Nông Dân Long Hòa Khấm Khá Nhờ Mô Hình Nuôi Bò Sữa
Mô hình nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện đang được nhiều hộ dân tham gia do thu nhập ổn định, giải quyết việc làm nhàn rỗi cho bà con. Đặc biệt, từ khi Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò sữa Long Hòa ra đời, bà con càng yên tâm đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo.
Ông Võ Thanh Cần, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi bò sữa Long Hòa, nhớ lại: Khoảng năm 1999, cuộc sống gia đình ông chủ yếu bằng mảnh vườn tạp sau nhà, năng suất không cao mà giá cả bấp bênh nên gặp rất nhiều khó khăn. Xem truyền hình thấy nhiều người làm giàu bằng việc nuôi bò sữa, ông "đánh liều" mua 2 con bò giống về nuôi bằng tất cả số tiền dành dụm.
Chỉ hơn một năm chăm sóc, bò cho sữa hơn 20 lít/ngày. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày một khấm khá… Gia đình ông tiếp tục đầu tư mua mỗi lần một vài con bò sữa giống để tăng đàn.
Đến nay, ông Cần đã có 31 con bò cho sữa mỗi ngày 180 lít sữa. Với giá sữa bò tươi hiện nay là 14.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, ông Cần thu về hơn 30 triệu đồng/tháng. Ông Cần kể: "Ngày nào cũng có người đến tham quan chuồng bò của tôi và học hỏi kỹ thuật nuôi bò". Tiếp bước thành công này, bốn người con của ông Cần đều nối nghiệp cha nuôi bò sữa.
Điển hình như vợ chồng chị Võ Ngọc Tuyền và anh Nguyễn Thanh Điền, trước đây buôn bán nhỏ, cuộc sống thiếu thốn, nhưng từ khi được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, gia đình chị Tuyền anh Điền nuôi được 4 con bò sữa, cho thu nhập ổn định. Căn nhà tường gần 150 triệu đồng mà anh chị đang ở cũng nhờ nuôi bò sữa mà gây dựng được.
"Tiếng lành đồn xa", ngày càng có nhiều hộ dân ở Long Hòa học hỏi kinh nghiệm của gia đình ông Cần để nuôi bò sữa. Năm 2004, được sự chấp thuận của chính quyền phường Long Hòa, ông Cần thành lập HTX Chăn nuôi bò sữa Long Hòa và nhanh chóng trở thành điển hình của mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Từ 10 xã viên ban đầu, đến nay HTX có 25 xã viên, với vốn điều lệ gần 70 triệu đồng. Hiện tổng đàn bò của hợp tác xã gần 300 con.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi, các xã viên đều có thu nhập khá. Mỗi năm, bò cho sữa khoảng 9 tháng. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn tận dụng phân bò để ủ bón cho vườn cây ăn trái hoặc nuôi trùng quế với giá bán trùng là 70.000 đồng/kg, giúp có thêm thu nhập.
Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi bò còn xây dựng hệ thống Biogas cung cấp chất đốt vừa giảm chi phí sinh hoạt, vừa tránh ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Bửu Châu, xã viên Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Long Hòa, cho biết: "Nguồn thu nhập từ nuôi bò sữa có đều đều, nông dân chịu cực lấy công làm lời, cuộc sống chắc chắn sẽ khấm khá hơn".
Theo nhiều nông dân ở Long Hòa, bò sữa nuôi không khó, chỉ cần đảm bảo đủ thức ăn, phòng chống một số bệnh về da, móng và tiêu hóa là sẽ phát triển bình thường. Về đầu ra sản phẩm sữa, ngoài tiêu thụ ở các cơ sở đóng chai nhỏ lẻ, sữa bò của HTX được bán cho Nhà máy sữa Vinamilk Cần Thơ. Nuôi bò sữa chủ yếu lấy công làm lời, tận dụng lao động nhàn rỗi nhưng thu nhập tương đối cao. Kỹ thuật nuôi cũng không quá khó, nguồn thức ăn cho bò dễ tìm như: cỏ, thân cây đậu phộng, vỏ bắp, vỏ khóm…
Việc thành lập HTX chăn nuôi bò sữa đã tạo điều kiện cho bà con học hỏi, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật. Ban chủ nhiệm HTX còn tổ chức các nguồn quỹ, kịp thời hỗ trợ xã viên khi gặp khó khăn, cũng như phát triển sản xuất. Ông Võ Thanh Cần, Chủ nhiệm HTX, cho biết: "Xã viên nào gặp khó khăn HTX hỗ trợ vốn. Mỗi xã viên mới vào đều được cho mượn 2 con bò giống đối ứng".
Con bò sữa bước đầu đã giúp người dân Bình Thủy có thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng cần có quy hoạch cụ thể, tuyên truyền và vận động người dân phát triển đàn bò sữa một cách hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, không nên ồ ạt chuyển sang nuôi bò để dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu hay không kiểm soát được dịch bệnh, nguồn thức ăn cho bò...
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh ta không thể phát triển trồng mắc ca ồ ạt trên quy mô toàn tỉnh được mà chỉ tập trung phát triển tại vùng quy hoạch trồng tập trung ở tại địa bàn 5 xã của huyện Tuy Ðức là Ðắk Búk So, Ðắk R’tíh, Quảng Tâm, Quảng Tân, Quảng Trực, còn lại các huyện khác và thị xã thì chỉ nên làm điểm và sau đó có đánh giá cụ thể, nếu có hiệu quả thì mới triển khai.
Mắc ca có nguồn gốc từ các rừng cận nhiệt đới châu Úc. Nhà khoa học và thực vật học Đức, Ferdinand von Mueller đã tình cờ khám phá ra mắc ca và đặt tên cho chúng theo tên của một người bạn đã qua đời là Dr. John McAdam.
Trước tình trạng trên địa bàn huyện Krông Nô hạn hán kéo dài và khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến cây trồng, Hợp tác xã (HTX) Thủy nông Buôn Choáh và HTX Thủy nông D12 Buôn Suk đã và đang “dốc sức” chống hạn để đảm bảo cho cây lúa phát triển.
Theo UBND xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), đến nay, toàn xã đã tái canh cà phê được hơn 128 ha bằng giống mới TR4 và tiến hành ghép chồi.
Vào thời điểm này, người dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch điều rộ. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích điều của người dân ở các địa phương chuyên trồng điều như Đắk R’lấp, Chư Jút, Krông Nô... đều trúng mùa, được giá.