Khẩn Trương Thu Hoạch Lúa Xuân, Làm Vụ Mùa
Vụ xuân năm 2013, huyện Sơn Dương cấy được 5.328 ha lúa, trong đó có 3.274 ha lúa lai và 2.054 ha lúa thuần. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân và bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa.
Thiện Kế là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Sơn Dương về tiến độ thu hoạch lúa vụ xuân cũng như triển khai vụ mùa. Đến đầu tháng 6 này, xã đã hoàn thành thu hoạch trên 264 ha lúa xuân. Năm nay mặc dù có hơn 70 ha lúa BC15 của xã bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, tỷ lệ lép cao, nhưng năng suất lúa bình quân của xã vẫn đạt khá cao (lúa thuần đạt 57 tạ/ha, lúa lai 67 tạ/ha).
Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, xã đã xây dựng xong kế hoạch làm vụ mùa và cây vụ đông; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nhân dân trong xã; triển khai nạo vét duy tu bảo dưỡng hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, đặc biệt là công trình thủy lợi lớn như hồ Tân Dân, trạm bơm Thiện Phong... đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho 271 ha lúa vụ mùa. Đến nay bà con nông dân đã gieo mạ đạt 80% diện tích cấy, làm đất được trên 200 ha... Dự kiến đến ngày 22-6 xã sẽ bắt đầu cấy lúa vụ mùa.
Chị Đào Thị Yến, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa cho biết, vụ xuân năm nay gia đình chị cấy 6 sào lúa, do thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh nên diện tích lúa của gia đình chị phát triển tương đối tốt. Khi thu hoạch, 6 sào lúa của gia đình chị cho thu trên 1,5 tấn lúa. Hiện gia đình chị khẩn trương làm đất chuẩn bị cho vụ mùa, đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.
Bà Đỗ Thị Hưng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Dương cho biết, vụ xuân này cùng với các giống lúa truyền thống, huyện thí điểm đưa 13 mô hình thâm canh giống lúa lai mới như Sut89, Hoa ưu 108, HK28, TH3-5, BG6, Kim ưu 99, HKT18, Đắc ưu 11, Gold, H6129... vào gieo trồng trên diện tích 9 ha của 8 xã với 136 hộ tham gia.
Kết quả, năng suất các giống lúa mới này đạt từ 78-80 tạ/ha, tăng 30% so với năng suất bình quân lúa lai toàn huyện. Đây là động lực quan trọng khích lệ người nông dân đưa các giống lúa mới vào gieo trồng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế của cây lúa trên cùng đơn vị diện tích. Do thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, chủ động nguồn nước tưới tại các xứ đồng nên mặc dù gặp một số khó khăn do điều kiện thời tiết nhưng năng suất lúa vụ xuân của huyện vẫn đạt trên 61 tạ/ha.
Cũng vụ xuân này huyện Sơn Dương có 617 ha cấy giống lúa BC15 bị lép hạt, năng suất giảm, gây thiệt hại cho nông dân. Với những diện tích bị thiệt hại, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương thực hiện thu hoạch đánh giá đúng diện tích và năng suất bị thiệt hại, báo cáo kịp thời cho các cơ quan chuyên môn, đồng thời giải phóng diện tích các xứ đồng để khẩn trương làm vụ mùa cho kịp thời vụ.
Hiện nay cùng với thu hoạch lúa xuân, các xã, thị trấn trong huyện đang khẩn trương làm vụ mùa. Theo kế hoạch, vụ mùa này toàn huyện gieo cấy 6.270 ha lúa, trong đó có 2.200 ha lúa lai; trồng 500 ha ngô, 200 ha lạc, 140 ha cây đậu tương. Theo đó, lượng giống cần 366.850 kg lúa, 8.500 kg ngô, 36.000 kg lạc, 7.700 kg đậu tương…
Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, đến nay cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất tại cơ sở, phát tờ rơi hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ sản xuất cho nông dân. Vụ mùa này, huyện tập trung ở trà sớm sử dụng các giống ngắn ngày KM18, TBR45 và nhóm giống chất lượng HT1, HT6, Bắc thơm số 7, QR1... để kịp thu hoạch và bố trí gieo trồng cây ngô, đậu tương vụ đông.
Với phương châm gặt xong đến đâu khẩn trương làm đất cấy lúa mùa đến đó, đến giữa tháng 6, toàn huyện đã làm đất được 856 ha, gieo được 3.210 kg mạ, gồm 600 kg mạ lai và 2.610 ha lúa thuần.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến trung tuần tháng 8-2014, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có bảy doanh nghiệp đầu tư kho thu mua và tạm trữ lúa, gạo với tổng công suất chứa 240.000 tấn kho. Song tiến độ triển khai thực hiện còn khá chậm.
Tại Hội nghị sơ kết tái canh cà phê do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên tổ chức mới đây, có những thông tin vừa mừng vừa lo.
Con dúi (nu) nuôi ở xã Tà Nung, Đà Lạt thuộc loài động vật hoang dã đã được thuần hóa từ các trại giống ở tỉnh Đồng Nai. Với Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi dúi (nu) theo hướng an toàn dịch bệnh”; từ tháng 7/2013, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho 11 hộ nông dân xã Tà Nung, mỗi hộ mua 32 con dúi giống về nuôi.
Nghị quyết 30a của Chính phủ ra đời nhiều năm qua đã thực sự tạo ra sức bật mới cho đồng bào dân tộc các huyện nghèo trong tỉnh vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh những hợp phần quan trọng như đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng... thì hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn được ưu tiên số 1.
Hiện đang vào vụ nuôi vịt mùa lũ để tận dụng thức ăn tự nhiên nên khoảng 2 tuần nay, giá vịt con các loại tăng thêm 2.000-4.000đ mỗi con.