Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp Tác Xã Chè Lương Sơn Phát Huy Sức Mạnh Tập Thể, Đẩy Mạnh Sản Xuất Kinh Doanh

Hợp Tác Xã Chè Lương Sơn Phát Huy Sức Mạnh Tập Thể, Đẩy Mạnh Sản Xuất Kinh Doanh
Ngày đăng: 03/12/2014

Được thành lập năm 2001, Hợp tác xã (HTX) chè Lương Sơn (huyện Yên Lập) có 237 xã viên. Sau nhiều năm củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, đến nay mô hình kinh tế tập thể của HTX Lương Sơn đã phát huy thế mạnh trong việc liên kết và là điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình xã viên phát triển sản xuất - kinh doanh chè.

Năm 2010 từ sự tài trợ của Chương trình dự án VECO, sự hỗ trợ, đồng hành của Công ty chè Phú Hà trên địa bàn, sự giúp đỡ của hội phụ nữ, người trồng chè xã Lương Sơn đã thành lập 7 nhóm sản xuất chè.

Các hộ xã viên được tập huấn, áp dụng quy trình mới vào sản xuất chè búp tươi và thiết lập các điểm thu gom, bán chè tập trung trên 7 nhóm. HTX đã chủ động ký hợp đồng bán sản phẩm chè búp tươi với Công ty chè Phú Hà, giúp xã viên tâm huyết hơn với cây chè, đầu tư thâm canh cho vườn chè nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho gia đình. Từ những kết quả đã đạt được, người dân tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể, tích cực tham gia vào mô hình này.

Để giúp các xã viên có điều kiện thuận lợi trong sản xuất chè, HTX chè Lương Sơn đã đầu tư một số máy móc, trang thiết bị, hệ thống chế biến chè xanh với 5 bộ bom quay chè xanh, máy sấy hương chè, máy hút chân không đóng gói chè và máy hút màng co cùng với một số vật dụng khác để phục vụ cho việc chế biến chè xanh, với tổng trị giá 200 triệu đồng.

Cùng với việc hỗ trợ về máy móc, HTX còn phối hợp mời nghệ nhân từ tỉnh Thái Nguyên - nơi có những vùng chè có thương hiệu, uy tín về giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật chế biến chè xanh cho các hộ sử dụng bom quay chè xanh và Ban chủ nhiệm nắm được kỹ thuật chế biến để đưa ra sản phẩm có chất lượng, hấp dẫn thị trường.

Từ nhận thức sự thành công của mô hình kinh tế tập thể phụ thuộc phần lớn vào sự thống nhất, đồng lòng cao giữa Ban chủ nhiệm với các xã viên nên thời gian qua, Ban chủ nhiệm HTX luôn phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch, họp giao ban định kỳ hàng tháng giữa Ban quản trị HTX với các tổ trưởng tổ sản xuất nhằm đánh giá hoạt động cũng như kiến nghị của xã viên để cùng bàn bạc, tìm hướng giải quyết; phân công trách nhiệm cho từng tổ trưởng đôn đốc, giám sát và cập nhật số liệu thu hái chè của tổ để cân đối với Công ty chè Phú Hà; tuyên truyền cho xã viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của cây chè cũng như VSATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những năm gần đây, xã viên HTX chè Lương Sơn đã tích cực áp dụng KHKT vào thâm canh chăm sóc chè. HTX đã có những đợt cung ứng phân bón bằng cách trả chậm để xã viên thâm canh chè, liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Ngân hàng Nông nghiệp đề xuất hỗ trợ cho xã viên HTX vay gần 200 triệu đồng để đầu tư thâm canh cây chè.

Song song với đó, HTX tích cực tuyên truyền vận động xã viên mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống chè có năng suất cao như chè lai I, lai II tại các tổ của HTX.

Nhờ tích cực thâm canh, đầu tư trồng chè, đến nay tổng sản lượng chè búp tươi từ các tổ sản xuất bán cho nhà máy và chế biến chè bán ra thị trường đạt trên 400 tấn, với giá trung bình 4.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào trồng chè búp tươi thu được khoảng 9 triệu đồng.

Cùng với việc trồng và bán chè búp tươi, từ năm 2013, HTX chè Lương Sơn bắt đầu sản xuất chè xanh, đã sản xuất đóng gói được 7.000 gói chè các loại trong 3-4 tháng. Chè xanh của HTX được bày bán trên thị trường trong huyện, các xã và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ đã bước đầu được người tiêu dùng biết đến thương hiệu và sử dụng.

Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/hop-tac-xa-che-luong-son-phat-huy-suc-manh-tap-the-day-manh-san-xuat-kinh-doanh-2379826/


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu nhờ nuôi sò huyết Làm giàu nhờ nuôi sò huyết

Ngồi trong căn chòi lá được dựng lên giữa đầm Thị Tường để trông giữ bãi sò rộng đến 15 ha mặt nước, anh Trần Văn Sal, 47 tuổi (ngụ ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nhớ lại cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi sò huyết cách đây 5 năm. Với vốn đầu tư sò giống cho 15 ha mặt nước trên đầm khoảng 800 triệu đồng, một mình không đủ khả năng, anh Sal rủ thêm 2 người bà con cùng làm.

26/11/2015
Hiệu quả từ Dự án nuôi cá rô phi công nghiệp Hiệu quả từ Dự án nuôi cá rô phi công nghiệp

Dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi cá Rô phi theo hướng công nghiệp tập trung năm 2015 do Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản làm chủ đầu tư với tổng diện tích là 16ha, thực hiện trên 4 tiểu vùng: tại huyện Tiên Yên2 tiểu vùng với 8ha;

26/11/2015
Trung tâm Thủy sản chú trọng nâng cao chất lượng nguồn giống Trung tâm Thủy sản chú trọng nâng cao chất lượng nguồn giống

Trung tâm Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNN) là địa chỉ tin cậy và đi đầu trong kiểm định, nuôi khảo nghiệm giống mới và sản xuất cung ứng giống đảm bảo về chất lượng...

26/11/2015
Xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục giảm Xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục giảm

XK tôm Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay vẫn theo xu hướng giảm do khó khăn từ các thị trường NK chính, giá XK giảm và cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp đối thủ.

26/11/2015
Chất cấm và thịt ngoại Chất cấm và thịt ngoại

Các loại thịt heo, gà, bò... nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng mạnh. Áp lực cạnh tranh với thịt ngoại sẽ ngày càng gay gắt, nhất là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thuế nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi sẽ dần trở về 0% theo lộ trình.

26/11/2015