Mãng cầu xiêm bén rễ trên đất lúa
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã đưa cây mãng cầu xiêm xuống chân ruộng.
Trong ảnh: Mãng cầu xiêm cho lãi gấp cả chục lần lúa
Đến nay diện tích mãng cầu xiêm của xã là 24ha, trong đó 1,5ha đang cho trái, năng suất bình quân đạt 20 tấn/năm, lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng/năm/ha (tùy theo độ tuổi cây).
Mãng cầu xiêm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thích ứng với loại đất nhiễm phèn. Từ năm 2009, ông Nguyễn Văn Hai, ngụ ấp Thới An A, xã Long Vĩnh đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha trồng lúa sang trồng cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát. Ông học hỏi kinh nghiệm thâm canh mãng cầu xiêm qua tài liệu, qua cán bộ khuyến nông và những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.
Ông Hai cho hay, khoảng cách trồng bình bát là 4,5 x 4,5m. Sau thời gian trồng 8 - 10 tháng, ông bắt đầu ghép mãng cầu xiêm lên gốc bình bát, sau 2 năm thì cho trái, chỉ để lại mỗi cây từ 3 đến 5 trái, những năm về sau mới để trái nhiều hơn. Khi cây ra trái phải quan tâm tỉa thưa, tỉa bớt trái nhỏ không có giá trị kinh tế. Đây là phương pháp hữu hiệu để kéo dài tuổi thọ của cây. Đến nay, vườn mãng cầu xiêm của ông Hai đang cho trái ổn định với giá bán từ 15.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Tây cho biết, mô hình trồng cây ăn trái trên nền đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình trồng lúa từ 6,13 - 9,48 lần, trong đó mô hình trồng mãng cầu xiêm cho hiệu quả cao nhất, gấp 9,48 lần. Huyện đã tập trung chỉ đạo ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để phát triển mãng cầu xiêm với tổng diện tích 38,06ha.
Cũng theo ông Hai, cây mãng cầu xiêm có nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu trái thường rất kém, nguyên nhân là do quá trình tự thụ phấn có hiện tượng "lệch pha" (nhụy cái chín trước nhụy đực chín sau) và do cấu tạo của hoa nên khó thụ phấn chéo nhờ gió hay côn trùng.
Vì vậy, để cây mãng cầu xiêm đạt năng suất cao và chất lượng trái tốt thì cần thụ phấn bổ sung cho hoa.
Kỹ sư Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trạm Khuyến nông huyện Gò Công Tây cho biết: Thông thường thời gian lấy phấn vào chiều tối (7 - 8 giờ) và thụ phấn vào buổi sáng (8 - 9 giờ) là tốt nhất.
Chọn hoa để lấy phấn, chọn những hoa mọc ở đầu cành nhỏ hoặc hoa có kích thước nhỏ để lấy phấn vì những hoa này thường khó thụ phấn và trái dễ rụng hoặc trái không lớn. Khi hoa có 3 cánh thì có thể cắt để lấy phấn...
Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng rất quan trọng; đặc biệt là giai đoạn đậu trái và phát triển trái. Phân hữu cơ rất cần thiết cho cây mãng cầu xiêm, bình quân mỗi năm cần cung cấp từ 10 -15kg phân chuồng/cây.
Giai đoạn từ khi trồng đến cho trái áp dụng công thức sau: 40gr urê hoặc DAP + 10 lít nước/gốc (2 tháng/lần) hay phân NPK 16-16-8, 20-20-15 bón định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 100 - 200gr.
Mãng cầu xiêm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thích ứng với loại đất nhiễm phèn
Giai đoạn đậu trái: Bón lần 1 khoảng 15 - 30 ngày sau khi đậu trái, sau đó cứ mỗi tháng bón một lần, phân NPK 17-10-17: 1 - 1,5kg/gốc nhằm cung cấp lân và kali phát triển mầm hoa. Sau thu hoạch, bón NPK có chứa nhiều đạm và lân như: NPK 18-12-8, NPK 20-20-15 hoặc NPK 16-16-8 để giúp cây phục hồi dinh dưỡng đồng thời phát triển bộ rễ mới chuẩn bị nuôi cho đợt trái tiếp theo, lượng phân gia giảm từ 0,3 - 1kg NPK/cây (tuỳ tuổi cây và tính chất tốt xấu của đất).
Để tránh đổ ngã cho cây trong mùa mưa bão, khâu tỉa cành, tạo tán được ông Nguyễn Văn Hai hết sức chú ý. Việc làm này mang lại lợi ích kép: Cây ít bị đổ ngã vừa dễ chăm sóc, thu hoạch, giảm được cành vô hiệu, giảm được sâu bệnh. Kinh nghiệm của ông trong quá trình thâm canh là chú ý phòng trị rầy, sâu đục thân, rệp sáp, bệnh thối rễ…
Có thể bạn quan tâm
Trước những khó khăn của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang rất được chú trọng
Những con sông này mang nguồn thuỷ sản tự nhiên và phù sa phục vụ sản xuất của hàng ngàn héc-ta đất trong khu vực. Nằm trọn trong Tiểu vùng X thuộc dự án khép
Hiện Cà Mau có 12 doanh nghiệp liên kết thực hiện trên diện tích 20.000 ha/4.000 hộ nuôi tôm rừng được chứng nhận với các tiêu chuẩn như EU, Naturland và Biossu