Khai Thác Cá Ngừ Sọc Dưa Niềm Vui Chưa Trọn
Những ngày gần đây, nhiều ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định… hành nghề lưới vây đã cập cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) với đầy ắp cá ngừ sọc dưa. Tuy nhiên, niềm vui của ngư dân chưa trọn vẹn bởi giá bán cá khá thấp.
Sản lượng khai thác cao
Vừa cập cảng Hòn Rớ, ngư dân Lê Văn Tâm, chủ tàu BĐ 97092TS (Bình Định) cho biết: “Hiện đang vào mùa đánh bắt cá ngừ sọc dưa nên sản lượng loại cá này tương đối cao. Trung bình một chuyến biển kéo dài từ 20 - 25 ngày, tàu nào trở về cũng cá nặng đầy khoang.
Chuyến biển này, tàu chúng tôi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, mới 15 ngày đầu đã khai thác được hơn 10 tấn cá, bán ngay cho tàu thu mua trên biển; chúng tôi tiếp tục khai thác được hơn 15 tấn nữa mới quay về bờ. Chuyến biển trước, tàu chúng tôi cũng trúng mẻ cá lớn với hơn 15 tấn”. Theo ông Tâm, các tàu khai thác cá ngừ sọc dưa đạt sản lượng cao là do đang có luồng cá ngừ lớn đi qua vùng biển ngư trường Trường Sa.
Về cùng ngày với tàu của anh Tâm còn có hơn 10 tàu của nhiều ngư dân khác. Gặp chúng tôi, ngư dân Trần Hiền ở Hòn Rớ cho biết, chuyến biển này tàu anh ra khơi đánh bắt được gần 25 tấn cá.
Hiện đang vào vụ khai thác cá ngừ sọc dưa nên anh cùng bạn thuyền dự định nghỉ ngơi vài ngày, chuẩn bị nhiên liệu, đá, thực phẩm rồi lại tiếp tục ra khơi để kịp khai thác luồng cá đang có ở khu vực Trường Sa. Theo thống kê của Ban quản lý Cảng Hòn Rớ, những ngày cao điểm, cảng Hòn Rớ đón khoảng 30 - 40 tàu của ngư dân Khánh Hòa, Bình Định... cập cảng để bán số cá ngừ sọc dưa khai thác được.
Tuy nhiên, không phải tàu thuyền nào cũng trúng mẻ cá lớn. Ông Trần Minh Ngọc (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Cùng khai thác ở ngư trường Trường Sa nhưng do không trúng luồng cá nên sau 27 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi chỉ khai thác được 9 tấn cá. Với giá cá thấp như hiện nay, chúng tôi cầm chắc thua lỗ. Hiện cứ 10 tàu ra khơi có 7 tàu đạt sản lượng cao, còn 3 tàu sản lượng thấp”.
Giá cá giảm
Niềm vui khai thác cá ngừ sọc dưa đạt sản lượng cao của nhiều ngư dân hiện chưa chọn vẹn bởi giá cá đang ở mức thấp. Ngư dân Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Chưa khi nào giá cá ngừ sọc dưa xuống thấp như năm nay.
Thời điểm này năm ngoái, cá ngừ sọc dưa có giá 25.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg đối với cá đạt chất lượng, còn với cá chất lượng kém chỉ 10.000 - 11.000 đồng/kg (tính trung bình chỉ khoảng 15.000 đồng/kg), thấp hơn nhiều so với năm trước. Với giá này, nếu sản lượng đạt thấp thì ngư dân gặp khó khăn”.
Theo tính toán của ông Ngọc, đối với tàu của gia đình ông, phí tổn cho mỗi chuyến biển kéo dài 25 ngày khoảng hơn 200 triệu đồng; với sản lượng cá khai thác chuyến biển này chỉ được 9 tấn, ông thua lỗ gần 50 triệu đồng. Nhưng để thuyền viên gắn bó với mình, ông phải ứng thêm tiền, giúp bạn thuyền vượt qua khó khăn trước mắt.
Tương tự, ngư dân Trần Hiền cho biết: “Với 25 tấn cá khai thác được bán với giá trung bình 15.000 đồng/kg, chuyến biển này chúng tôi chỉ thu được khoảng 375 triệu đồng, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái phải bán được hơn 600 triệu đồng”.
Theo lý giải của một số chủ vựa thu mua cá ngừ sọc dưa tại cảng Hòn Rớ, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ loại cá này có phần chững lại; trong khi sản lượng khai thác nhiều nên giá cá hạ xuống là điều dễ hiểu. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua chủ yếu dự trữ trong các kho lạnh để chế biến dần. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Châu Long (xã Phước Đồng) nhận định: “Thị trường xuất khẩu cá ngừ sọc dưa ngày càng khó tính, đòi hỏi chất lượng cao.
Doanh nghiệp chúng tôi đang tìm mua cá ngừ sọc dưa chất lượng tốt với giá 24.000 - 25.000 đồng/kg nhưng không có để mua”. Theo ông Cường, để nâng được giá bán, ngư dân cần chú trọng đến khâu bảo quản sau khai thác để cá đưa về bờ đạt chất lượng cao nhất.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ: Từ đầu năm đến nay, sản lượng các loại hải sản qua cảng Hòn Rớ đạt hơn 15.430 tấn; trong đó hơn 70% là cá ngừ sọc dưa. Sản lượng khai thác hiện nay tuy cao nhưng giá bán lại thấp nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Lao động trực tiếp trên biển ngày càng ít, trong khi số lượng tàu thuyền ngày càng tăng, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo tìm "bạn" đi biển, đây là một thực trạng đang xảy ra ở nhiều vùng biển trong tỉnh Quảng Ngãi.
Từ khi triển khai chương trình VietGAP, nhiều nông dân ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc đã ý thức xây dựng những vườn sầu riêng với năng suất và chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa giao Cục Thú y căn cứ vào tình hình thực tế của dịch cúm gia cầm quyết định cấp vắcxin từ nguồn dự phòng để các địa phương tiêm phòng chống dịch khẩn cấp các ổ dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng năm, diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh liên tục tăng. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh trong việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu về giống cho sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản.
Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới. Bình quân mỗi héc ta trồng xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng.