Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hưng Yên Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa

Hưng Yên Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa
Ngày đăng: 14/01/2015

Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh ở hầu khắp các địa phương, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh mỗi năm đều tăng. Ngày càng có nhiều hộ nông dân nhờ chăn nuôi mà thoát nghèo, làm giàu.

Hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang phát triển là nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, gia cầm thịt và đẻ trứng, bò thịt và bò sữa... ở lĩnh vực nào cũng có những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông hộ cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh. Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi; số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi địa phương nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường.
Ở nhiều xã, chất thải chăn nuôi xả bừa bãi, quy mô trang trại chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Không những vậy, giá thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng mỗi năm lên, xuống thất thường, khiến hộ chăn nuôi cũng “lao đao” theo. Nhiều nông hộ thiếu kiến thức chăn nuôi chuyên sâu, vật nuôi không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, chi phí điều chỉnh cơ sở hạ tầng chăn nuôi tăng lên càng khiến nông dân khó có lãi.
Ông Vũ Văn Thiết, người chăn nuôi ở xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên chia sẻ: “3 năm nay tôi đã mấy lần phải thay đổi giống vật nuôi, lúc đầu gia đình tôi nuôi bò thịt, nhưng hơn 1 năm nay bò thịt bán chững giá, thế là tôi bán đàn bò gần chục con để nuôi lợn vì thấy giá tăng cao. Nhưng thịt lợn tăng giá đã gần 1 năm nay mà tôi vẫn chưa thấy lãi vì kỹ thuật chăn nuôi lợn khác nhiều so với nuôi bò, chuồng nuôi phải sửa chữa, nâng cấp phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa là hướng đi tất yếu của chăn nuôi hiện đại.
Hoạt động chăn nuôi muốn phát triển bền vững thì phải giảm số hộ chăn nuôi, nhưng tăng quy mô đàn; chăn nuôi phải mang tính chuyên nghiệp, không dàn trải, ví dụ: Chuyên sản xuất con giống, chuyên sản xuất vật nuôi thương phẩm, chuyên sản xuất trứng… có như vậy hoạt động chăn nuôi mới được đầu tư bài bản, trình độ người chăn nuôi mới được nâng lên, năng suất mới tăng cao, giá thành có sức cạnh tranh. Mặt khác phải chủ động trong sản xuất, gắn với thị trường, tiêu thụ bền vững dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, tránh sản xuất ồ ạt”.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, một dấu hiệu đáng mừng là số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm nhiều so với trước đây. Nếu khoảng 10 năm về trước, ở nông thôn nhà nào cũng có từ 1 - 3 con gia súc, gia cầm thì nay số hộ chăn nuôi quy mô này đã hầu như không còn. Thay vào đó, toàn tỉnh đã hình thành hàng nghìn trang trại, gia trại với số lượng gia súc từ 100 con trở lên và gia cầm từ 1000 con trở lên.
Cùng với đó, thay thế cho việc chăn nuôi “tự cung - tự cấp” là việc xuất bán gia súc, gia cầm thương phẩm với số lượng lớn hơn. Thực tế ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chúng tôi nhận thấy, phát triển chăn nuôi hàng hóa không là điều gì quá xa xôi, khó thực hiện.
Anh Hiệp, một hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng ở huyện Kim Động cho biết: “Nhà tôi nuôi 5 nghìn con vịt đẻ, kiêm luôn việc ấp nở con giống để xuất bán. Tôi chủ động gom thêm trứng từ các hộ trong vùng để ấp nở được số lượng vịt giống nhiều hơn, khoảng 10 nghìn con giống mỗi lứa. Để bảo đảm đầu ra và ổn định giá bán, ngay từ đầu vụ tôi ký hợp đồng cung ứng con giống với một số chủ đầu mối, rồi cứ thế đến hẹn cung cấp hàng và nhận tiền...
Cũng như anh Hiệp, nhiều hộ chăn nuôi từng bước hoàn thiện các khâu sản xuất đến tiêu thụ, chăn nuôi tập trung với số lượng lớn, hạ giá thành để tiêu thụ được nhiều hơn. Việc tiêu thụ ổn định, có thể người chăn nuôi sẽ không được hưởng lợi từ những đợt thị trường tăng giá đột biến nhưng không bị ảnh hưởng khi có những đợt giảm giá sâu của quy luật thị trường. Với hướng đi tất yếu này, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi hiện nay cùng sự cạnh tranh của thực phẩm ngoại nhập, chăn nuôi hướng hàng hóa còn cần sự vào cuộc tích cực từ phía ngành chuyên môn và chính quyền các cấp.
Trong đó có việc phát triển các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giết mổ - chế biến gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện các khâu kiểm soát - chứng nhận chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Dừa Hiệu Quả Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Dừa

Tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người trồng dừa.

07/03/2014
Xoài Campuchia Đang Chiếm Lĩnh Thị Trường Miền Tây Xoài Campuchia Đang Chiếm Lĩnh Thị Trường Miền Tây

Mặc dù giá xoài Keo khá cao, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng do phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nên đã cạnh tranh khá tốt với xoài nội hiện đang rớt giá, chỉ bán từ 4.000-10.000 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ.

07/03/2014
Bệnh Vàng Đầu Trên Cây Cam Sành Tiếp Tục Tăng Bệnh Vàng Đầu Trên Cây Cam Sành Tiếp Tục Tăng

Thống kê mới nhất của Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), cho biết, hiện tượng vàng lá trên cây cam sành hay còn gọi là hiện tượng vàng đầu tiếp tục tăng với tổng diện tích nhiễm đến ngày 3-3 là hơn 402,5ha, tăng hơn 20ha so với tuần trước.

07/03/2014
Ra Mắt Hợp Tác Xã Sơ Ri Ra Mắt Hợp Tác Xã Sơ Ri

Vừa qua, tại trụ sở ấp Ông Gồng, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông đã diễn ra Hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) sơ ri Gò Công Đông. Đây là HTX sơ ri thứ hai trên địa bàn huyện (sau HTX sơ ri Bình Ân).

07/03/2014
Phát Triển Mạng Lưới Điện Phục Vụ Thanh Long Vùng Quy Hoạch Phát Triển Mạng Lưới Điện Phục Vụ Thanh Long Vùng Quy Hoạch

Năm vừa qua, người dân huyện Hàm Thuận Nam trồng thêm 202 ha thanh long trong vùng quy hoạch, nâng tổng diện tích thanh long của huyện này lên 11.027 ha, dẫn đầu toàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm gần một nửa với 4.456 ha.

07/03/2014