Khi nông dân xuất sắc trình diễn sản phẩm
Triển lãm - hội chợ thành tích nông dân xuất sắc thời hội nhập - nông nghiệp đô thị và giao thương kinh tế vùng Đông Nam bộ năm 2017 (được sự bảo trợ của UBND TPHCM và Hội Nông dân Việt Nam) vừa diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám là dịp để nông dân xuất sắc giới thiệu, tôn vinh các mô hình, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu...
Trong ảnh: Cá cảnh trại cá Châu Tống. Ảnh: CAO THĂNG
Sân chơi, cũng là nơi tiếp sức
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhiều sản phẩm nông nghiệp liên tục phải “giải cứu” khi giữa sản xuất và thị trường chưa có sự liên thông, bị ngắt khúc. Chuyện nông dân xuất sắc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn chỉ mới là điều kiện cần, điều quan trọng là đầu ra cho sản phẩm. Tất cả đều được quyết định bởi thị trường. Triển lãm - hội chợ được xem như góp phần tạo ra sân chơi cho những người sản xuất nông nghiệp xuất sắc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng TP và với các doanh nghiệp phân phối.
Bà Bùi Thị Ba (ở ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) được nhiều người gọi “nữ tướng chanh không hạt” miền Tây. Ngoài trang trại chanh không hạt gần 30ha với tên gọi Nông trang Hải Âu, bà còn có cơ sở sơ chế chanh xuất khẩu, xây dựng cả cầu cảng để ghe tàu có thể vào tận nơi lấy hàng… Thương hiệu chanh không hạt VICA nổi tiếng do bà làm chủ sở hữu. Dù đang bận rộn với việc xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, bà Ba vẫn mang sản phẩm đến triển lãm - hội chợ để giới thiệu. Theo bà Ba, khi được tôn vinh nông dân xuất sắc, được giao lưu gặp gỡ nông dân giỏi khắp mọi miền đất nước, được tạo cơ hội giới thiệu sản phẩm…, bà cảm thấy như có thêm nhiều “đồng đội” để củng cố tinh thần, động viên lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.
Ngay thời điểm này, giá chanh không hạt giảm mạnh, mà huyện Bến Lức có hơn 4.700ha chanh, trong đó chanh không hạt chiếm phần lớn - hơn 3.850ha với sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm. Vì vậy, UBND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) tổ chức kết nối giao thương, thúc đẩy việc hình thành và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ chanh không hạt với đại diện các doanh nghiệp như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op và các vựa thu mua, các hợp tác xã sản xuất.
Ông Dương Mã Dưỡng là người có hơn 20 năm gắn bó với cây bơ sáp ở xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Dù “bận túi bụi” với đối tác từ Đức, nhưng ông vẫn chuẩn bị từng thùng hàng mang xuống TPHCM để quảng bá. Theo ông Dưỡng, người tiêu dùng thích ăn bơ, nhưng có nhiều nơi bán không đảm bảo chất lượng, trái bơ bị hái non nên không dẻo, không ngon. “Tôi muốn xây dựng lại hình ảnh trái bơ sáp thơm ngon, béo ngậy, hạt nhỏ, có lớp cơm dày, vỏ mỏng. Tôi muốn mọi người được ăn trái bơ đúng chất lượng”, ông Dưỡng khẳng định đầy quyết tâm. Điều khiến ông băn khoăn là bơ sáp đạt chất lượng xuất khẩu không nhiều, ông đã nhiều lần phải từ chối đơn hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức… Ông đến triển lãm - hội chợ lần này với hy vọng tìm được người cùng chí hướng để hợp tác phát triển thêm nhiều trang trại bơ chất lượng, đáp ứng các đơn hàng lớn nước ngoài cũng như cung ứng cho thị trường nội địa.
Liên kết tạo sức mạnh
Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, việc tổ chức triển lãm - hội chợ này góp phần khẳng định kết quả, cũng như giới thiệu những thành tựu to lớn của nông dân và ngành nông nghiệp TPHCM nói riêng, của cả khu vực Đông Nam bộ nói chung trong quá trình phát triển kinh tế, tái cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với thị trường. Đây còn là cầu nối để các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; tạo cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển mạng lưới giao thương, liên kết phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ với các vùng miền trong cả nước và hợp tác quốc tế. Đây còn là cơ hội giao lưu giữa người nông dân với các nhà khoa học, các doanh nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận và áp dụng kịp thời công nghệ mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần phát triển hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Diện tích đất nông nghiệp TPHCM ngày càng suy giảm, nhưng nhờ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đô thị nên giá trị sản xuất 1ha đất nông nghiệp của TP vẫn tăng hàng năm. Hiện nay là 410 triệu đồng/ha/năm, thuộc địa phương có giá trị sản xuất đất nông nghiệp cao của cả nước. Đến với triển lãm - hội chợ, ông Tống Hữu Châu, chủ trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), từng là nông dân xuất sắc cả nước nhiều năm trước, vẫn miệt mài với nghề nuôi cá cảnh. Ông không nhớ hết mình đã có bao nhiêu lần tập huấn và dạy nghề cho người dân xung quanh nuôi cá cảnh và bao tiêu lại sản phẩm. Ông còn tổ chức liên kết, hình thành vệ tinh tại các tỉnh để có nguồn cá cảnh đa dạng cho xuất khẩu. Theo ông Tống Hữu Châu, những năm qua ông chỉ chuyên tâm thị trường xuất khẩu, trong khi nội địa là thị trường gần và đầy tiềm năng, lại có tỷ suất lợi nhuận cao. Việc khai thác hết tiềm năng thị trường nội địa là điều mà ông Châu cảm thấy thú vị, nhưng cần có sự hợp tác, liên kết để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi cá cảnh, từ những người thu nhập cao với những con cá cảnh có giá vài triệu đồng/con trở lên, đến các công nhân lao động có thể tìm mua cá cảnh với giá vài ngàn đồng/con.
Triển lãm - hội chợ lần này còn là cơ hội cho nông dân, các hợp tác xã điển hình, doanh nghiệp nông nghiệp giao lưu, tìm kiếm cơ hội phát triển và vươn ra thị trường các nước. Đây là điều mà không phải nông dân xuất sắc nào cũng có thể làm được.
Có thể bạn quan tâm
Hiện Cà Mau có 12 doanh nghiệp liên kết thực hiện trên diện tích 20.000 ha/4.000 hộ nuôi tôm rừng được chứng nhận với các tiêu chuẩn như EU, Naturland và Biossu
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã đưa cây mãng cầu xiêm xuống chân ruộng.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người nuôi lợn sẽ vẫn phải chịu lỗ vì trong vài tháng tới do giá lợn khó khởi sắc do nguồn cung còn nhiều.