Triển vọng sản xuất hữu cơ
Trong khuôn khổ Dự án phục hồi rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016, vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Hiệp hội Hữu cơ Naturland tổ chức hội thảo với chủ đề “Sản xuất hữu cơ tại Việt Nam và xu hướng phát triển”.
Trong ảnh: Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phát triển loại hình sản xuất nông sản hữu cơ tại Cà Mau.
Hiện Cà Mau có 12 doanh nghiệp liên kết thực hiện trên diện tích 20.000 ha/4.000 hộ nuôi tôm rừng được chứng nhận với các tiêu chuẩn như EU, Naturland và Biossue. Từ những kết quả trên đã góp phần nâng cao giá trị con tôm Cà Mau và đang được các doanh nghiệp cũng như tổ chức quốc tế nhận định sản xuất theo hướng organic (hữu cơ) sẽ được phát triển mạnh và bền vững trong tương lai.
Hành trình gian nan
Sản lượng tôm của Cà Mau hằng năm đạt trên 150.000 tấn, trong đó, tôm có chứng nhận organic khoảng 8.000-9.000 tấn/năm. Việc sản xuất để đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn organic gặp rất nhiều khó khăn như do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí thực hành rất cao, thị trường thì hạn hẹp. Vì vậy rất khó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh này.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức trong và ngoài nước nhận định xu hướng chuyển từ nền nông nghiệp hoá chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là tất yếu trước nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng tăng của người dân trên thế giới. Nhưng khi phát triển nền nông nghiệp này, mỗi nước có đặc trưng, tiêu chuẩn riêng dẫn đến có nhiều tiêu chí chứng nhận. Trong đó, quá trình đạt chứng nhận organic rất dài và khó khăn, chi phí sản xuất cũng như xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ là rất lớn.
Ông Peter Niedermeier, Tập đoàn Binca seafoods GmbH Germany, chia sẻ: “Sản phẩm hữu cơ trước hết phải thân thiện với môi trường, xã hội và với người tiêu dùng. Hãy cho người tiêu dùng một cơ hội lựa chọn thông qua quá trình truyền thông quảng bá chứ không đơn giản là chào bán một cách bình thường. Chúng ta phải chứng minh cho người tiêu dùng thấy được họ sử dụng sản phẩm đó có nguồn gốc sản xuất như thế nào? Tốt cho sức khoẻ của họ ra sao? Nó là một quá trình lâu dài, vất vả, không hề đơn giản cho nhà sản xuất”.
Cũng theo ông Peter Niedermeier, Cà Mau có diện tích nuôi tôm rừng đã được chứng nhận organic và giá trị tăng thêm cho người dân tham gia thực hiện mô hình này là 5%. Sản phẩm đạt chứng nhận tôm sinh thái đó đang được người tiêu dùng khó tính như Mỹ, EU chấp nhận sử dụng với giá cao. Rõ ràng đây là một thông điệp tốt cho con tôm Cà Mau.
Cần có cơ chế cho sản xuất hữu cơ
Hiện trên toàn thế giới có 179 quốc gia tham gia vào nền nông nghiệp hữu cơ và được chứng nhận orgnaic. Trước lợi thế là nước đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất organic, Tiến sĩ Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho rằng: “Ở Việt Nam tuy muộn nhưng sản xuất hữu cơ đang được quan tâm phát triển. Đây là một tín hiệu tốt cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Với sự quan tâm của UBND tỉnh trên lĩnh vực sản xuất hữu cơ mà trong đó 2 loại hình tôm sinh thái và lúa tôm được thực hiện cùng nhiều dự án, sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia, tôi tin rằng sản xuất hữu cơ tại Cà Mau sẽ phát triển. Nhưng cũng cần có cơ chế, luật cho loại hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ này để có sự cạnh tranh lành mạnh hơn trong tương lai”.
Thu hoạch lúa hữu cơ tại Công ty Viễn Phú Cà Mau.
Để phát triển bền vững nông nghiệp và thuỷ sản hữu cơ tại Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định: “Cần hoàn chỉnh hệ thống các quy định đất đai, nông nghiệp và thuỷ sản theo hướng chú trọng ưu tiên khu vực chuyên sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản hữu cơ. Nhà nước cần có chính sách về vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, giám sát liên quan nông nghiệp hữu cơ…”.
Theo đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm; kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tiếp cận thị trường để phát triển các vùng sản xuất các mặt hàng nông sản, thuỷ sản hữu cơ… sẽ được các tổ chức, doanh nghiệp và ngành chuyên môn quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Mặc khác, trong quá trình hoạt động sản xuất, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận organic tự tìm hướng đi cho riêng mình trong thực hiện chuỗi giá trị theo phương châm hài hoà lợi ích thông qua việc hình thành doanh nghiệp xã hội. Đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất bền vững hơn.
Theo kế hoạch năm 2020, Cà Mau sẽ đạt chứng nhận 30.000 ha tôm rừng và 40.000 ha tôm lúa theo chứng nhận organic. Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản hữu cơ là hình thức sản xuất mang tính chất tự nhiên, không có sự tác động của hoá chất. Thực tế hiện nay là việc sản xuất, canh tác của người sản xuất còn dựa quá nhiều vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Ngành nuôi vịt ở Philippines chủ yếu để phục vụ sản xuất trứng. Thị trường trứng vịt Philippines ngày càng tăng trưởng mạnh, nhưng còn nhiề
Trước những khó khăn của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang rất được chú trọng
Những con sông này mang nguồn thuỷ sản tự nhiên và phù sa phục vụ sản xuất của hàng ngàn héc-ta đất trong khu vực. Nằm trọn trong Tiểu vùng X thuộc dự án khép