Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đổi Đời Nhờ Rau Sạch

Đổi Đời Nhờ Rau Sạch
Ngày đăng: 28/03/2014

Ở xã Tân Quý Tây huyện Bình Chánh, TPHCM, bằng những mảnh vườn rau cung cấp cho hợp tác xã, nông dân giờ đây đã có của ăn của để, thoát nghèo.

Mua máy cày trồng rau sạch

Ông Lê Ngọc Lợi (ấp 4 xã Tân Quý Tây) mới về đến nhà sau chuyến xe to đùng chở rau dền, rau muống, rau mồng tơi đến Hợp tác xã nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An ở cùng xã. Mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười anh vẫn tươi rói khi nghĩ về tương lai tươi sáng của gia đình.

“Hồi xưa nhà tui mần ruộng, chủ yếu là trồng lúa, mỗi năm trồng thêm 3 vụ rau - một hiệp cải ngọt, một hiệp cải xanh, một hiệp ngò rí. Vậy mà mần hoài không đủ sống. Trồng lúa thì từ lỗ đến huề vốn. Trồng rau thì không có mối mua, nhà tui mang rau bán trôi nổi bên ngoài nên cũng bấp bênh lắm.

Nhìn vườn rau xanh mướt vậy chứ không biết có bán được hay không, nhiều lúc rau nhổ lên chỉ để cho cá ăn, nản lắm”, ông Lợi kể về thời khó khăn chưa xa như vậy. Gia cảnh thiếu trước hụt sau, con cái đến trường nhiều lúc phải nợ học phí, muốn mua chiếc xe đạp đưa con đi học cũng không thể, ông Lợi bỏ ruộng đi làm công nhân.

Rồi năm 2006, HTX Phước An thành lập, ông là một trong 4 người đầu tiên tham gia HTX với suy nghĩ cứ vào thử xem sao, nếu không khá được thì đành chuyển nghề. Mọi thứ từ tấm bạt, giống má, phân bón đến giếng khoan, nhà lưới, ông đều được hỗ trợ.

Ông chỉ phải lo tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau, đảm bảo rau thu hoạch phải sạch, phải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng được yêu cầu thu mua của HTX Phước An. Đất cũng chiều lòng người, vườn rau nhà ông luôn cho sản lượng rất cao. Với mảnh vườn 1.000m2, hiện nay mỗi ngày ông cung cấp cho HTX từ 250 đến 300kg rau. Ông Lợi kể, không giấu vẻ hân hoan, chân chất: “Nhờ vườn rau này, tui trả được nợ mượn cất nhà, mua 4 chiếc xe máy.

Gia đình tui là nhà đầu tiên trong làng sắm máy cày. Giờ 3 đứa nhỏ của tui đang học lớp 4, lớp 8, lớp 11, học phí tui đóng trọn gói từ đầu năm luôn. Nói không phải khoe chứ nhiều khi HTX gọi lên nhận tiền nhưng vợ chồng tui cũng không vội vã gì vì thấy mình… không thiếu. Nhờ trồng rau sạch mới có của ăn của để!”.

Hiệu quả gấp 5 lần trồng lúa

Những gia đình đổi đời nhờ rau sạch trên mảnh đất này như gia đình ông Lê Ngọc Lợi không phải ít. Cùng với đó, nhiều con đường trong xóm trước đây chỉ rộng 1m, theo lời kể của bà con thì buổi tối chạy xe té lên té xuống, giờ đã được nâng cấp mở rộng từ 4-6m để bà con dễ dàng vận chuyển rau. Đường sá phong quang, đời sống người dân cũng nhiều thuận lợi…

Ông Đoàn Văn Chánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quý Tây, nhớ lại, thời điểm trước khi tổ chức HTX Phước An, bà con nông dân nơi đây trồng trọt tự phát, buôn bán sản phẩm trôi nổi ra thị trường, đời sống bấp bênh lắm. Nghiên cứu vùng đất này có nhiều tiềm năng phát triển thành vùng rau sạch, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức đưa kỹ sư xuống hỗ trợ kỹ thuật, giúp bà con biết cách trồng rau an toàn rồi bao tiêu sản phẩm cho họ.

Từ hiệu quả bước đầu qua mô hình các tổ sản xuất để phát triển mạnh mô hình này, lãnh đạo Thành ủy TPHCM chỉ đạo thành lập HTX nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An. Đồng thời, để củng cố niềm tin hơn nữa cho xã viên đối với mô hình sản xuất mới, Đảng ủy xã Tân Quý Tây đã cử cán bộ xuống thành lập Chi bộ Đảng tại đây.

“Cuộc họp nào của chi bộ cũng có Bí thư Đảng ủy xã dự. Bận rộn lắm bí thư mới cử lãnh đạo UBND xã dự thay. Rồi thấy đảng viên cũng tham gia góp vốn làm ăn, bà con nông dân yên tâm lắm!”, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quý Tây Trần Thị Đúng chia sẻ. Theo Chủ nhiệm HTX Phước An, hiện nay mỗi ngày HTX Phước An cung cấp cho thị trường TPHCM từ 4 đến 5 tấn rau sạch.

Xã viên đã phát triển đến 43 người với tổng diện tích trồng rau lên đến 20ha; trong đó có đến 20 hộ đã được chứng nhận sản xuất rau sạch theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Theo tính toán, việc sản xuất rau an toàn hiện nay mang lại hiệu quả cao gấp 5 lần so với trồng lúa trước đây. Cụ thể, với diện tích 1.000m² thì thu nhập của xã viên từ 30-40 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả của mô hình HTX sản xuất rau sạch Phước An, từ 2 năm trước, Đảng ủy xã Tân Quý Tây phát triển thêm mô hình HTX nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Bình. Hiện nay, mỗi ngày HTX sản xuất rau sạch Phước Bình cũng đã cung ứng ra thị trường gần 2 tấn rau sạch, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương...


Có thể bạn quan tâm

Nhọc Nhằn Mùa Biển Động Nhọc Nhằn Mùa Biển Động

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.

26/12/2014
Bà Rịa Vũng Tàu Nghiệm Thu Đề Tài Nghiên Cứu Một Số Bệnh Thường Gặp Trên Một Số Loài Cá Biển Nuôi Bà Rịa Vũng Tàu Nghiệm Thu Đề Tài Nghiên Cứu Một Số Bệnh Thường Gặp Trên Một Số Loài Cá Biển Nuôi

Ngày 19-12, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp trên một số loài cá biển nuôi tại BR-VT, đề xuất giải pháp phòng trị” do Thạc sĩ Bùi Quang Mạnh, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam làm chủ nhiệm đề tài; Hội đồng nghiệm thu đã xếp đề tài loại Khá. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định tác nhân gây bệnh thường gặp trên cá biển nuôi (mú, hồng, chẽm và cá bớp) tại BR-VT và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh. Thời gian nghiên cứu từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014.

26/12/2014
Bào Ngư Bạch Long Vỹ Là 1 Trong 10 Đặc Sản Hải Sản Việt Nam Bào Ngư Bạch Long Vỹ Là 1 Trong 10 Đặc Sản Hải Sản Việt Nam

Những món ăn hấp dẫn từ bào ngư như: bào ngư chấm mù tạt – xì dầu; bào ngư nấu cháo toàn tính (thả cả vỏ vào cháo). Ngoài ra, dược tính của bào ngư sẽ công hiệu hơn khi kết hợp với các vị thuốc bắc trong món canh “bào ngư, hải sâm đen, tần thuốc bắc” – một món chuyên dùng cho người già yếu phục hồi sức khỏe.

26/12/2014
Yên Bái Nuôi Cá Lăng Trên Hồ Thác Bà Hứa Hẹn Lựa Chọn Mới Yên Bái Nuôi Cá Lăng Trên Hồ Thác Bà Hứa Hẹn Lựa Chọn Mới

Mô hình thực hiện với quy mô 100m3 lồng, 1.000 con cá giống với 2 hộ tham gia là ông Lê Văn Thư và Hà Văn Đức ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống với kích cỡ tối thiểu 5cm/con, không còi cọc, dị hình, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng và 50% thức ăn công nghiệp, 50% vôi bột tỏa, 50% thuốc phòng bệnh cho cá. Tổng số tiền hỗ trợ 47.150.000 đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được tập huấn về kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, thả cá, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho cá...

26/12/2014
Khánh Hòa Nghiệm Thu Đề Tài Nuôi Sá Sùng Khánh Hòa Nghiệm Thu Đề Tài Nuôi Sá Sùng

Sáng 19/12, Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu loại khá đối với kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa”. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.

26/12/2014