Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Xuân Lộc Phát Huy Vai Trò Quản Lý Vì Mục Tiêu Phát Triển
Là xã đồng bằng thuộc huyện Thanh Thủy, Xuân Lộc có lợi thế về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nắm bắt ưu thế trên, trong những năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Xuân Lộc đã không ngừng nỗ lực, phát huy vai trò quản lý, điều hành, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của xã viên, tạo điều kiện để kinh tế tập thể địa phương phát triển.
Những năm qua, HTX NN Xuân Lộc từng bước thực hiện chuyển đổi, củng cố, kiện toàn bộ máy cũng như phương thức hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Với các dịch vụ cung ứng về thủy lợi, vật tư phục vụ sản xuất, cây con giống, tập huấn chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ môi trường không những mang lại lợi ích cho các hộ xã viên mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Xuân Ba – Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX NN Xuân Lộc là tổ chức kinh tế tự chủ và độc lập, hoạt động trên tinh thần dân chủ, công khai với mong muốn đem đến lợi ích cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển chung của toàn xã. Để làm được điều đó, HTX đã từng bước cải thiện, xây dựng cách làm mới, có hiệu quả, tạo dựng niềm tin với người dân trong xã.
Điển hình trong cách nghĩ, cách làm mới của Ban quản trị HTX là phân vùng sản xuất. HTX đã xây dựng đề án phân bổ diện tích sản xuất, tập hợp các diện tích nhỏ lẻ thành hai vùng sản xuất chính là vùng lõi (với diện tích trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm) và vùng đệm (với diện tích mặt nước ven sông Đà sử dụng nuôi trồng thủy sản). Hiện HTX NN Xuân Lộc đã khoanh vùng được 180ha thâm canh lúa trên tổng diện tích 350ha trồng lúa của cả xã, 20ha trồng rau màu, các loại cây hàng hóa và 75ha nuôi cá lồng.
Việc làm này nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hỗ trợ quản lý và chăm sóc hiệu quả hơn. Song song với tập trung các diện tích canh tác nhỏ lẻ thành các vùng sản xuất, Ban quản trị HTX còn chủ động học hỏi, ứng dụng cách thức sản xuất có hiệu quả, đổi mới cây trồng phù hợp trên đồng đất Xuân Lộc, đưa các giống lúa lai chất lượng cao như GS9, Thiên hương 8,… dần thay thế các giống lúa thuần đã giúp sản lượng bình quân cây có hạt lên 230 tấn/năm.
Bên cạnh đó, HTX khuyến khích xã viên chuyển đổi một số diện tích cây trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng hóa như: ớt, dưa chuột Choka Nhật Bản,… đem lại năng suất và thu nhập cao, phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Năm 2014, HTX NN Xuân Lộc đã cùng với Công ty CP khoa học và công nghệ nông nghiệp GOC đưa mô hình dưa chuột Choka Nhật Bản vào trồng trên diện tích gần 3ha, cho sản lượng ước đạt 1,8 tấn/sào/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-7 lần so với trồng ngô.
Cùng với lợi thế có diện tích mặt nước rộng lớn, HTX NN Xuân Lộc luôn chú trọng nuôi trồng thủy sản, với các mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện HTX đang có gần 40 lồng nuôi các loại cá: lăng, diêu hồng, trắm cỏ và rô phi đơn tính, đem về lợi nhuận 60 triệu đồng/lồng/năm cho các hộ xã viên.
Bên cạnh đó từ năm 2011, HTX NN Xuân Lộc còn đưa vào cung cấp dịch vụ môi trường, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Xuân Lộc. Căn cứ vào nhu cầu cấp thiết của địa phương trước sự ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, ban quản trị HTX đã xây dựng đề án, họp bàn với nhân dân và đưa vào hoạt động dịch vụ mội trường, không những tạo thêm công ăn việc làm cho xã viên, mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, giảm hẳn tình trạng ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong xã.
Với những nỗ lực không ngừng, tích cực đổi mới, áp dụng phương thức có hiệu quả vào sản xuất, HTX NN Xuân Lộc trở thành địa chỉ tin cậy, được bà con tin yêu, tín nhiệm, tạo tiền đề cho bước đi mới trong chuyển hướng sản xuất những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của địa phương và phấn đấu đưa Xuân Lộc về đích nông thôn mới trong năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 22.4, có mặt tại 3 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng từ 1 đến 2 tháng tuổi, với tổng diện tích 2,1 ha của ông Huỳnh Văn Nắm (46 tuổi, ở thôn Huỳnh Giảng Bắc, xã Phước Hòa, Tuy Phước - Bình Định) thuốc trừ sâu vẫn còn bốc mùi, tôm chết trắng cả 3 hồ.
Sáu tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản tại hầu hết các tỉnh miền Trung đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngư dân các tỉnh đã tích cực đóng mới, cải hoán tàu cá để vươn khơi.
Tại huyện Trưởng Phong, mọi người đều biết thành công hôm nay của anh Đồng Trưởng Viễn gắn liền với một quãng thời gian đau buồn trong quá khứ. Anh đã từng phải hứng chịu nỗi đau khi vợ và con gái anh đều qua đời do khó sinh. Để chạy trốn khỏi nỗi buồn, anh đã bỏ công việc làm báo, chuyển về nông thôn ở ẩn. Tuy nhiên, chính bởi giai đoạn chạy trốn nỗi buồn này lại giúp anh trở thành người dẫn đầu trong nghề trồng mướp tại huyện Trưởng Phong.
Năm 2011, nước ta đã thu được về hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu sắn. Thấy sắn bán được, nhiều địa phương đã đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Bất ngờ là năm nay Trung Quốc ngừng nhập khẩu sắn của VN, dẫn tới giá sắn bị rớt thê thảm tại nhiều địa phương.
Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.