Thêm Cây Khóm Cho Đồng Đất Cà Mau
Tuy diện tích không nhiều nhưng cây khóm hiện tỏ rõ ưu thế của mình trên vùng đất phèn, mặn Cà Mau.
Hơn 5 năm qua, khi nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác khiến nông dân bao phen điêu đứng vì giá cả, dịch bệnh thì cây khóm lại bám rễ ngày một sâu hơn. Vị thế cây khóm dần được khẳng định, nhiều hộ dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình chọn là cây trồng cho thu nhập chính.
Thời gian qua, giá lúa thương phẩm giảm thấp, cây mía cũng không mang lại lợi nhuận cho nông dân. Trong khi đó, cây khóm vẫn giữ được giá trị kinh tế của mình và cho thu nhập khá ổn định, được nhiều nông dân chú ý đến”, ông Lê Minh Khai, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình, khẳng định.
Bắt đất phèn “sinh” tiền
Là một trong những hộ nông dân tiên phong đưa cây khóm xuống đồng đất Trí Lực, ông Nhữ Văn Kiểu, ấp 9, khẳng định, không như các loại cây trồng khác, cây khóm có thể phát triển ở những vùng đất nhiễm phèn, mặn. Nhất là đối với những liếp mới lên chưa trồng được các loại cây khác, thậm chí cỏ dại còn chưa sống nổi thì cây khóm lại có thể phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Cây khóm là loại “trồng chơi ăn thiệt”.
Yếu tố “ăn thiệt” theo cách nói của ông Kiểu không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, gần 6 năm trở lại đây, giá khóm luôn ở mức cao và ổn định, hiện mỗi trái khóm từ 3.000-4.000 đồng và được thương lái thu mua tại vườn.
Lợi thế của loại cây này là chỉ trồng một lần là có thể thu hoạch được 5-7 năm, có thể cho trái quanh năm. 1 ha có thể trồng được 20.000 bụi khóm. Như vậy, chỉ sau 1 năm trồng, người dân có thể thu lãi trên 70 triệu đồng/ha.
Là người có trên 7 năm gắn bó với cây khóm, giờ đây ông Kiểu đã có trong tay cánh đồng khóm bạt ngàn với gần 5 ha. Nhờ sự táo bạo trong sản xuất cùng với cách tính toán hợp lý, mỗi năm gia đình ông có thu nhập riêng từ cây khóm gần 400 triệu đồng.
Ông Kiểu tâm sự, khóm không chỉ dễ trồng, cho thu nhập cao mà kỹ thuật cũng đơn giản, lại ít tốn công. Thậm chí, ngay cả việc xử lý ra hoa trái vụ cũng rất đơn giản. Khi cây tốt chỉ dùng khí đá hoà với nước rồi tưới vào ngọn, sau 20-30 ngày là bắt đầu cho trái.
Không chỉ có ông Kiểu khá lên nhờ cây khóm mà những năm gần đây, cây khóm giúp không ít hộ dân trong ấp 9 cải thiện đáng kể cuộc sống.
Cũng là người nhiều năm qua luôn gắn bó với cây khóm, ông Nhữ Văn Vạn có nguồn thu ngày một tăng. Hay gia đình anh Trần Văn Đời có thể vượt qua khó khăn cũng chính nhờ vào nguồn thu từ cây khóm. Anh Đời tâm sự: “2 ha khóm chính là cứu cánh của gia đình tôi”.
Bị lãng quên
Tuy dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại thích nghi được với vùng đất nhiễm phèn, mặn và có thể cho thu nhập cao, nhưng chỉ với diện tích vài chục héc-ta tập trung chủ yếu tại Thới Bình thì cây khóm vẫn đang còn bị “lãng quên” trong danh mục đa dạng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Là người có kinh nghiệm đối với loại cây trồng này, ông Kiểu khẳng định, đây không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn có thể cho thu nhập cao nếu nông dân tâm huyết với nó.
Với đặc tính thích nghi với đất phèn, mặn, cây khóm xứng đáng có thêm cơ hội bám rễ trên vùng đất U Minh và nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có thể thấy cây khóm vẫn là loại cây trồng còn khá xa lạ với người dân Cà Mau. Mở thêm một cánh cửa cho cây khóm tiếp cận nông dân cũng là một hướng đi mới cho người dân vùng đất U Minh vốn còn rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra loại cây trồng thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.
Một minh chứng khác cho tiềm năng phát triển của cây khóm là ông Nguyễn Ngọc Đẹp, ấp Nhưn Miên, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển.
Sau nhiều lần thất bại với một số loại cây ăn trái thì cây khóm lại mang về cho gia đình ông thu nhập khá cao. Hiện với 1 ha khóm, mỗi năm ông thu nhập gần 50 triệu đồng. Thành công của ông Đẹp một lần nữa khẳng định giá trị cây khóm nếu được sự đầu tư bài bản.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù có lợi thế về diện tích mặt nước và thị trường tiêu thụ nhưng hiện nay, hiệu quả nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn Hà Nội vẫn tương đối thấp do chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hạ tầng thiếu và yếu...
Sóc Trăng là tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển và trong tương lai mô hình này vẫn tiếp tục được đầu tư thông qua dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020. Tuy nhiên để nuôi bò hiệu quả cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về con giống.
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2014. Đến dự có đồng chí Lê Văn Hiểu - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Phạm Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể huyện tham dự.
Qua xét nghiệm, có 136/481 mẫu tôm nhiễm MBV, 2 mẫu tôm nhiễm đốm trắng, 4 mẫu tôm nhiễm đầu vàng, số còn lại không nhiễm bệnh. Đối với 11 mẫu nước, không có mẫu nhiễm khuẩn. Các trạm kiểm dịch động vật cũng đã kiểm tra, kiểm dịch 593,05 triệu con tôm post.
Ngày 5/6/2014, Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Vĩnh Long kết hợp UBND xã Tân Long (Mang Thít) tổ chức hội nghị tổng kết và trao giấy chứng nhận mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP cho tổ hợp tác sản xuất lúa số 1.