vẫn xác định, đó chỉ là nghề tay trái.

Anh Tiêu Đức Lâm đang hướng dẫn, dạy nghề cho lao động trong cơ sở.

Theo lời anh Lâm kể, vào những năm 1985-1986, kinh tế nhiều hộ gia đình ở Tân Tiến hết sức khó khăn, có được sào ruộng để canh tác đã là quý. Việc đi học để chuyển đổi nghề đối với một nông dân nghèo như anh, là cả một chuyện động trời.

Chưa nói, muốn nhờ người tư vấn nên học nghề gì, cách làm ra sao, cũng đâu phải dễ. Đành lẽ, tự thân vận động vậy! Và thế là, một mình với chiếc xe đạp cà tàng, anh rong ruổi khắp các phố huyện, qua các tuyến đường, từ huyện An Dương, sang Thủy Nguyên, vòng về Kiến An, rồi lại ngược lên Hải Dương, Hưng Yên…

Đi tới đâu, anh Lâm cũng chú ý, để mắt: “Lạ nhỉ, những dụng cụ phục vụ đời sống cần như thế sao không thấy có mấy cơ sở sản xuất hay mở cửa hiệu kinh doanh mặt hàng này ?” Vốn “máu” được cầm thanh sắt rèn giũa từ bé, những chuyến “vi hành” như thế này càng thôi thúc anh mau chóng đi học nghề hơn.

Ý tưởng học thêm nghề sắt cứ thế lớn dần trong anh. Chỉ có điều, vì không có điều kiện vào trường nghề để học tập một cách bài bản, anh buộc phải tự học, bằng cách… học lỏm bí quyết của một ông chủ cửa hiệu đồ sắt ở tỉnh Thái Bình. Học xong, với số vốn ít ỏi một triệu đồng, cộng với vài ba chỉ vàng vợ anh dành dụm được, anh Lâm quyết định đầu tư mua một máy đột dập bản lề.

Phương châm của anh là, “mèo bé bắt chuột bé”, mặt hàng lựa chọn ban đầu cũng chỉ nên đơn giản, dễ làm, chủ yếu là gia công đồ sắt dân dụng, gồm: Bản lề cửa, chốt cửa… May là, hàng sản xuất ra tới đâu, đem giao trực tiếp cho các đại lý hoặc chủ các sạp hàng ở chợ Sắt bán hết tới đó.

Công việc tiến tới, một mình làm không xuể, anh Lâm phải mộ thêm người và đương nhiên, phải dạy nghề trực tiếp cho họ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tiếng lành đồn xa, phần vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo, phần khác giá cả hợp lý nên chỉ sau một năm, khách hàng ở tận Phú Xá (Hải Dương), TP.Vinh (Nghệ An)… tìm tới cơ sở sản xuất của anh để đặt hàng trực tiếp ngày một đông.

Không dừng ở việc sản xuất bản lề, chốt cửa, thấy bà con nông dân trong vùng cứ vào vụ lại phải đôn đáo đi xa tìm mua liềm, hái, cuốc, xẻng…, anh Lâm quyết định học tiếp nghề rèn. Đương nhiên, cũng chỉ là… học lỏm, nhưng do miệt mài, cầu thị nên những bí quyết nhà nghề được anh nắm bắt, ứng dụng rất nhanh. Anh Lâm “khoe”, chỉ một bễ rèn nho nhỏ, mỗi ngày doanh thu cũng được tiền triệu.

Vào những năm 90, hộ nông dân không riêng ở quê anh, có nghề tay trái mà doanh thu được như vậy cũng là chuyện hiếm. Theo anh Lâm cho biết, từ năm 1996, nhu cầu về những mặt hàng trên có vẻ như bão hòa, tiệm cận thấy thị trường xuất hiện loại cửa xếp sắt và hoa sắt, anh Lâm không bỏ lỡ cơ hội, lập tức đi học cách sản xuất, kinh doanh mặt hàng này để về nâng cấp cơ sở của mình.

Khi có được các “ngón nghề” mới trong tay, anh Lâm bàn với vợ con ưu tiên đầu tư lớn vào việc mua sắm máy móc. Riêng đội ngũ lao động, anh trực tiếp đào tạo 4 thanh niên là con em các hộ nông dân nghèo trong thôn trở thành thợ hàn có tay nghề để làm phụ cho mình. Có thể nói, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy và học hỏi được, anh đều truyền cả cho thợ. Nhờ vậy, sản phẩm cửa xếp mang thương hiệu “Đức Lâm” rất “bắt mắt”, vừa ra đời đã chiếm lĩnh được thị trường ngay. Doanh thu vì thế, cứ tăng vù vù.

Không “giậm chân tại chỗ”, từ mặt hàng chính là cửa xếp sắt, anh Lâm lại một lần nữa “nhấn ga”, chuyển đổi sang sản xuất hàng nội thất Inox, với giàn máy được đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Sự đột phá, mạnh dạn trong đầu tư này, nhất là việc luôn cập nhật, đổi mới về mẫu mã sản phẩm, đã khiến mặt hàng bàn ghế, đồ gia dụng các loại bằng Inox của anh đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của khách hàng, tạo doanh thu ổn định, đạt 7-8 tỷ đồng mỗi năm.

Trong đó, trừ các khoản chi phí và đóng góp nghĩa vụ thuế với Nhà nước, lợi nhuận còn thu về cũng trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Hơn thế, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương, với mức lương quân bình 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng (chưa kể các hỗ trợ khác).

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bị đình đốn, thậm chí bị phá sản. Song, cơ sở sản xuất của anh Lâm thời gian qua không những vẫn trụ vững mà còn tiến xa” – ông Hoàng Văn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Dương, Hải Phòng trao đổi với chúng tôi như vậy.

Năm 2010, để đáp ứng nhu cầu phát triển, anh Lâm quyết định thành lập doanh nghiệp mang tên “Công ty TNHH Thương mại sản xuất Đức Lâm”. Đáng nói, sau khi thành lập doanh nghiệp, anh Lâm không ôm đồm nhiều việc, mà chuyển giao quyền quản lý trực tiếp cho con trai. Mục đích, để bồi dưỡng người kế cận, nhưng đồng thời cũng là để bản thân có thêm thời gian đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường nhằm tham mưu, cố vấn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Chính cung cách làm ăn theo hướng nhìn xa trông rộng này, đã giúp doanh nghiệp của cha con anh Lâm tiếp tục gặt hái được những thành công. Tất cả sản phẩm bằng Inox như: Bàn ghế, mắc áo, giá bát, giàn phơi, tủ chạn, bếp công nghiệp… của doanh nghiệp Đức Lâm vẫn rất hút khách, kể cả khách hàng ở các khu công nghiệp lớn trong và ngoài TP.Hải Phòng.

Nặng nghĩa với người nghèo

Về đất Do Nha, nghe kể về chuyện đời, chuyện nghề của một nông dân nghèo trở thành chủ doanh nghiệp đang “ăn ra làm nên” - anh Tiêu Đức Lâm, ai nấy đều cảm phục ý chí vượt khó, sản xuất kinh doanh giỏi bằng chính nội lực của bản thân mình.

Càng cảm phục hơn, bởi anh Lâm không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn biết chia sẻ “cái nghèo” với cộng đồng, thông qua việc dạy nghề trực tiếp, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Một lao động đang làm việc trong cơ sở sản xuất của anh Lâm bộc bach: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Việc làm không có, văn hóa lại thấp vì chưa học hết cấp 2. Nhưng tôi vẫn được anh Lâm thu nhận vào làm, thậm chí còn tận tình “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ vậy, từ chỗ đói nghèo, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng được cửa nhà khang trang. Bản thân tôi vừa qua được anh Lâm tư vấn cho đường hướng làm ăn, đang cố gắng vươn lên làm giàu”.

Đây chỉ là một trong số hàng chục lao động thuộc con em các hộ nông dân nghèo trong vùng được anh Lâm tạo công ăn việc làm và truyền kinh nghiệm để sản xuất kinh doanh hiệu quả. Anh Lâm chia sẻ: “Với người nghèo, giúp họ tạ lúa, không bằng cho họ chiếc “cần câu cơm” (ý nói dạy nghề, tạo việc làm cho họ). Có lẽ, nhờ những chiếc “cần câu cơm” mà anh Lâm trao tặng, nhiều người nghèo quanh khu vực xã Tân Tiến, huyện An Dương đến nay đã thực sự thoát nghèo.

Những đóng góp của anh Lâm vào các phong trào chung của nông dân như: Sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo… rất đáng được ghi nhận và nhân ra diện rộng để nhiều hộ nông dân khác cùng học tập, làm theo”.

Bà Đặng Thị Hoạt

Bà Đặng Thị Hoạt - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Dương khẳng định: “Anh Tiêu Đức Lâm là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Ngoài phải lo đảm bảo việc làm ổn định, không để lỡ việc cho 50 lao động trong doanh nghiệp của mình ra, mỗi năm anh còn tham gia dạy nghề và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm giàu cho 15- 25 hộ nông dân nghèo trong huyện để họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Những đóng góp của anh Lâm vào các phong trào chung của nông dân như: Sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo… rất đáng được ghi nhận và nhân ra diện rộng để nhiều hộ nông dân khác cùng học tập, làm theo”.

Dầu rất vui khi cái đói, cái nghèo không còn đeo bám nữa, dù đến thời điểm này, “con thuyền” doanh nghiệp do mình chèo lái cũng đã được khẳng định, song, nhìn chặng đường phía trước còn đầy những thử thách, khó khăn, anh Lâm không khỏi trăn trở.

Khát khao lớn nhất của anh Lâm hiện nay là tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động, chứ không chỉ bó hẹp trong 1.000m2 nhà xưởng với 50 lao động ít ỏi như hiện nay, đồng thời, được tạo điều kiện vay vốn để tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý. Để tháo gỡ những trăn trở của doanh nghiệp và giúp anh Lâm thỏa nguyện, rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp, ngành, nhất là sự quan tâm, chia sẻ của các cấp Hội Nông dân.

Có thể bạn quan tâm

Cà Phê Việt Nam Cà Phê Việt Nam "Cứu Nguy" Cho Thị Trường Thế Giới

Kết quả điều tra của hãng Bloomberg ở các thương gia và nhà phân tích uy tín cho thấy, sản lượng trong niên vụ bắt đầu từ 1/10/2014 có thể đạt 1,69 triệu tấn. Con số này cao hơn mức 1,65 triệu tấn điều tra hồi tháng trước, mặc dù thấp hơn mức cao kỷ lục 1,71 triệu tấn của năm ngoái.

09/10/2014
Giá Đường Có Thể Hồi Phục Bởi Xu Hướng Các Nhà Máy Đóng Cửa Giá Đường Có Thể Hồi Phục Bởi Xu Hướng Các Nhà Máy Đóng Cửa

Lợi nhuận thấp do giá giảm mạnh sau nhiều năm dư thừa trên toàn cầu đã khiến nhiều nhà máy đường trên thế giới phải đóng cửa, và xuất hiện trào lưu hợp nhất (M&A) trong ngành đường để vượt qua giai đoạn khó khăn. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới sản lượng đường toàn cầu, và hỗ trợ giá hồi phục trở lại.

09/10/2014
Áp Lực Giá Giảm “Đè Nặng” Người Nuôi Chim Yến Áp Lực Giá Giảm “Đè Nặng” Người Nuôi Chim Yến

Nuôi chim yến trong nhà từng được xem là nghề “hái ra vàng” khí giá tổ yến cao ngất ngưởng, hiệu quả đầu tư nuôi yến rất cao. Tuy nhiên, gần đây người nuôi chim yến gặp khó do áp lực cạnh tranh về giá đối với tổ yến nhập khẩu khiến giá tổ yến giảm mạnh, trong khi đó tỷ lệ thành công trong nuôi chim yến rất thấp.

09/10/2014
Triển Vọng Xuất Khẩu Thủy Sản Sang Trung Đông Triển Vọng Xuất Khẩu Thủy Sản Sang Trung Đông

Những mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là cá tra, cá basa, tôm, một số sản phẩm hải sản đóng hộp như cá ngừ, cá sacdin, cá thu và một số loại cá khô khác. Mặt hàng cá tra của Việt Nam đã có chỗ đứng và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong khu vực.

09/10/2014
Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70-100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Khối lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng tại nước ta cao gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

09/10/2014