Khó Khăn Trong Điều Chỉnh Thời Hạn Sử Dụng Đất Nông Nghiệp

Luật Đất đai năm 2003 quy định thời hạn giao sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 20 năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này dự kiến thời hạn giao sử dụng đất nông nghiệp đều là 50 năm. Giao quyền sử dụng 20 năm hay 50 năm đối với đất nông nghiệp là một chế định thoạt nghĩ tưởng như đơn giản, song đây lại là vấn đề hệ trọng, đang được nhiều người quan tâm bàn luận.
Lý lẽ cơ bản mà Ban soạn thảo đưa ra là: Việc nâng hạn mức giao sử dụng đất nông nghiệp 50 năm nhằm giúp nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất; bảo đảm công bằng như doanh nghiệp được sử dụng 50 năm… Suy cho thấu đáo thì lý lẽ trên chưa thật toàn diện, còn khập khiễng, chưa tính hết các yếu tố, tính chất, đặc trưng, đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng từng loại đất và vì sao lại phải phân ra các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng?
Nước ta là một quốc gia lúa nước, với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 80% và cũng có trên 80% người dân làm nông nghiệp, xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới, nên thời hạn giao đất nông nghiệp cho người sử dụng càng trở nên quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề nhạy cảm.
Dù giao bao nhiêu năm thì vẫn phải căn cứ vào thực tế, đồng thời cần tính toán kỹ tới định hướng tương lai, tránh những hệ lụy, hệ quả của việc kéo dài thời hạn. Có địa phương bình quân mỗi người chưa đến 1 sào đất. Đó là chưa kể đến những nơi do phát triển công nghiệp, đô thị, mỗi người dân làm nông nghiệp chỉ còn chưa đầy 100m2 như nhiều xã ở các huyện giáp ranh nội thành thuộc Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng…
Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vấn đề bất cập, không công bằng trong quá trình quản lý sử dụng đất nông nghiệp như người sử dụng đất chết đi có người thừa kế, họ chuyển đổi nghề khác, chuyển khẩu đi nơi khác, thay đổi quốc tịch Việt Nam nhưng không tự nguyện giao lại đất nông nghiệp dẫn đến có hộ gia đình chỉ còn rất ít người làm nghề nông, thậm chí không còn ai sản xuất nông nghiệp nhưng do được thừa kế, tặng cho từ những thành viên khác trong gia đình nên mức hạn điền của họ gấp nhiều lần hộ khác, người khác. Trong thời hạn sử dụng đất, gia đình nào cũng có thể tìm các lý do vận dụng phù hợp pháp luật để giữ lại diện tích đất nông nghiệp đã được giao.
Bên cạnh đó thì có hộ gia đình sản xuất nông nghiệp do sinh thêm con, do kết hôn… tăng thêm nhân khẩu, vì không được chia thêm đất nên bình quân mức hạn điền với mỗi người lại giảm đi; họ lại không có khả năng chuyển đổi nghề, thiếu vốn, thu nhập đơn thuần từ sản xuất nông nghiệp không đáp ứng được đủ mức sống bình thường. Vì thế, ở nông thôn đã và đang diễn ra tình trạng phổ biến người có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp thì không có đất, còn người không có nhu cầu thì vẫn chiếm giữ phần đất mà gia đình, người thân của họ để lại.
Cần suy tính toàn diện
Luật Đất đai năm 2003 quy định rất cụ thể 3 nhóm đất gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Với mỗi loại đất, việc quản lý và sử dụng khác nhau, nhưng lại không quy định cụ thể việc thu hồi đối với từng đối tượng và từng loại đất. Đây là sự thiếu sót, nhưng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng không bổ sung quy định cụ thể.
Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) không bổ sung ngay các quy định phù hợp, đúng đắn về thời hạn giao và thu hồi đất nông nghiệp sẽ xảy ra mâu thuẫn khó có thể điều hòa trong nông dân, nông thôn. Hàng triệu con em nông dân sinh ra sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành không có đất để canh tác, họ sẽ làm gì để duy trì cuộc sống? Sự bần cùng hóa nông dân sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Như trên đã phân tích, thời hạn sử dụng và thu hồi đất là các chế định rất quan trọng và nhạy cảm, cần phải suy tính toàn diện về công tác quản lý của Nhà nước, về quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, về sự ổn định, phát triển trước mắt và lâu dài của quốc gia, dân tộc. Thiết nghĩ sửa đổi Luật Đất đai lần này nên quy định với đất nông nghiệp chỉ nên giao thời hạn chung là 30 năm. Đồng thời, quy định cụ thể hơn các trường hợp phải thu hồi do người sử dụng có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng.
Quy định thêm các trường hợp đương nhiên phải thu hồi đối với đất nông nghiệp khi người sử dụng đất chết, người sử dụng đất đã chuyển sang nghề khác thoát ly sản xuất nông nghiệp (người hưởng phụ cấp hưu trí, cán bộ, công chức nhà nước…), người sử dụng đất chuyển hộ khẩu sang địa phương khác; người chuyển đổi không còn mang quốc tịch Việt Nam… Có như vậy, mới tạo điều kiện cho những nhân khẩu mới ở nông thôn, người làm nông nghiệp được chia ruộng đất, yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Đây cũng là yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự phát triển của đất nước.
Có thể bạn quan tâm

Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tuy hình thành muộn nhưng có tốc độ phát triển nhanh. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện số lượng tàu khai thác cá ngừ trên cả nước có khoảng 3.600 chiếc. Tổng số lao động tham gia khai thác cá ngừ khoảng 35.000 người. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật Bản.

Hiện giá tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đang lên cao trở lại. Hiện tại, tôm thịt loại I có giá từ 1,6– 1,7 triệu đồng/kg; tôm thịt loại II có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/kg.

Tham gia thực hiện mô hình trồng lúa theo kỹ thuật SRI có 70 hộ với 6,8ha ở xã Yên Khê. Trên diện tích này bà con trồng giống lúa Thiên Nguyên ưu 16 với cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn khoa học của các ngành chức năng.

Được thành lập và đi vào hoạt động chỉ vài năm qua, nhưng các tổ kinh tế hợp tác (KTHT) nuôi tôm tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc (Long An) đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Không những giúp cho các thành viên trong tổ có sự liên kết trong nuôi tôm mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Để đáp ứng nhu cầu con tôm giống chất lượng phục vụ người nuôi tôm, trong thời gian qua, nhiều trại giống đã đầu tư công nghệ mới trong sản xuất. Tuy vậy, tôm giống ở Cà Mau hầu như bán với giá thấp hơn nhiều so với con giống ngoài tỉnh bởi chưa có thương hiệu.