Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

HTX Rau An Toàn Hòa Phát Nâng Cao Giá Trị Sản Phẩm Bằng Thương Hiệu

HTX Rau An Toàn Hòa Phát Nâng Cao Giá Trị Sản Phẩm Bằng Thương Hiệu
Ngày đăng: 28/05/2014

Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát ở phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đã và đang định hướng sản xuất theo mô hình VietGap để tiến tới xây dựng thương hiệu. Với hướng đi đúng đắn này, HTX rau an toàn Hòa Phát kỳ vọng sẽ nâng chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường bằng thương hiệu, tăng thu nhập cho nhiều xã viên HTX.

* Hiệu quả khả quan

Ông Nguyễn Văn Bi, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Hòa Phát, cho biết: Trước đây, nông dân tại rạch Mương Ngang, khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn chỉ trồng 1 vụ lúa, các vụ còn lại chủ yếu trồng rau màu.

Nhưng đa phần nông dân thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong canh tác nên năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, diện tích đất canh tác ít, mỗi hộ chỉ canh tác trên dưới 1.000m2. Thêm vào đó, giá cả đầu ra nông sản không ổn định nên đời sống kinh tế của bà con nông dân gặp khá nhiều khó khăn.

Vì vậy, khi được ngành chức năng vận động nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập của nông hộ vào tháng 7-2010, nhiều bà con trong khu vực Thới Hòa đã liên kết thành lập nên HTX rau an toàn Hòa Phát với 16 thành viên, canh tác khoảng 4,5 ha. Khi mới thành lập, các thành viên HTX tích cực học hỏi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất mới…

Trong nhiều loại giống rau trồng, HTX quyết định chọn rau muống là rau chủ lực. Vì rau muống dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn, từ 18-20 ngày. Bà con có thể sản xuất luân phiên 10 vụ/năm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.

Xác định chất lượng là yếu tố quyết định sự tồn tại nên Ban Chủ nhiệm HTX đã thường xuyên vận động xã viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác rau an toàn do địa phương và thành phố tổ chức. Trên cơ sở đó, HTX định hướng xã viên áp dụng tốt phương pháp sản xuất mới như: sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý…

Do đó, sản phẩm rau an toàn của HTX luôn có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày HTX rau an toàn Hòa Phát cung ứng khoảng 2,5 tấn rau tươi. Những lúc cao điểm, sản lượng rau tăng gấp đôi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường.

Theo nhiều xã viên HTX, rau muống là cây thân mềm, ngắn ngày, dễ trồng… Tuy nhiên, để có năng suất cao, ngoài điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, nông dân còn phải biết ứng dụng kỹ thuật canh tác mới đúng yêu cầu để giảm thiểu dư lượng thuốc… đảm bảo chất lượng rau an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.

Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, xã viên HTX Hòa Phát, trồng rau muống cho thu nhập khá ổn định. Với diện tích hơn 2.000m2 chuyên trồng rau muống, năng suất thu hoạch đạt từ 5-5,5 tấn/vụ, giá bán từ 3.500-4.000 đồng/kg, anh Hiếu thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/vụ. Sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGap cũng không quá khó. Bởi ngay từ khi tham gia HTX, Ban Chủ nhiệm đã định hướng cho nông dân sản xuất rau sạch theo quy trình sản xuất mới.

Hằng năm, các xã viên của HTX còn được tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác theo qui trình VietGap như: sử dụng phân vi sinh, điều kiện bảo quản, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, tận dụng phân hữu cơ có nguồn gốc vi sinh thay cho phân hóa học, thời gian cách ly với thuốc trước khi thu hoạch… Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, sản phẩm rau an toàn của HTX đã được nhiều người tin dùng nên thương lái vào tận ruộng thu mua.

Tuy nhiên, giá rau an toàn HTX chỉ cao hơn giá rau thông thường khoảng từ 1.000-2.000 đồng/kg. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của xã viên HTX là rau an toàn bán được giá cao, đầu ra ổn định để nông dân yên tâm gia tăng sản xuất thực hiện tốt theo quy trình VietGap…

* Góp phần xây dựng thương hiệu cho HTX

Theo Ban Chủ nhiệm HTX rau an toàn Hòa Phát, hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX được sự hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật từ các viện, trường và các ngành chức thành phố. Cụ thể: Trạm Bảo vệ thực vật Ô Môn tập huấn kỹ thuật, bán trợ giá hạt giống rau muống…cho nhiều xã viên trong HTX. Cuối năm 2013, HTX được các ngành chức của thành phố hỗ trợ máy xử lý Ozone để diệt khuẩn, khử trùng cho rau… giúp nông hộ trồng rau muống giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Bi, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Hòa Phát, chia sẻ: Từ sự hỗ trợ của địa phương, nông dân trong HTX nâng cao ý thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất rau an toàn, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất, phun xịt thuốc theo nguyên tắc "4 đúng"… góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng rau trên thị trường. Theo ước tính, trung bình mỗi xã viên tại HTX, thu lợi nhuận trung bình tư 70-80 triệu đồng/năm. Dù hiệu quả hoạt động của HTX rau an toàn Hòa Phát mang lại thu nhập khá cho các xã viên...

Song hoạt động sản xuất và kinh doanh của HTX còn tồn tại nhiều khó khăn như: sản xuất theo quy trình VietGap, đòi hỏi nông dân trong HTX đầu tư chi phí mua phân sinh học với giá cao, tốn nhiều công chăm sóc, ràng buộc và tuân thủ theo nhiều quy tắc… Do đó, chi phí sản xuất cao hơn so quy trình sản xuất sử dụng phân hóa học thông thường.

Nhưng thực tế, giá bán rau an toàn không cao hơn so với giá rau thông thường; HTX chưa xây dựng được thương hiệu nên vẫn chưa có thể ký được hợp đồng tiêu thụ tại các siêu thị… Hiện tại, sản phẩm rau an toàn sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng an toàn. Nhưng chưa tìm thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân chủ yếu bán cho thương lái và họ quyết định giá nên nông dân thu lợi nhuận còn thấp so với thực tế.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ các địa phương phát triển mô hình trồng rau an toàn theo mô hình VietGap.

Theo đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn triển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cho nông dân về cơ chế bảo quản, đóng gói, kết nối thị trường… Ngoài ra, Sở còn tạo điều kiện cho các HTX sản xuất rau an toàn tham gia quảng bá tại các hội chợ hoặc trên các phương tiện truyền thông…

Song song đó, xây dựng chính sách hỗ trợ, tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất rau an toàn đạt hiệu cao tại Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, HTX rau an toàn Hòa Phát có năng lực sản xuất khá tốt. Ngoài ra, HTX còn có nhiều ưu thế được ngành chức năng chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, hỗ trợ trang thiết bị, giống, kỹ thuật sản xuất…

Để HTX nâng cao chất lượng và giá trị nông sản trên thị trường, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ HTX rau an toàn Hòa Phát xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ nông sản… Nếu làm được điều này, sẽ góp phần tìm đầu ra ổn định cho rau an toàn, giúp nông dân yên tâm sản xuất, góp phần phát huy thế mạnh, mở ra nhiều triển vọng để HTX hoạt động bền vững hơn.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Nuôi Tôm Công Nghiệp Vượt 844 Ha So Với Kế Hoạch Diện Tích Nuôi Tôm Công Nghiệp Vượt 844 Ha So Với Kế Hoạch

Tính đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trong toàn tỉnh Cà Mau đạt 7.844,26 ha, tăng 1.844,26 ha so với cuối năm 2013 (trong đó diện tích đang thả nuôi hơn 4.000 ha), vượt kế hoạch năm 2014 trên 844 ha.

05/07/2014
Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Trước tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra phổ biến, nhiều bà con huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến (bao gồm cả luân canh lúa - tôm), với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.

05/07/2014
Vĩnh Long Nuôi Cá Tra Tiếp Tục Không Ổn Định Vĩnh Long Nuôi Cá Tra Tiếp Tục Không Ổn Định

Tuy nhiên, lợi nhuận từ nuôi cá tra tiếp tục không ổn định, bên cạnh lượng cá đến kỳ thu hoạch không nhiều. Toàn tỉnh hiện có 429,5ha mặt nước sử dụng nuôi cá tra thâm canh, trong đó diện tích đang thả nuôi là 273,5ha, diện tích treo ao vẫn còn khá cao trên 34ha, chuyển sang nuôi các đối tượng khác hơn 10ha.

02/12/2014
Giá Trị Kinh Tế Nuôi Tôm Đạt Hơn 2.770 Tỷ Đồng Giá Trị Kinh Tế Nuôi Tôm Đạt Hơn 2.770 Tỷ Đồng

Ông Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết: Tổng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng năm 2014 trên địa bàn huyện đạt được là 19.819 tấn, đạt 113% so với kế hoạch. Giá trị kinh tế mang lại tương đương 2.770 tỷ đồng. Đây là năm huyện Cầu Ngang có sản lượng tôm thương phẩm đạt cao nhất từ trước đến nay.

02/12/2014
Gần 1,2 Tỉ Đồng Thực Hiện Dự Án Chế Biến Cá Cơm Trụng Gần 1,2 Tỉ Đồng Thực Hiện Dự Án Chế Biến Cá Cơm Trụng

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt cho UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên năm 2014 để thực hiện dự án Chế biến cá cơm trụng.

05/07/2014