Huyện nghèo Tu Mơ Rông mơ giấc mơ thơm mùi... sâm
2 món quý của huyện nghèo
Thành lập đã hơn 10 năm, giờ Tu Mơ Rông (Kon Tum) vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước. Huyện chưa có thị trấn mà chỉ mới là khu hành chính trung tâm. Công sở cứ thế đây một căn, kia một căn bấu cheo leo vào vách núi. Cũng đã ngần ấy năm, giờ vẫn đếm được trên đầu ngón tay mấy hộ dân đến dựng tạm nhà, mở quán. Cán bộ, công chức thì càng không ai chịu làm nhà. Cứ mỗi chiều thứ 6 là họ vượt đèo Măng Rơi ngoạn mục bằng xe máy về nhà, để sáng thứ 2 lại phải kịp có mặt tại cơ quan…
Nhưng dường như đã có một sự bù trừ bí ẩn nào đó như người xưa vẫn nói, rằng “trời sinh voi tất sinh cỏ”? Tiếng là huyện nghèo nhất mà Tu Mơ rông lại có 2 thứ quý nhất- sâm Ngọc Linh và hồng đảng sâm.
Người ta kể rằng trước những năm 1980, sâm Ngọc Linh “tìm dễ như rau rừng” nhưng bây giờ thì… quên chuyện cũ đi! Bây giờ ngay tại Tu Mơ Rông, mỗi kg sâm khô đã khoảng 150 triệu đồng.
Nói tới sâm Ngọc Linh nhiều người vẫn nghĩ xứ sở của nó hẳn chỉ ở vùng Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Thực ra nguyên sơ Tu Mơ Rông mới đích thực là “rốn sâm.” Với độ cao quân bình 1.000m, núi non điệp trùng, Tu Mơ Rông chẳng kém sự lý tưởng nào cho giống sâm Ngọc Linh sinh trưởng.
Người ta kể rằng trước những năm 1980, sâm Ngọc Linh “tìm dễ như rau rừng” nhưng bây giờ thì… quên chuyện cũ đi! Từ khi được nhìn nhận đúng giá trị thực, được xếp cùng với sâm Triều Tiên và sâm Mỹ là 3 loại tốt nhất thế giới, thì cái giá của sâm Ngọc Linh mỗi ngày mỗi “choáng”. Bây giờ ngay tại Tu Mơ Rông, mỗi kg sâm khô đã quãng 150 triệu đồng. Giá chót vót như thế nhưng nếu không có chỗ quen biết hay thật rành thì vớ phải sâm non hay sâm giả là cái chắc.
Chẳng thể so sánh với sâm Ngọc Linh nhưng hồng đảng sâm (sâm dây) cũng là thứ dược liệu quý. Một anh bạn giáo viên kể hồi mới lên dạy học, xin đồng bào cả bao tải họ cũng cho. Thế mà giờ giá tại gốc đã 500.000 đồng/kg khô, người ta phải lập vườn để trồng; cây giống cũng phải đi mua…
Khát vọng “vương quốc dược liệu”
Từng nghe nhiều, giờ đã cất công lên tới xứ sâm, tôi quyết phải “mục sở thị” bằng được, nhất là làm sao vào được vườn ươm sâm giống Ngọc Linh mà người ta vẫn gọi là “chốt sâm”? Tưởng khó, hóa ra khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, Chủ tịch UBND huyện A Hơn đồng ý ngay. Anh bảo: Hướng của tỉnh, huyện là quy hoạch Tu Mơ Rông thành vùng dược liệu mà sâm Ngọc Linh và hồng đảng sâm là chủ lực. Chúng tôi đã tích cực triển khai nhưng cũng còn nhiều vướng mắc lắm. Dịp này các anh thấy thêm điều gì thì phản ánh giúp. Tôi sẽ nói Phòng Nông nghiệp đưa các anh đi…
Củ sâm Ngọc Linh. ảnh: I.T
Những loài cây thuốc quý dường như bao giờ cũng mang một vẻ bình dị, khiêm nhường? Trước lúc tận thấy này, giá có giẫm lên sâm tôi cũng chẳng hay. Bình dị thế nhưng sâm Ngọc Linh lại có một quy trình sinh trưởng khá “độc”: Vào đầu xuân, từ rễ củ dưới đất, sâm Ngọc Linh đâm lên một thân rồi tỏa lá. Vài tháng sau nhô lên một chùm hoa vàng nhạt, tỏa hương mỡ màng. Mỗi năm sâm chỉ ra được một đốt và mỗi đốt chỉ một thân lá đó. Đến tháng 8, khi hạt chín thì lá cũng lụi dần và sâm chuyển sang thời kỳ “ngủ đông”.
Tư duy sản xuất, quản trị kinh tế gia đình hàng đời nay của bà con thường chỉ gói trong mùa rẫy, không gì bằng thứ “trước mắt – chắc ăn”. Có lẽ cái rào cản tư duy này mới thật đích thực là nguyên nhân Tu Mơ Rông “đi trên sâm mà chịu đói nghèo”…
Đất rừng Tu Mơ Rông mênh mông là thế nhưng không phải nơi nào cũng trồng được sâm. Ngoài đảm bảo độ cao, đất phải có tầng mùn dày, chỉ tiếp nhận ánh nắng từ 30- 40%. Để đảm bảo tính chất tự nhiên, tất cả công việc đều bằng thủ công, đặc biệt là không được bón bất kỳ một loại phân gì, kể cả phân hữu cơ.
Có lẽ bởi “sống lâu như sâm” mà thời gian ở đây có cảm giác trôi đi rất chậm. Hạt sâm gieo xuống đất, phải đợi đến 5 tháng mới nhú mầm. Một năm chỉ có 6 tháng được thấy sâm hiển hiện trên mặt đất. Nhưng dù bất kể mùa nào thì người trồng sâm đều phải trực 24/24 giờ, ăn cùng sâm, ngủ cũng vương vấn sâm…
Tôi nói với A Hơn: Anh là Chủ tịch huyện sướng nhất mà cũng khổ nhất đấy! A Hơn ngạc nhiên, tôi cười: Sướng nhất là thế này. Tôi đọc báo cáo một số xã, thấy cả năm trời không có một vụ vi phạm an ninh trật tự, không một vụ kiện cáo và cả tai nạn giao thông. Thử hỏi cả nước này ở đâu được thế. Còn khổ nhất - ấy là huyện nắm trong tay thứ quý nhất mà lại nghèo nhất. A Hơn cười xòa. Vậy là chuyện lại quay về với sâm…
A Hơn bảo, thiên nhiên phú cho cây sâm, thực ra từ lâu huyện đã nhìn như một lối thoát. Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện sẽ ổn định diện tích sâm Ngọc Linh 500ha và hồng đảng sâm là 250ha. Nếu đạt được, Tu Mơ Rông cơ bản sẽ trở thành vùng chuyên canh dược liệu. Người dân hoàn toàn có thể sống bằng nghề trồng sâm. Thế nhưng theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp, hiện cả huyện mới trồng được khoảng 23ha sâm Ngọc Linh. Trong số này người dân tự trồng chỉ có 3,4ha, còn lại là của Công ty Sâm Ngọc Linh. Còn hồng đảng sâm, có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, diện tích cũng chỉ khoảng 50ha… Nguyên nhân do thiếu giống.
Chủ tịch huyện bảo, với sâm Ngọc Linh, trước đây người ta đã từng hy vọng đẩy nhanh việc nhân giống bằng phương pháp cấy mô, nhưng khi mang đi trồng thì tỷ lệ sống quá ít. Hơn nữa không ít người lo ngại trồng giống cấy mô, liệu sâm Ngọc Linh có giữ được trọn vẹn phẩm chất nguyên thủy? Vậy là rốt cục phương pháp nhân giống “cổ điển” vẫn chưa gì thay thế…
Phi lý và có lý
Một “đại gia” trước định trồng sâm Ngọc Linh đã tính toán rằng mỗi ha sâm Ngọc Linh có thể lãi 4-5 tỷ đồng. Tuy nhiên đầu tư cho 1ha từ khi trồng đến thu hoạch (7 năm) phải cần trên 1 tỷ đồng. Hơn thế muốn phát triển tư nhân thì phải liên kết thành tổ, đội mới bảo vệ nổi. Thế còn hồng đảng sâm? “Nữ hoàng sâm dây” Y Bắp - người đã trồng và làm giàu bằng loại thảo dược này cho hay trồng sâm dây rất dễ, không sâu bệnh và chỉ 3-4 năm là thu hoạch. Giá giống 75.000 đồng/kg củ; hạt khoảng 8 triệu đồng/kg. Mà đầu ra thì người ta đến tận nhà đặt, mùa khô này không có để bán…
Thế nhưng thứ cây “mũi nhọn” ở vùng đất này bây giờ vẫn là sắn. Mà sắn, ở Tu Mơ Rông này cũng phải 2-3 năm mới cho thu hoạch, giá thì nửa tấn sắn chỉ bằng 1kg hồng đẳng sâm khô. Điều tưởng như phi lý ấy buồn thay lại là điều có lý với đồng bào. Tư duy sản xuất, quản trị kinh tế gia đình hàng đời nay của bà con thường chỉ gói trong mùa rẫy, không gì bằng thứ “trước mắt – chắc ăn”. Có lẽ cái rào cản tư duy này mới thật đích thực là nguyên nhân Tu Mơ Rông “đi trên sâm mà chịu đói nghèo”…
Bao giờ thì sâm Ngọc Linh sẽ trở thành một thương hiệu đĩnh đạc trên thị trường chứ không phải đi hỏi mua kiểu “thuốc giấu” như hiện nay ? Bao giờ thì Tu Mơ rông trở thành vùng dược liệu đích thực để người dân hết đói nghèo? Câu trả lời ngỡ gần mà cũng xa đấy...
Có thể bạn quan tâm
Xuất ngũ về quê với thương tật ¾, bệnh tật, ốm yếu, nhưng ông Đoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) không chỉ nỗ lực và biết cách làm giàu cho chính mình mà còn giúp nhiều hộ cùng vươn lên khá giả.
Để xuất khẩu trái cây ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã “hợp tung” (liên kết) thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Nhờ việc mạnh dạn chuyển sang trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao, nhiều nông dân ở các huyện của Hà Nội đã trở thành tỷ phú.