Khó khăn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Xét từ tiêu chí tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, tính đến thời điểm 24/11/2015, trong nhóm 28 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015, mới có 4 xã (Thạch Bình - TP Hà Tĩnh, Tiến Lộc - Can Lộc, Thái Yên - Đức Thọ và Kỳ Thư - Kỳ Anh) đạt chuẩn do được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung.
Còn lại 24 xã đang sử dụng nước từ các công trình nhỏ lẻ hộ gia đình nên tỷ lệ đạt chuẩn theo quy chuẩn quốc gia rất thấp, chưa đáp ứng tiêu chí về sử dụng nước sạch.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Thủy (Đức Thọ) - Đinh Văn Nam cho biết, Đức Thủy đăng ký về đích NTM trước thời hạn 1 năm và đến nay đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí.
Tuy nhiên, đối với tiêu chí môi trường (nước sạch) là khó khăn nhất.
Hiện có 950 hộ sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan và các bể chứa nước mưa.
Qua phân tích, xét nghiệm mẫu nước của cơ quan chuyên môn, chỉ có 1/7 mẫu nước đảm bảo chất lượng.
Các mẫu nước bị nhiễm phèn, độ cứng cao, hàm lượng vi sinh vượt quá giới hạn cho phép.
“Việc đầu tư 1 nhà máy xử lý nước sạch hay trạm xử lý mini là vượt quá khả năng của người dân cũng như chính quyền” - ông Nam nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, việc xác định chất lượng nước theo quy chuẩn quốc gia gặp rất nhiều khó khăn, cần phải lấy mẫu, xét nghiệm phân tích chất lượng nước, rất tốn kém.
Trung bình mỗi xã có từ 1.200-1.500 hộ, nếu lấy mẫu xét nghiệm phân tích chất lượng nước của 100% hộ trên địa bàn toàn xã, thì kinh phí ước tính khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng/xã; nếu chỉ lấy một số mẫu đại diện thì không đủ cơ sở để đánh giá 50% số hộ sử dụng nước đạt quy chuẩn quốc gia theo quy định.
Không chỉ khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu nước sạch mà các địa phương cũng đang rất “bí” trong khâu xử lý rác thải.
Không đủ kinh phí để duy trì hoạt động là nguyên nhân khiến cho các xã dù đã thành lập được HTX vệ sinh môi trường, tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, việc thu gom chưa kịp thời dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư diễn ra khá phổ biến.
Việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã đang gặp nhiều khó khăn, đa số các xã mới chỉ dừng lại ở công đoạn đầu tư xây dựng bãi trung chuyển rác và thu gom rác thải tập trung về bãi trung chuyển, còn công đoạn vận chuyển đến các bãi xử lý, nhà máy xử lý còn hạn chế do thiếu phương tiện, kinh phí vận chuyển, xử lý lớn.
Ông Lê Văn Tứ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) cho biết, để hoàn thành tiêu chí xử lý rác thải, địa phương đã đầu tư 170 triệu đồng xây dựng 11 điểm tập trung rác tại 11 thôn xóm.
Tuy nhiên, việc thuê xe chở rác đi xử lý tại nhà máy xử lý rác thải ít nhất mỗi tháng hết 36 triệu đồng, cộng với chi phí lương cho bộ máy HTX môi trường mỗi tháng trên 10 triệu đồng là bài toán hết sức nan giải đối với địa phương.
Đây là khó khăn chung của tất cả các địa phương và chưa có hướng xử lý trong một sớm một chiều bởi quy định thu tiền môi trường đối với hộ dân vùng nông thôn đang còn thấp (10.000 đồng/hộ/tháng), không đủ chi phí xử lý rác thải.
Một yếu tố khiến tiêu chí môi trường tại các xã chưa đạt yêu cầu là nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình chưa đầu tư xây dựng các công trình hoặc áp dụng công nghệ xử lý chất thải thấp, hiệu quả xử lý chưa đảm bảo.
Một số nơi vẫn còn tình trạng chất thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường.
Môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, vì vậy, các cấp, ngành cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường tại nơi sinh sống và khu vực sản xuất; vận động người dân giữ gìn môi trường thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường”; phân loại rác tại hộ gia đình.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, áp dụng các giải pháp về chính sách hỗ trợ việc thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường, nhất là chính sách hỗ trợ về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ các cơ sở SXKD, hộ chăn nuôi xây dựng công trình xử lý chất thải, bãi trung chuyển, xử lý chất thải và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác thực hiện thu gom, xử lý rác thải.
Có thể bạn quan tâm
Báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm tháng đầunăm 2015, cả nước đã nhập khẩu 2.032 tấn thịt heo, kim ngạch đạt gần 4triệu USD (tăng gần 47% về lượng và 60% về giá trị so với cùng kỳ năm2014).
Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến của các bộ liên quan báo cáo Thủ tướng về việc UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cho phép các doanh nghiệp tiếp tục được kinh doanh tạm nhập tái xuất đường qua cửa khẩu phụ. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, cần siết chặt quản lý chống gian lận thương mại.
Những tháng đầu vụ cá Nam, luồng mực về nhiều chưa từng có. Thuyền về đầy ắp các khoang trong niềm phấn khởi của bà con ngư dân các vùng biển từ Cửa Khẩu (Kỳ Anh) đến Cửa Hội (Nghi Xuân).
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, vừa nhận được yêu cầu về việc nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam vào Thụy Sỹ.
Sau 8 tháng đưa cây măng tây xanh về trồng thử nghiệm ở địa bàn thị xã La Gi, chăm sóc đúng quy cách cây bắt đầu cho măng, cho thu hoạch liên tục 4 tháng. Mô hình này được Phòng Kinh tế thị xã đánh giá là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình nông dân.