Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khắc Phục Khó Khăn Phát Sinh

Khắc Phục Khó Khăn Phát Sinh
Ngày đăng: 24/11/2013

Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn “từ nông trại đến bàn ăn” theo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap), Hải Phòng đạt kết quả tốt về xây dựng các nhóm GAHP và vùng chăn nuôi VietGap. Tuy nhiên, việc triển khai một số hợp phần khác của dự án vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hợp phần xây dựng cơ sở giết mổ an toàn, chợ an toàn thực phẩm. Ban quản lý dự án Lifsap đang triển khai các giải pháp để tăng tốc dự án.

Dẫn đầu cả nước về xây dựng nhóm GAHP

Bà Trịnh Thị Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Hải Phòng cho biết: “Trong 10 tháng năm 2013, Hải Phòng có thêm 800 hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP, đạt 100% kế hoạch cả năm, nâng số hộ GAHP toàn thành phố lên 1200 hộ; xây dựng 4 vùng chăn nuôi ưu tiên áp dụng VietGAHP (vùng GAHP) tại 29 xã của 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Dương; thiết lập 58 nhóm GAHP...Đáng chú ý, nhờ được tuyên truyền cụ thể, sinh động, phù hợp, người chăn nuôi quen dần thao tác kỹ thuật mới và hồ hởi đón nhận việc sản xuất theo quy trình GAHP. Dự án hỗ trợ 800 hộ GAHP đủ thiết bị chăn nuôi chuyên biệt bảo đảm chăn nuôi an toàn, 86% số hộ chăn nuôi tham gia dự án có công trình quản lý chất thải chăn nuôi. Dự án triển khai xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi tại 160 hộ trong vùng GAHP như chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái, sử dụng giống lợn Pidu, Pietrain kháng stress, thức ăn lên men lỏng và thức ăn ủ men…Nhờ vậy, các hộ chăn nuôi vùng GAHP áp dụng quy trình đạt 81,04% tiêu chí, tăng hơn 50% so với năm trước; hơn 300 hộ đủ điều kiện chứng nhận GAHP. Theo đánh giá của BQL dự án Lifsap Trung ương, Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về triển khai hợp phần xây dựng nhóm GAHP trong chăn nuôi”.

Anh Lưu Văn Mến, nhóm trưởng nhóm chăn nuôi GAHP 2 Việt Tiến (Vĩnh Bảo) hồ hởi cho biết: “Từ khi thiết lập nhóm chăn nuôi VietGAHP, được sự hỗ trợ của dự án Lifsap, hộ chăn nuôi ở Việt Tiến có thể liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp để ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn. Đặc biệt, chúng tôi hỗ trợ nhau về con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi. Việc sản xuất theo nhóm mang lại hiệu quả bất ngờ, phần lớn hộ chăn nuôi đều giảm chi phí, tăng hiệu quả, tăng thu nhập nhờ sản phẩm chăn nuôi an toàn khi bán giá cao hơn 1,5 lần so với sản phẩm chăn nuôi truyền thống”. Không chỉ ở Việt Tiến, các nhóm GAHP trên địa bàn thành phố đều hình thành các hình thức SXKD. Trong đó có 3 nhóm thành lập mô hình HTX chăn nuôi an toàn, 30% số nhóm thành lập tổ hợp tác, CLB chăn nuôi, gắn kết với các DN, đại lý cung ứng vật tư sản xuất để giảm chi phí chăn nuôi.

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng chợ, cơ sở giết mổ an toàn

Theo ông Phạm Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Giám đốc BQL dự án Lifsap Hải Phòng, do nhiều khó khăn nên tiến độ triển khai một số hợp phần thuộc dự án Lifsap chậm so với yêu cầu. Từ năm 2011 đến nay, vốn giải ngân của dự án mới đạt 43% mức kế hoạch. Riêng 10 tháng năm 2013, nguồn vốn dự án giải ngân tại Hải Phòng chỉ đạt 26,4% kế hoạch cả năm, tiến độ thực hiện dự án cũng chỉ hơn 53% kế hoạch. Trong khi hợp phần xây dựng vùng GAHP, nhóm GAHP dự án đã hoàn thành 100% kế hoạch cả năm, việc triển khai hợp phần xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ sau 3 năm triển khai vẫn dừng ở việc đề xuất danh mục, hạng mục và định mức hỗ trợ các điểm giết mổ nhỏ, nâng cấp cơ sở giết mổ lớn chưa thực hiện được. Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2015, Hải Phòng phải nâng cấp 12 cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo nguồn vốn của dự án. Tiến độ xây dựng chợ thực phẩm Lifsap cũng chậm. 5 năm, dự án hỗ trợ kinh phí để Hải Phòng nâng cấp 40 chợ và các điểm bán hàng có quầy lạnh. Đến nay, toàn thành phố mới có 5 chợ Lifsap được vận hành sau khi nâng cấp; 18 chợ thực phẩm đang triển khai thi công, chiếm 10% kinh phí đăng ký giải ngân. Việc hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các chuồng trại hộ chăn nuôi GAHP mới đạt 30% mức kế hoạch cả dự án.

Hiện việc thực hiện các hợp phần của dự án đều phát sinh khó khăn mới. Chẳng hạn hợp phần nâng cấp các chợ thực phẩm, từ khảo sát đến thi công chợ phải qua 15 bước và nhiều lần thẩm định với bộ hồ sơ 7 thủ tục bắt buộc. Ngoài ra, việc nâng cấp, mở rộng chợ thực phẩm tươi sống theo đúng tiêu chuẩn thiết kế của dự án cũng có nhiều vướng mắc do đa số chợ cố định diện tích, việc mở rộng để xây dựng khu kinh doanh thực phẩm tươi sống đạt diện tích, tiêu chuẩn của dự án không dễ, thậm chí là không thể thực hiện đối với một số chợ ở khu vực đô thị hóa nhanh. Hạ tầng cơ sở nhiều chợ xuống cấp, trong khi định mức đầu tư thấp và hạng mục đầu tư ít nên việc thiết kế như bị bó tay…Hợp phần xây dựng nhóm các hộ chăn nuôi theo quy trình Gahp khó đẩy nhanh tiến độ vì việc thực hiện đủ 9 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp- PTNT về quy trình Gahp không dễ dàng, trong khi cơ sở hạ tầng tại chăn nuôi nông hộ của Hải Phòng còn rất đơn giản, sơ sài, công tác vệ sinh thú y chưa được chú ý… Đối với hợp phần nâng cấp các cơ sở giết mổ, do hướng dẫn của Ban dự án Trung ương và các ngành liên quan thiếu, chậm và nhiều vướng mắc, nên khó đẩy nhanh tiến độ. Ban quản lý dự án tại Hải Phòng đang phối hợp với Ban quản lý Trung ương và các địa phương khắc phục những khó khăn này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng tốc đồng bộ các hợp phần của dự án…

Bà Trần Thị Diễn,nông dân xã Việt Tiến, Vĩnh Bảo: Khó nhất là mở rộng diện tích khu vực chăn nuôi

Trước đây, khi chưa tham gia nhóm GAHP, chúng tôi chăn nuôi theo hướng thủ công, tự phát, chủ yếu chăn nuôi tận dụng, chưa chú ý vệ sinh thú y, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Từ khi tham gia nhóm Gahp, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình GAHP, có ý thức hơn trong việc vệ sinh chuồng trại, quản lý con giống, thức ăn chăn nuôi, xuất bán sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi theo quy trình GAHP, chúng tôi thấy cũng có nhiều khó khăn, nhất là việc áp dụng đủ 9 bước quy định trong quy trình GAHP của Bộ Nông nghiệp- PTNT. Đặc biệt là việc mở rộng khu chăn nuôi đủ điều kiện diện tích, địa điểm, có đủ nguồn nước sạch, có khu để thức ăn chăn nuôi riêng. Chúng tôi mong dự án Lifsap hỗ trợ, tăng mức đầu tư đối với việc mở rộng diện tích khu vực chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGahp.

Anh Đồng Văn Duyệt, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi an toàn Tú Sơn, Kiến Thụy: Liên kết trong HTX chăn nuôi

Giữa năm 2012, từ thành công ban đầu của nhóm GAHP, xã Tú Sơn quyết định thành lập HTX chăn nuôi an toàn Thắng Lợi với sự tham gia của 40 xã viên là 40 thành viên nhóm GAHP do dự án Lifsap tài trợ. Các thành viên tham gia tổ hợp tác này đều giảm được giá thành sản xuất nhờ làm đại lý cho các hãng sản xuất thức ăn, mua được thức ăn chăn nuôi giá ưu đãi; hỗ trợ nhau thông tin thị trường để không bị ép giá khi bán sản phẩm. Các gia trại chăn nuôi tham gia tổ hợp tác còn được hỗ trợ vốn vay để mở rộng tái đàn. Hiện các thành viên HTX tự tham gia các lớp đào tạo về thú y chăn nuôi, có 14 xã viên có trình độ trung cấp và sơ cấp thú y. Do vậy, mỗi thành viên HTX hiện đều có thể tự tiêm vắc xin và chủ động phòng chống dịch cho đàn lợn, không chờ chính quyền địa phương hay phòng nông nghiệp huyện phải nhắc nhở. Vào HTX giúp người chăn nuôi yên tâm vượt qua khủng hoảng do chi phí tăng cao, giá sản phẩm lại xuống dốc liên tục, không lo dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi như trước.

Ông Vũ Văn Thiết, thành viênnhóm Gahp ở Tiên Lãng: Đề nghị tăng mức đầu tư hỗ trợ

Trong bối cảnh phát triển chăn nuôi khó khăn như hiện nay, việc thực hiện dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap) tại Hải Phòng sẽ là cú hích quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi sẽ được cải thiện cả về năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn và có sức cạnh tranh cao, nông dân không còn chịu cảnh bán sản phẩm mất giá như hiện nay. Bà con thuộc nhóm chăn nuôi an toàn theo quy trình GAHP của Kiến Thiết (Tiên Lãng) rất vui khi được tham gia dự án. Tuy nhiên, mong mỏi của bà con là dự án nâng cao mức hỗ trợ. Dự án hỗ trợ cho mỗi hộ đăng ký chăn nuôi an toàn theo hướng GAHP kinh phí sửa chữa chuồng trại bảo đảm an toàn sinh học, hỗ trợ thiết bị là 100 USD. nhưng qua khảo sát thực tế tại địa phương do điều kiện kinh tế hộ chăn nuôi khó khăn nên mức hỗ trợ mức kinh phí phải gấp 20 lần mới đủ để các hộ nâng cấp trại chăn nuôi đạt chuẩn theo tiêu chí.


Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp nông nghiệp chú trọng an toàn ­vệ sinh thực phẩm Khởi nghiệp nông nghiệp chú trọng an toàn ­vệ sinh thực phẩm

Việc Việt Nam tham gia TPP mở ra nhiều vận hội cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên thách thức lớn nhất đòi hỏi DN là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và năng suất lao động.

13/11/2015
63 nông dân xuất sắc được tuyên dương 63 nông dân xuất sắc được tuyên dương

Tối nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bộ Canh nông và Đại hội thi đua yêu nước ngành NNPTNT lần thứ IV, Bộ NNPTNT tổ chức lễ tuyên dương các nông dân tiêu biểu xuất sắc; trao giải “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ II và danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”.

13/11/2015
Không đảm bảo môi trường, không công nhận xã NTM Không đảm bảo môi trường, không công nhận xã NTM

“Tiêu chí môi trường đã đưa vào tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

13/11/2015
Nông dân Việt xứng đáng trụ cột đất nước Nông dân Việt xứng đáng trụ cột đất nước

Ngày 14.11.1945, phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp. Muốn giải quyết vấn đề canh nông cả về phương diện xã hội, cả về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan điều hành.

13/11/2015
Vốn tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới Vốn tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới

Đó là một trong những đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn - Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH Việt Nam trong buổi làm việc ngày 10.11 với Ban đại diện HĐQT chi nhánh ngân hàng này tại tỉnh Bình Thuận.

13/11/2015