Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hương Khê Mùa Bưởi Ngọt

Hương Khê Mùa Bưởi Ngọt
Ngày đăng: 05/09/2014

Sau nhiều năm bị thất bát, một số người dân cũng không còn mấy mặn mà với việc trồng cây bưởi Phúc Trạch và chuyển sang trồng cây gió trầm.

Tuy nhiên, trong vụ mùa năm 2014 này, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật (KH-KT) nên tại huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn người dân đã được mùa lớn bưởi Phúc Trạch, không chỉ cả về sản lượng, chất lượng quả rất tốt, hình thức đẹp như mong đợi mà còn bán được giá cao, góp phần hồi sinh lại quả đặc sản vốn nổi tiếng cả nước này.

Niềm vui

Một ngày đầu tháng 9-2014, chúng tôi vượt hơn 60km đường rừng núi để đến vùng trồng bưởi Phúc Trạch ở xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên… thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Đi dọc tuyến quốc lộ 15 huyền thoại, rất dễ dàng bắt gặp cảnh người dân, thương lái điều khiển xe lôi tấp nập ngược xuôi chở đầy ắp bao tải chứa “độc nhất” quả bưởi Phúc Trạch hướng về trung tâm thị trấn Hương Khê để “xuất hàng” xuống thành phố Hà Tĩnh và ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Vợ chồng anh Hoàng Quốc Ái (47 tuổi) và Nguyễn Thị Toan (43 tuổi, ở xóm Kim Sơn, xã Hương Trạch). Anh Ái, hiện là chủ sở hữu gần 100 gốc bưởi Phúc Trạch, trong đó có hơn 20 gốc đã cho quả rất to, đều, đẹp và chất lượng cao. Chị Toan phấn khởi cho biết: “Vụ mùa ni hầu hết người dân trồng bưởi ở đây đều trúng mùa.

Riêng nhà tui có hơn 20 cây cho trái ước tính khoảng 1.300 - 1.400 quả, trong đó gốc có quả nhiều nhất từ 200 - 250 quả. Tính bình quân khoảng 50.000 - 70.000 đồng/quả, mùa này gia đình tôi thu nhập khoảng 60 - 80 triệu đồng”.

Cách nhà chị Toan khoảng 150m là vườn bưởi Phúc Trạch hơn 50 gốc của bà Nguyễn Thị Đường (79 tuổi). Dẫn chúng tôi “mục sở thị” vườn bưởi, bà Đường nói: “Mấy ngày trước có thương lái về đây xem qua rồi đặt mua trước cả vườn với giá hơn 25 triệu đồng. Tuy nhiên tôi chưa bán, chờ ít tuần nữa khi vụ bưởi vào cao điểm thu hoạch sẽ bán, ước tính lúc đó sẽ đạt 40 - 50 triệu đồng. Đây là năm được mùa lớn nhất từ trước đến nay, tôi rất phấn khởi…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Lý, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, cho biết, hiện toàn xã có 1.500 hộ dân trồng bưởi Phúc Trạch với tổng diện tích khoảng 300ha. Những vụ được mùa, có khoảng 10 - 15 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.

Còn lại đại trà, gia đình nào cũng thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng. Đây là loại cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của vùng, xã khuyến khích người dân tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu bưởi Phúc Trạch, cứ mỗi hộ dân trồng sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng/gốc.

Rời xã Hương Trạch, chúng tôi tìm về vựa bưởi Phúc Trạch ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê. Lâu nay, ở xã Lộc Yên, ông Nguyễn Văn Cường được ví là “vua” trồng bưởi nổi tiếng nhất vùng. Hiện gia đình ông đang sở hữu hơn 400 gốc bưởi Phúc Trạch, trong vụ mùa năm nay chỉ có 120 gốc cây cho quả, số còn lại mới trồng 1 - 3 năm.

Sau nhiều năm trồng bưởi thất bát, ông Cường quyết định chăm sóc vườn bưởi theo quy trình KH-KT nhờ vậy tỷ lệ cây đạt quả rất cao. Ước tính vụ này vườn bưởi của ông Cường cho hơn 4.000 quả, khi đến độ chín phải đạt từ 1 - 1,5kg/quả, dự kiến thu nhập trên 100 triệu đồng.

Được biết, năm nay, toàn xã Lộc Yên có gần 1.000 gia đình trồng bưởi Phúc Trạch và số hộ thành công như ông Cường cũng khá nhiều. Chính nhờ biết áp dụng KH-KT bước đầu đã thành công, mức thu nhập của gia đình trồng bưởi ở đây ít nhất 40 - 50 triệu đồng, nhiều hộ lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhờ thụ phấn bổ sung

Bưởi Phúc Trạch là sản phẩm đặc trưng chỉ có ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh và đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN Việt Nam cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” số 57021 theo Quyết định số A6212/QĐ-ĐK ngày 9-9-2004.

Ngày 9-11-2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý” số 00022 cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch nổi tiếng. Theo thống kê bước đầu, đến nay toàn huyện Hương Khê có hơn 1.300ha đất trồng bưởi, trong đó có khoảng 1.000ha cho thu hoạch.

Một cán bộ kỹ thuật của huyện cho biết, thụ phấn bổ sung là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng nhất, giúp tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả. Quy trình này rất phức tạp, cần sự đầu tư lớn về thời gian lẫn công sức. Muốn thụ phấn bổ sung đạt kết quả cao, đòi hỏi cây phải khỏe, do đó phải tác động bằng biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp.

Vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch, bưởi ra hoa cũng là lúc hành trình thụ phấn bắt đầu. Điều quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, chọn hoa chất lượng, thực hiện đúng mật độ, chu trình mới cho quả hiệu quả. Thời tiết năm nay khắc nghiệt nên phải đến lần ra hoa thứ 4, bà con mới thụ phấn thành công.

Hồi sinh bưởi Phúc Trạch

Ông Nguyễn Tiến Đài, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê, cho biết nhờ tập huấn tốt và áp dụng tiến bộ KH-KT về thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch, do vậy năm nay một số mô hình, một số hộ dân đã đạt được kết quả cao.

Và trên cơ sở kết quả đó, trong các vụ mùa tiếp theo chúng tôi cũng sẽ triển khai các biện pháp ứng dụng KH-KT này để phát triển cây bưởi Phúc Trạch - cây đặc sản trên địa bàn huyện.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập huấn cho bà con thụ phấn bổ sung trên diện rộng toàn huyện. Cùng với đó là các giải pháp về thâm canh, bảo đảm cho quả bưởi có hình thức, mẫu mã đẹp, thực sự đã hỗ trợ rất tích cực cho bưởi đạt năng suất cao và cải thiện được chất lượng mẫu mã quả bưởi…

Còn nhớ giai đoạn 1997 - 2010, bưởi Phúc Trạch bắt đầu mất mùa triền miên. Lúc đó, người dân ở Hương Khê không còn mấy mặn mà với cây bưởi mà chuyển sang trồng gió trầm. Nhưng vụ năm 2014 này, sau quá trình dài nghiên cứu, Hương Khê áp dụng đại trà đề án thụ phấn bổ sung và cho kết quả rõ nét.

Thực tế cho thấy, năm nay gia đình nào không thụ phấn bổ sung thì cây không đậu quả. Thụ phấn bổ sung đã khắc phục được tình trạng ra hoa nhưng không đậu quả, hoặc đậu quả nhưng rụng kéo dài đã nhiều năm. Như vậy, với vai trò áp dụng hiệu quả của KH-KT vào phát triển cây bưởi Phúc Trạch, giờ đây vựa bưởi Phúc Trạch Hương Khê, Hà Tĩnh đã thực sự được hồi sinh.

Bưởi có dạng hình cầu tròn trĩnh, bề ngang và chiều cao gần như bằng nhau (khoảng 18-20cm). Phần ruột bên trong màu trắng trong, khối lượng quả đạt từ 1-1,5kg/quả, số múi 14-16 múi/quả. Khi ăn vào có vị ngọt hơi thanh chua rất đặc trưng, mùi thơm nhẹ tự nhiên…


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Nuôi Cừu Vỗ Béo Ở Xã Phước Thái (Ninh Thuận) Hiệu Quả Nuôi Cừu Vỗ Béo Ở Xã Phước Thái (Ninh Thuận)

Tham gia mô hình, có 140 con cừu được triển khai cho 10 hộ nuôi. Theo đó, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua con giống và làm chuồng trại. Trong quá trình nuôi, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và cử cán bộ thường xuyên xuống từng hộ theo dõi trong quá trình nuôi.

25/02/2015
Hương Sơn Được Mùa Nhung Hươu Hương Sơn Được Mùa Nhung Hươu

Hiện nay, tổng đàn hươu của Hương Sơn trên 31.000 con, trong đó khoảng 15.000 con hươu đực đang vào thời kỳ cho lộc nhung tốt, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Châu, Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Giang, Sơn Tây, Sơn Lệ, Sơn Hồng…

25/02/2015
Xuân Ất Mùi, Trò Chuyện Chủ Gia Trại Nuôi Dê Xuân Ất Mùi, Trò Chuyện Chủ Gia Trại Nuôi Dê

Là nơi hình thành Liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer đầu tiên trong tỉnh, những năm qua Phước Hậu phát triển thêm các mô hình chăn nuôi trang trại gia đình, được định danh là gia trại. Theo mô hình này, những người nông dân địa phương đã tận dụng lá nho, lá táo tại vườn nhà để làm thức ăn nuôi dê rất hiệu quả.

25/02/2015
“Vua Dê” Đất Trấn Biên “Vua Dê” Đất Trấn Biên

Cách đây khoảng 15 năm, ông Trần Giáp Thìn ở ấp Miễu, xã Phước Tân, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã thoát nghèo nhờ nghề nuôi dê. Từ 5 con dê giống, chẳng mấy chốc gia đình ông Thìn đã có đàn dê 200 con. Thấy ông Thìn khá lên nhờ dê, nhiều nông dân nghèo trong tỉnh tìm đến ông học tập và mua giống về nhân đàn. Ngày nay, khi đồng cỏ tại ấp Miễu bị thu hẹp, không còn nơi chăn thả, ông Thìn chuyển sang buôn dê, thu nhập bạc tỷ.

25/02/2015
Thành Công Từ Thành Công Từ "Tiền Mua Kinh Nghiệm"

Tuy chỉ mới hình thành, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thí nghiệm thành công công nghệ bột sinh khối và đông trùng hạ thảo. Đây là hai công nghệ mới mà từ trước đến nay rất ít người làm được. Thành công này có từ “tiền mua kinh nghiệm” của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Hưng.

25/02/2015