Khai thác bền vững lợi thế hồ sông Đà để phát triển nghề cá
“Kho tàng” quý báu về nguồn thủy sản
Hồ sông Đà được giới chuyên môn cho là “kho tàng” quý báu về thủy, sinh vật và nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Bắc. Với diện tích gần 9.000 ha, dung tích trên 9 tỷ m3 nước, được bố trí hình lòng máng, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá cao với hàng nghìn ha thảm thực vật và rừng, đáy hồ sâu, có nơi tới hơn trăm mét, có hệ thủy, sinh vật phong phú đem lại tiềm năng lớn để phát triển nghề cá cho tỉnh. Theo một đề tài khoa học thì hệ cá khu vực sông Đà hiện có tới 174 loài, thuộc 85 giống, 19 họ, 6 bộ.
Trong đó, bộ cá chép có thành phần phong phú nhất với 123 loài thuộc 59 giống, chiếm 70,6% tổng loài. Tiếp đến là bộ các nheo với 28 loài thuộc 12 giống, chiếm 16% tổng số loài. Đặc biệt 19 loài có giá trị kinh tế như: chiên, anh vũ, lăng, dầm xanh, trắm, trôi, chép, quất (lăng), bỗng, tầm Siberi, hồi vân, chày đất... Việc nuôi trồng khai thác thủy sản hồ sông Đà góp phần quan trọng giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân.
Nhận thức tiềm năng phát triển nghề cá của hồ sông Đà, những năm gầy đây đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nuôi các loại cá đặc sản và cho kết quả khá tốt. Công ty Minh Tín, một DN ở Hải Dương đầu tư 170 lồng cá tại xã vùng hồ Thung Nai (Cao Phong) từ năm 2012 theo mô hình khép kín công nghệ tiên tiến, trong đó có 130 lồng nuôi các loại cá trắm, lăng và diêu hồng. Các sản phẩm cá sông Đà ngon, sạch chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi lồng cho thu hoạch từ 3 - 4 tấn cho thu hàng trăm triệu đồng.
“Cú huých” mới hiện thực hóa tiềm năng thủy sản hồ Hòa Bình
Với tiềm năng và lợi thế đặc thù, một trong những định hướng quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống người dân, phát triển KT-XH vùng hồ là bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12, ngày 13/6/2014 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó đặt mục tiêu tổng quát là phát triển sản xuất nuôi cá lồng bè với một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và tăng trưởng bền vững của ngành thủy sản. Phấn đấu năm 2015, số lồng nuôi cá vùng hồ đạt 2.700 lồng, tương đương 65.000m3, sản lượng khai thác đạt 3.800 tấn, tạo việc làm cho 2.500 lao động.
Đến năm 2020 phát triển đạt 3.500 lồng, tương đương 85.000 m3; sản lượng nuôi, khai thác đạt 6.500 tấn, tạo việc làm cho 2.800 lao động. Trong giai đoạn trên, hình thành, duy trì và phát triển mạnh mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư về khoa học công nghệ, ứng dụng KH-KT, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nghề nuôi cá lồng; quản lý, phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai 2015 - 2020. Theo đó, sẽ hỗ trợ trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được UBND tỉnh phê duyệt cho các cơ sở nuôi cá bằng lồng bè quy mô 50m3 trở lên 50% kinh phí đầu tư cho một lồng nuôi, mức 25 triệu đồng, tối đa không quá 80 triệu đồng/hộ/năm. Theo ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, với chủ trương và chính sách cụ thể đang được tỉnh triển khai sẽ tạo ”cú huých” khai khác hiệu quả lợi thế so sánh, phát triển bền vững nghề cá trên hồ sông Đà.
Có thể bạn quan tâm
Sản lượng cá ngừ khai thác được lớn, nhưng giá sản phẩm thấp, dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, nên đa số các tàu hòa vốn hoặc lỗ, một số ít tàu có lời nhưng ở mức thấp.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP Hồ Chí Minh triển khai dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt tại tỉnh Lâm Đồng”.
Theo chân anh Nguyễn Xuân Danh cán bộ Nông lâm ngư diêm nghiệp xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn 1, xã Xuân Hải với gần 7 năm trong nghề nuôi hải sâm kết hợp với tôm sú cho hiệu quả.
Hạn chế được ô nhiễm môi trường, dễ áp dụng cho cả trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế... đó là những hiệu quả tích cực mà người chăn nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang nhận thấy được sau khi áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Trước tình hình khô hạn khốc liệt đang xảy ra, Trung tâm Giống thủy sản Bình Định vừa có văn bản gửi lãnh đạo Sở NN-PTNT đề nghị hỗ trợ khẩn cấp số kinh phí gần 550 triệu đồng để chống hạn cứu đàn cá giống bố mẹ gồm các loại: trắm, trôi, mè, chép, rô phi, bống tượng… đang được nuôi giữ tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Châu (Phù Mỹ).