Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Nào Cho Cam - Bưởi Hậu Giang?

Giải Pháp Nào Cho Cam - Bưởi Hậu Giang?
Ngày đăng: 01/06/2013

Giá cả hấp dẫn, thị trường tiêu thụ ổn định nên cả cam sành lẫn bưởi Năm Roi đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với một số cây ăn trái khác. Tuy nhiên, để 2 loại trái cây có múi này trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới là vấn đề cần phải bàn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, việc phát triển cây ăn trái của Hậu Giang còn bộc lộ nhiều hạn chế, rủi ro nhất định như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, còn mang tính tự phát; sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật không đồng bộ. Công nghệ sau thu hoạch và chế biến trái cây còn lạc hậu và nhỏ bé, chuỗi sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều bất cập, chưa có doanh nghiệp thu mua ổn định. Nhất là đảm đương tiêu thụ diện tích trên 7.000ha cam sành của người dân huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Vườn cây ăn trái của thị xã Ngã Bảy hiện có 3.285ha, trong đó cam sành đã chiếm trên 2.378ha. Thế nhưng, cam sành chủ yếu được bán thông qua hệ thống thương lái tự do và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, quá trình quy hoạch, quản lý tình trạng đổ xô trồng cam cành của người dân trên địa bàn thị xã cũng chưa thể kiểm soát. Ông Ngô Văn Khởi, Phó Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy cho rằng, trình độ sản xuất của nhà vườn thấp, còn mang tính tự phát, dựa vào kinh nghiệm và truyền miệng nhau là chính, nên chi phí sản xuất cao, còn sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường là điều mà địa phương lo lắng.

Năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tiếp tục triển khai dự án trồng thâm canh cam sành Ngã Bảy theo hướng VietGAP, nhằm giúp người dân mạnh dạn sử dụng phân hữu cơ nhưng đảm bảo được năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng xu thế tiêu dùng. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, trước mắt, ngành sẽ tiến hành thực hiện mô hình trồng thâm canh cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp với công tác xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Cam sành Ngã Bảy”.

Ông Dương Thanh Thuận, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy - người tiên phong trồng thâm canh cam sành theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm - VietGAP do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ trên diện tích 2ha, cho biết: “Thông qua giải pháp bón phân hữu cơ vi sinh mà vườn cam chuyển biến rõ rệt, lá xanh mướt, cây phát triển mạnh hơn. Không những hạn chế được sâu bệnh mà năng suất tăng cao, trái bóng, đẹp nên thương lái ưa chuộng. Điều quan trọng là giảm bớt chi phí sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên phần nào bảo vệ được sức khỏe cho nhà vườn và người sử dụng”.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho hay, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không nên tự phát trồng cam sành, ngành còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, cho bưởi Năm Roi ra trái rải vụ nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng thừa, sản phẩm bán ra được giá cao.

Tiếp sức nhà vườn

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã quy hoạch xong vùng nguyên liệu cam sành tại thị xã Ngã Bảy. Ngoài ra, vận động nhân dân cải tiến kỹ thuật để vùng cam sành Ngã Bảy đạt chất lượng tốt, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thông qua giải pháp định hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Võ Xuân Tân cho rằng: Ngành không khuyến khích mở rộng thêm diện tích mà tập trung vào công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc và quản lý dịch bệnh tốt hơn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng vườn cam sành cho người dân. Đặc biệt là trồng cam sành bằng phân hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Quang Hành cho biết thêm, bên cạnh công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, huyện còn chi hỗ trợ 100 triệu đồng để giúp người dân mua cây giống sạch bệnh ngay trên vùng bưởi nguyên liệu Phú Hữu, Phú Tân nhằm phục hồi lại vùng bưởi Năm Roi của tỉnh. Đồng thời, kết hợp với ngành chức năng tỉnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để người dân duy trì và mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây có múi thế mạnh này của huyện đạt yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thực tế là từ Tết Nguyên đán 2013 đến nay, giá bưởi liên tục ở mức cao, có lúc gần 30.000 đồng/kg (bưởi loại 1). Nhờ vậy mà người trồng bưởi Năm Roi mới cảm thấy công sức, tâm huyết của mình thực sự được đền đáp xứng đáng. Ông Cao Văn Triệu, người gắn bó với 1,4ha bưởi Năm Roi trên 20 năm qua ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, kể: “Giá bưởi đột ngột tăng lên 30.000 đồng/kg (loại 1), vì thế chỉ cần 10 tấn bưởi đạt loại 1 thì gia đình đã cầm chắc trong tay 300 triệu đồng, chưa kể 4 tấn bưởi rớt loại 1 còn lại”.

Vì thế bên cạnh áp dụng kỹ thuật cắt nhánh, tạo tán để trẻ hóa vườn bưởi được ngành nông nghiệp chuyển giao, ông còn thực hiện giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách chiết sẵn 300 nhánh chuẩn bị cho việc trồng mới nhưng vẫn có bưởi thương phẩm bán ra thị trường với giá cao, đảm bảo nguồn thu nhập.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, Hậu Giang có khoảng 1.700ha bưởi Năm Roi, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Hàng năm nhà vườn trong tỉnh cung ứng khoảng 24.800 tấn/năm bưởi Năm Roi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, có lúc còn hợp đồng với công ty nước ngoài để đưa bưởi xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời khẳng định: Năm 2013 sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng chất lượng - hiệu quả - bền vững mà trọng tâm là điều chỉnh quy trình sản xuất khép kín các cây con chủ lực như bưởi Năm Roi, cam sành. Nhưng trước hết là xác lập vị thế chủ lực trên cơ sở xúc tiến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho bưởi Năm Roi Phú Hữu, cũng như cam sành Ngã Bảy cho từng vùng chuyên canh tại các địa phương.

Cây bưởi Năm Roi tại Hậu Giang đã được chứng nhận GlobalGAP với diện tích 55,4ha và được Công ty The Fruit Republic của Hà Lan bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong năm qua. Đáng kể là dưới sự sáng tạo của một số nhà vườn ở huyện Châu Thành, trái bưởi Năm Roi còn được tạo hình nghệ thuật thành trái bưởi hồ lô rất được ưa chuộng và có giá trị cao vào dịp tết.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân trồng khoai lang lỗ nặng Nông dân trồng khoai lang lỗ nặng

Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là địa phương trồng khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL với gần 10.000 ha. Trước đây mỗi tạ khoai nông dân bán được với giá từ 500 đến 700 ngàn đồng, thì hiện tại giảm xuống chỉ còn 60 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng/tạ - đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều hộ nông dân sau khi thu hoạch lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần...

02/07/2015
Xây dựng thương hiệu nấm dược liệu Đồng Nai Xây dựng thương hiệu nấm dược liệu Đồng Nai

Nghề trồng nấm của Đồng Nai đã hình thành lâu năm với những làng nghề được nhiều nơi biết tiếng, như: làng nấm Sông Trầu (huyện Trảng Bom), làng trồng nấm Long Khánh... Thế nhưng thời gian qua, nông dân trồng nấm lao đao vì nhiều loại nấm ăn liên tục “rớt” giá.

02/07/2015
Thái Lan bán đấu giá 1,4 triệu tấn gạo trong tháng 7 Thái Lan bán đấu giá 1,4 triệu tấn gạo trong tháng 7

Thái Lan hiện có 16 triệu tấn gạo lưu kho quốc gia, và dự kiến sẽ xả bán 10 triệu tấn trong năm nay và 6 triệu tấn vào năm 2016 sắp tới.

02/07/2015
Philippines mở thầu lại mua 100.000 tấn gạo Philippines mở thầu lại mua 100.000 tấn gạo

Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) vừa cho biết, quốc gia này đang có kế hoạch mở thầu lại và mời ba quốc gia Campuchia, Việt Nam và Thái Lan cung ứng 100.000 tấn gạo.

02/07/2015
Hướng tới thị trường giá trị cao Hướng tới thị trường giá trị cao

Ở Việt Nam có quá ít doanh nghiệp đủ mạnh để vươn tới những thị trường có giá trị cao, khó tính.

02/07/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.