Kế nào tạo động lực cho tam nông
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Ông Nguyễn Văn Chức - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn) cho biết:
“Năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) địa phương chỉ đạt 4 tiêu chí.
Qua 5 năm tập trung mọi nỗ lực, đến thời điểm này xã đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí và đang hoàn tất các thủ tục liên quan để đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn.
Để có được thành công đó, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể, vai trò của nhân dân là hết sức quan trọng.
Ở Điện Thắng Bắc, người dân hưởng ứng phong trào bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, xã đã đầu tư gần 85 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó các tầng lớp nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng, đấy là chưa nói đến việc hàng trăm hộ tham gia cả nghìn ngày công lao động và hiến nhiều diện tích đất ở, đất vườn để chính quyền địa phương thi công hạ tầng thiết yếu”.
Muốn phát triển sản xuất hàng hóa thì phải đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, ngoài 56 xã đã và đang hoàn thành 19 tiêu chí, trong 5 năm tới Quảng Nam phấn đấu có thêm 56 xã đạt chuẩn NTM.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu quan trọng đó, tỉnh cần một nguồn lực đầu tư rất lớn.
Theo ông Muộn, ngoài 1.000 tỷ đồng do ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ, giai đoạn 2016 - 2021 các địa phương trên địa bàn cũng phải tập trung vận động nhân dân đóng góp thêm khoảng 15 - 20% số tiền vừa nêu.
Theo ông Hà Phước Trinh - nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, bất cứ việc gì khó hễ có sự chung tay góp sức của người dân thì chắc chắn sẽ mang lại thành công.
“Muốn huy động được sức dân, phải đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức.
Một khi dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM thì nhất định sẽ hưởng ứng tích cực” - ông Trinh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, trong công cuộc xây dựng NTM, nhân dân đóng vai trò chủ thể, vì thế những năm tới các cấp, ngành phải tiếp tục thực hiện triệt để quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân trực tiếp hưởng lợi”…
Phát triển nông nghiệp hàng hóa bằng cách nào?
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin, ngoài 3.600ha đất sản xuất các mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại, mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ 2.400ha lúa.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy việc canh tác vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, trong đó nguyên nhân phần lớn là do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức.
Ông Hiệu nói: “Trong số 3.600ha đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại của Tiên Phước, tính đến thời điểm này mới chỉ có 5% diện tích chủ động nguồn nước tưới.
Tương tự, hiện nay toàn huyện cũng mới có 38% trong tổng số 2.400ha đất lúa đảm bảo nước tưới.
Chính vì quá khó khăn về khâu thủy lợi nên năng suất lúa và các loại cây trồng chủ lực của địa phương đạt thấp, dẫn đến giá trị kinh tế không cao”.
Theo ông Hiệu, muốn sớm hóa giải “bài toán khó” này, yêu cầu bắt buộc là phải khẩn trương đầu tư xây mới, nâng cấp hàng loạt công trình thủy lợi.
Trong đó, bức thiết nhất là các hồ chứa và đập dâng như Thắng Lợi, Suối Chảy, Sây Mưa, Mò Ó, Suối Thỏ trên địa bàn xã Tiên Sơn, Tiên Châu, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Phong.
“Bây giờ, muốn thi công 5 công trình trọng yếu đó, cần phải có 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do là địa phương miền núi, ngân sách quá eo hẹp nên huyện Tiên Phước không thể gánh nổi khoản tiền lớn ấy” - ông Hiệu bộc bạch.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, ngoài 1.500ha đất màu chuyên canh và luân canh các loại cây trồng cạn theo hướng tập trung cho giá trị bình quân hàng năm 120 - 200 triệu đồng/ha, những năm qua địa phương cũng đã hình thành 8 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 200ha.
Tại những cánh đồng mẫu lớn ấy nông dân chủ yếu liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa theo hướng bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Qua khảo sát tại nhiều nơi, giá trị kinh tế của mô hình canh tác này tăng 25 - 35% so với khi chưa triển khai thực hiện.
Ông Chơi nói: “Theo tôi, trong vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất thiết phải đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Bởi, ngoài chuyện nguồn thu nhập tăng mạnh, người dân cũng không phải nơm nớp lo cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở Điện Bàn sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân hình thành thêm 15 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 300ha đất chuyên sản xuất giống lúa thuần và lúa lai theo phương thức hàng hóa”.
Chuyển đổi cơ cấu hợp lý
Một số ý kiến tại đại hội nêu vấn đề muốn phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, đòi hỏi mang tính bắt buộc là phải tích tụ ruộng đất.
Ở một vài nơi, trong khi nông dân không có nhu cầu sản xuất, bỏ bê ruộng đồng thì doanh nghiệp lại loay hoay tìm đất để hình thành cơ sở chăn nuôi tập trung hoặc xây dựng vùng nguyên liệu giống lúa, bắp...
Những năm qua, việc tích tụ ruộng đất rất nhiêu khê vì gặp phải không ít vướng mắc.
Muốn “gỡ” vấn đề này, nên chăng các cơ quan chức năng cần thể chế hóa những văn bản liên quan.
Nếu không, việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa chỉ dừng lại ở… ý tưởng.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong những năm tới cần mạnh dạn chuyển những chân đất lúa không chủ động nước tưới, cho hiệu quả kinh tế thấp sang canh tác các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày có sức chịu hạn và mặn tốt nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn Núi Thành có hơn 1.000ha đất lúa thường bấp bênh nước tưới và hay bị nhiễm mặn nên hàng chục năm qua vụ nào năng suất cũng đạt rất thấp, khoảng 30 - 35tạ/ha.
Số diện tích đó chủ yếu nằm ở các xã vùng cát như Tam Tiến, Tam Hòa… Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sắp tới chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền các địa phương và nông dân chuyển những ruộng lúa ấy sang trồng cây bắp, đậu các loại.
Đồng thời vận động người dân trồng cỏ nguyên liệu để phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò và trâu theo hướng thâm canh.
Tuy nhiên, theo tôi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải có đề án quy hoạch một cách bài bản, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng vùng.
Nếu không, e rằng việc sản xuất sẽ khó mang lại hiệu quả cao”.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, một số ý kiến đề xuất, muốn phát triển theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Đức Chơi nói: “Theo tôi, trong những năm tới Quảng Nam cần phải đặc biệt chú trọng đến khâu quy hoạch xây dựng các khu chăn nuôi tập trung với quy mô vừa và lớn.
Đồng thời phải giảm dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, cần tích cực nhân rộng mô hình dịch vụ thú y trọn gói mà những năm gần đây một số địa phương đã thực hiện rất thành công”.
Trong khi đó, nhiều đại biểu khác đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phải hết sức quan tâm đến vấn đề tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là cần siết chặt công tác kiểm soát giết mổ và tăng cường khâu quản lý chất lượng con giống, thức ăn đầu vào.
Ông Lê Muộn đề xuất thêm: “Theo tôi, để có nguồn con giống chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa của người dân cần có những cơ chế thoáng nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất giống gia súc, gia cầm có uy tín vào đầu tư tại Quảng Nam.
Không chỉ vậy, muốn giúp người dân tiết kiệm chi phí cũng phải ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng những cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi.
Muốn hình thành các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, cũng cần sớm tính đến chuyện phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ”.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân trồng hành tỏi Lý Sơn đang bức xúc vì thương hiệu hành tỏi Lý Sơn bị lợi dụng để tiêu thụ tại thị trường Hà Nội với giá cao.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 89) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) để phù hợp hơn với thực tế.
Tuần qua, đoàn công tác thuộc dự án JICA và TP.Minamiboso (Nhật Bản) do ông Fumio Kato dẫn đầu đã có chuyến khảo sát đánh giá các hạng mục do dự án tài trợ cho Quảng Nam từ năm 2011 đến nay. Chuyến đi này đồng thời mở ra những kỳ vọng mới trong thời gian tới.
Làng Măng Lùng thuộc thôn 2 xã Trà Linh (Nam Trà My), theo tiếng Xê Đăng có nghĩa là sương mù. Ở độ cao hơn 1.000m trên sườn núi Ngọc Linh nhưng cuộc sống của người Xê Đăng nơi đây không còn nghèo đói là nhờ trồng sâm Ngọc Linh.
Quảng Nam chủ trương sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh nhiều năm nay, song còn đó những bất cập trong quản lý, phát triển tài nguyên rừng.