Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ít đất vẫn thu tiền tỷ

Ít đất vẫn thu tiền tỷ
Ngày đăng: 16/11/2015

1.000m2 cho thu lãi 2 tỷ đồng/năm

Thực hiện chủ trương của tỉnh, những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.

Nhờ đó nhiều hộ có thu nhập rất cao. Đơn cử như mô hình trang trại tổng hợp (trồng cao su, bưởi, trồng rừng, nuôi cá) của ông Đoàn Minh Chiến ở huyện Bắc Tân Uyên, doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng, lời khoảng 500 triệu đồng.

Hay mô hình nuôi cá cảnh của ông Võ Tuấn Kiệt (SN 1959, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) - chủ trại cá cảnh Tuấn Tú, mặc dù chỉ có 1.000m2 đất nhưng mỗi năm thu lãi tới 2 tỷ đồng.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trại cá cảnh của ông Võ Tuấn Kiệt cho doanh thu 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời 2 tỷ đồng/năm.

Trò chuyện với phóng viên, ông Kiệt cho biết vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích áp dụng CNC trong sản xuất.

Ông Kiệt kể: “Gia đình tôi chỉ có 1.000m2 đất, trước kia không thể trồng được bất cứ cây gì nên tôi đào ao nuôi ba ba.

Được một thời gian, ba ba xuống giá mạnh quá nên tôi quyết định chuyển sang nuôi cá cảnh.

Lúc đầu chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên thất bại thường xuyên, 2 năm đầu tỷ lệ cá sống chỉ khoảng 5%”.

Thấy ông Kiệt nuôi cá cứ thất bát hoài, nhiều người “rỉ tai” ông bảo muốn thành công phải áp dụng khoa học, không thể dựa vào kinh nghiệm.

Vì vậy ông đã đầu tư máy sục khí để xử lý nồng độ pH, mua máy ôxy nhằm tạo ôxy trong bể nước, rồi mua tủ đông đựng thức ăn cho cá, hệ thống bơm nước được số hóa theo giờ, dùng đúng thuốc để chữa các bệnh thường gặp ở cá cảnh như nấm, đường ruột...

“Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, tỷ lệ cá sống tôi nuôi đạt tới 90%, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 24.000 con cá dĩa các loại với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/con.

Doanh thu của trại cá gần 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 2 tỷ đồng/năm” - ông Kiệt tự hào cho hay.

Quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đề ra nhiệm vụ chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu giá trị sản xuất khoảng 80-100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020, riêng nông nghiệp CNC bình quân đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.

Đồng thời phát triển các khu nông nghiệp CNC, các vùng nông nghiệp đô thị và cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái.

Tất nhiên, vốn đầu tư máy móc, kỹ thuật CNC vào sản xuất nông nghiệp không phải nhỏ.

Theo ông Võ Tuấn Kiệt, trại cá của ông diện tích tuy nhỏ nhưng vốn đầu tư cũng lên tới 1 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, do vốn đầu tư ban đầu cho mô hình sản xuất nông nghiệp CNC còn cao nên người dân chưa áp dụng rộng rãi.

Hiện tỉnh đã quy hoạch 4 khu nông nghiệp CNC với tổng diện tích 980ha, tập trung ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên.

Trong đó, một số mô hình triển khai rất hiệu quả như: Trồng dưa lưới trong nhà kính cho doanh thu đến 3 tỷ đồng/ha/năm; trồng chuối già hương cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm...

Đặc biệt là sản phẩm chuối già hương đã có mặt tại một số siêu thị và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Nhật, Trung Đông.

Cùng với áp dụng CNC vào trồng trọt, Bình Dương còn có 172 trang trại chăn nuôi hiện đại.

Hầu hết các trang trại này đều đầu tư hệ thống chuồng lạnh tập trung, sử dụng thiết bị tự động, con giống đạt chuẩn nên lợi nhuận khá cao.

“Hiện tỉnh đang chỉ đạo rà soát quy hoạch ngành nông nghiệp và xây dựng danh mục lĩnh vực ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Do đó chúng tôi đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020, mỗi ha áp dụng nông nghiệp CNC cho giá trị bình quân khoảng 200 triệu đồng” - ông Liêm nhấn mạnh.


Có thể bạn quan tâm

19,5 Ha Tôm Nuôi Bị Dịch Bệnh Ở Bình Định 19,5 Ha Tôm Nuôi Bị Dịch Bệnh Ở Bình Định

Theo Sở NN - PTNT Bình Định, hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi trên 1.560 ha mặt nước nuôi tôm, chiếm 71% diện tích tôm nuôi toàn tỉnh. Trong đó, TP Quy Nhơn đã thả nuôi 150,2 ha, Tuy Phước 859,8 ha; Phù Cát 76 ha; Phù Mỹ 424,2 ha và Hoài Nhơn 50,3ha.

16/04/2013
Bắc Giang Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản Bắc Giang Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản

Diện tích nuôi thả, năng suất và sản lượng tăng đáng kể, vượt các mục tiêu đề ra là kết quả nổi bật trong sản xuất thuỷ sản những năm gần đây. Nhờ đó, Bắc Giang trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc trong lĩnh vực này.

31/10/2013
Trên 25.000 Con Vịt Chạy Đồng Vào Địa Bàn Huyện Long Mỹ (Hậu Giang) Trên 25.000 Con Vịt Chạy Đồng Vào Địa Bàn Huyện Long Mỹ (Hậu Giang)

Do thu hoạch vụ lúa Đông xuân trễ hơn các địa phương khác nên từ đầu vụ đến nay trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang), vịt đàn từ các nơi chạy đồng về đây rất lớn. Nếu tính từ khi bắt đầu thu hoạch lúa đến nay, trên địa bàn huyện có 44 đàn vịt với tổng số 57.625 con, trong đó vịt từ các huyện trong tỉnh Hậu Giang đến là 5 đàn với số lượng 6.740 con, vịt chạy đồng từ tỉnh khác đến có 14 đàn với số lượng 18.560 con.

16/04/2013
Người Dân Lo Lắng Vì Cây Tiêu Đồng Loạt Nhiễm Bệnh Ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) Người Dân Lo Lắng Vì Cây Tiêu Đồng Loạt Nhiễm Bệnh Ở Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Khoảng hai năm trở lại đây, nhiều loại bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh đã có gần 700/810 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, trong đó đã có nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng.

16/04/2013
Khó Tái Canh Khi Cà Phê Rớt Giá Khó Tái Canh Khi Cà Phê Rớt Giá

Mọi năm vào thời điểm này, các xã vùng chuyên canh cây cà phê của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Ba Tầng “sôi” lên bởi chuyện mở rộng diện tích trồng mới hoặc tái canh cây cà phê. Người dân sở tại, người ở các nơi tìm về mua đất, thuê đất trồng cà phê với hy vọng đổi đời. Giá đất ở “thủ phủ cà phê” Hướng Phùng không dưới 150 triệu đồng/ha, có lúc “sốt đất” giá lên cao chót vót, từ 250 đến 300 triệu đồng/ha nhưng nhiều người vẫn đổ tiền của vào đầu tư phát triển cây cà phê, vì khi đó giá lên cao, chỉ sau một vài vụ là đã thu hồi vốn. Nhưng năm nay, khi mùa vụ trồng mới đang đến gần, hơn 2.500 ha cây cà phê toàn huyện già cỗi cần phải tái canh nhưng không khí làng bản vẫn nhuốm một màu ảm đạm.

31/10/2013