Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khó Khăn Trong Việc Tìm Đầu Ra Cho Con Nuôi Đặc Sản

Khó Khăn Trong Việc Tìm Đầu Ra Cho Con Nuôi Đặc Sản
Ngày đăng: 04/03/2014

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt, việc người nông dân đưa nhiều giống cây, con đặc sản vào nuôi, trồng không phải là chuyện hiếm gặp.

Tuy nhiên, với nhiều lý do, trong đó có tình trạng đầu tư tràn lan, sản xuất tự phát, không tuân theo quy hoạch, định hướng, dẫn đến nhiều sản phẩm không tìm được thị trường, đầu ra không ổn định hoặc giá các mặt hàng xuống quá thấp, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của người nông dân.

Năm 2009, gia đình anh Lê Văn Ngà, thôn Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) đầu tư xây dựng 200 m2 chuồng trại, cùng với 40 đôi nhím giống, tổng đầu tư hết hơn 500 triệu đồng. Thời điểm này, mỗi đôi nhím con mới tách mẹ có giá 16-18 triệu đồng.

Theo tính toán, mỗi con nhím một ngày ăn hết khoảng 1.000 đồng, một lao động có thể chăm sóc được 100 đôi mà không vất vả. Sau 18 tháng nhím bắt đầu sinh sản, mỗi lứa 1 đến 3 con, mỗi năm 2,5 lứa.

Kể từ lúc đầu tư, sau 2 năm nuôi là có thể hoàn vốn, người nuôi lãi không đôi nhím bố mẹ trị giá hơn 30 triệu đồng. Trở lại câu chuyện của gia đình anh Ngà, cũng nhờ vào vận may và cả sự liều lĩnh, bởi số tiền anh bỏ ra đầu tư lúc đó là một cơ nghiệp có khi cả đời không tích lũy được.

Đôi nhím bố mẹ anh mua về chỉ một thời gian ngắn đã sinh sản, sau 2 năm nuôi anh thu hồi gần đủ vốn. Sau đó giá nhím trên thị trường giảm mạnh, xuống 10 triệu đồng một đôi, rồi xuống 8 triệu, 6 triệu... và nay còn 1,3 triệu đồng/đôi, tuy không lỗ, song gia đình anh Ngà cũng được một phen hú vía vì theo ước tính của anh, đàn nhím trị giá 500 triệu đồng lúc trước, nay chỉ có giá không đến 50 triệu đồng, có muốn bán cũng khó.

Tương tự như anh Ngà, gia đình anh Nguyễn Bá Thích, thôn Minh Thành, xã Đông Quang hiện đang nuôi hơn 400 con chim trĩ sinh sản, cho biết: Năm 2010, thông qua tìm hiểu, anh đầu tư xây chuồng trại để nuôi, khi đó giá chim giống 10 ngày tuổi 80.000 đồng một con không có đủ để bán. Sau 8 tháng nuôi chim trĩ bắt đầu sinh sản, thời gian sinh sản liên tục mỗi năm 8 tháng, công chăm sóc cũng như thức ăn không đáng kể, một lao động có thể nuôi được mấy trăm con.

Một con chim trưởng thành có thể cho thu nhập 5 đến 6 triệu đồng mỗi năm. Tính ra nuôi chim trĩ có thu nhập cao hơn bất kỳ con nuôi nào ở thời điểm đó. Song, khi gia đình anh Thích có chim con xuất bán cũng là lúc giá bắt đầu hạ, hiện tại chỉ còn bằng 1/3.

Do đầu ra khó khăn nên anh chỉ cho ấp một lượng nhỏ, số trứng còn lại để bán làm thực phẩm với giá rẻ. Hiện anh đang có phương án giảm dần đàn nuôi, hoặc chuyển sang bán thịt với giá thấp để thu hồi vốn. Anh cho rằng đây là một bài học đắt cho việc đầu tư theo ngẫu hứng của mình.

Ví dụ về con chim trĩ và con nhím trên đây chỉ là số ít trong hàng chục loại con nuôi đặc sản mà gần đây thường rộ lên một thời gian rồi lại ế ẩm đến thê thảm.

Việc phát triển cây, con có giá trị kinh tế để nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất là một cách làm luôn được người nông dân quan tâm. Tuy nhiên, khi đầu tư cũng cần tham khảo cơ quan chuyên môn và tìm hiểu thị trường một cách khách quan, đa chiều.

Bên cạnh người chăn nuôi tự phát, các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra quy hoạch phát triển mang tính vĩ mô và tăng khả năng dự báo thị trường để người chăn nuôi có chỗ dựa trong quá trình đầu tư sản xuất, hạn chế việc đầu tư quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu.

Những năm trước đây, khi cây cảnh sốt giá thì người người săn tìm, nhà nhà làm cây, nhiều hộ thậm chí phá bỏ cả đất lúa để làm vườn ươm cây cảnh, nhiều khu rừng xơ xác vì cây cảnh, nạn đào trộm cây cảnh có ở khắp nơi.

Để có vốn đầu tư, nhiều gia đình không ngần ngại thế chấp cả gia tài đánh cược với cây cảnh, nếu may mắn kiếm được một vài cây quý hiếm coi như đổi đời, nhưng số đó rất ít, đa phần chịu lỗ nặng, thậm chí phá sản vì cây cảnh. Tiếp sau những loại con nuôi được coi là đặc sản, có giá bán rất cao trong thời gian qua hiện đang có chiều hướng giảm giá nghiêm trọng như: nhím, đà điểu, cá rô đầu vuông, chim trĩ, hươu... sẽ là con gì vẫn đang là một câu hỏi.

Giá lợn cỏ, gà đồi thời gian gần đây liên tục giữ là một gam màu sáng cho những người chăn nuôi biết xây dựng riêng cho mình một thương hiệu. Hai loại con nuôi này đã trở thành đặc sản bình dân rất dễ nuôi, dễ bán và hạn chế rủi ro không đáng có như một bước chuyển cho số phận của con nuôi đặc sản.

Đầu tư chắc chắn và chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sẽ là hướng đi bền vững nhất với bất kỳ loại hàng hóa nào, sự quyết định đang được đặt vào tay người chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Cấp Bách Phòng Chống Bệnh Nhiệt Thán Trên Gia Súc Cấp Bách Phòng Chống Bệnh Nhiệt Thán Trên Gia Súc

Qua theo dõi đặc điểm dịch tễ của bệnh, các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc liên tục xuất hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh Nhiệt thán trong những năm gần đây và thường xuyên có người bị mắc bệnh Nhiệt thán do ăn thịt gia súc mắc bệnh, chết. Do vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh Nhiệt thán trên gia súc là rất cao, đặc biệt ở địa phương đã có ổ dịch Nhiệt thán trong thời gian vừa qua.

24/10/2014
Giống Bò Lai Zebu Chiếm Tỷ Trọng Cao Trên Tổng Đàn Gia Súc Giống Bò Lai Zebu Chiếm Tỷ Trọng Cao Trên Tổng Đàn Gia Súc

Điểm nổi bật về phát triển chăn nuôi thời gian qua là chuyển mạnh từ hình thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

24/10/2014
Phú Yên Nuôi Trâu, Bò Lai Thu Lãi Cao Phú Yên Nuôi Trâu, Bò Lai Thu Lãi Cao

Hiện nay các địa phương đã thu hoạch xong lúa hè thu, các cánh đồng bỏ hoang chờ gối vụ, rất thuận lợi cho việc thả trâu không chăn giữ. Bên cạnh đó, thời điểm này là mùa mưa nên cũng rất thuận lợi cho việc trồng cỏ nuôi bò lai.

24/10/2014
Cà Chua Lại Rớt Giá Cà Chua Lại Rớt Giá

Theo đa số chủ vựa thu mua cà chua, giá cà chua quá thấp thì cả nhà vườn và người buôn đều lỗ. Vựa cà chua Thắng Bảy (Thạnh Mỹ, Đơn Dương) cũng cho biết: “Chúng tôi cố lắm thì chỉ thu mua cà loại 1, trái to đẹp xuất đi cũng chỉ được gần 1.000 đồng/kg”.

24/10/2014
Vựa Nếp Giống Ở Cù Lao Phú Tân (An Giang) Vựa Nếp Giống Ở Cù Lao Phú Tân (An Giang)

Với khả năng cung ứng mỗi năm 1.000 tấn nếp giống cho hơn 75% nông dân trồng nếp chuyên canh trong huyện và một số vùng lân cận, Tổ liên kết (TLK) sản xuất nếp giống xã Phú Hưng (Phú Tân - An Giang) được bà con ví như vựa giống của huyện cù lao. Không chỉ mạnh về số lượng, TLK sản xuất giống Phú Hưng còn đi đầu về giống nếp CK92 chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất nếp hàng hóa của người dân.

24/10/2014