Hợp Tác Mới Về Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Đức Trọng (Lâm Đồng)

Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa tươi giữa Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) với 54 hộ nông dân huyện Đức Trọng lần lượt được triển khai trong thời hạn 3 năm. Đây là hợp đồng mở rộng sau thành công của một liên minh thuộc hợp phần Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.
Liên minh chăn nuôi bò sữa giữa 54 hộ nông dân của xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng là một hợp phần của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, triển khai từ tháng 8/2010 và kết thúc vào tháng 8/2012. Theo đó, từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, 54 hộ nông dân ở đây đã đầu tư nguồn vốn đối ứng để trang bị hoàn chỉnh dây chuyền máy vắt sữa, sửa chữa và xây mới chuồng trại, mua thêm bò sữa giống… Dalatmilk hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa tươi của nông dân, mỗi hộ chăn nuôi trung bình từ 6 - 8 con bò sữa. Ước tính trong 2 năm qua, người chăn nuôi ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã bán hơn 95% sản phẩm sữa tươi cho Dalatmilk, bán trực tiếp tại nơi thu mua cách nơi chăn nuôi xa nhất chưa quá một cây số, giá bán thường cao hơn giá thị trường bên ngoài trên dưới 15%. Trừ hết mọi chi phí đầu tư, trung bình nuôi mỗi con bò sữa mỗi tháng thu lãi sữa tươi từ 1,5 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng, tăng hơn 10% so với thời gian chưa ra đời liên minh.
Theo ông Lê Hồng Duyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, kết quả hợp tác giữa nhà nông và “nhà Dalatmilk” trong 2 năm qua đã chấm dứt gần 15 năm sản xuất và tiêu thụ sữa tươi hết sức bấp bênh, người chăn nuôi thường bị ép giá bán, đời sống khó khăn, hàng ngày vắt sữa bò tươi xong, nông dân đem bán trôi nổi ngoài chợ và chở đi bán cho các đầu mối thu mua cách xa nhà từ 10 - 15 cây số. Bán sữa bò xong có khi đến một tháng hoặc vài tháng sau người chăn nuôi mới nhận được tiền khi đã bị khấu trừ nhiều khoản hao hụt về khối lượng, phẩm cấp sữa hoàn toàn do bên mua áp đặt. “Nay thì người chăn nuôi được trực tiếp cân, đo, đong, đếm… từng lượng sữa rồi nhận tiền nhanh qua tài khoản ngân hàng, giá bán sữa ổn định ở mức cao nhất của giá thị trường cạnh tranh…” - ông Duyên nói.
Mặc dù liên minh “hai nhà” chăn nuôi bò sữa, tiêu thụ sữa bò tươi của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã kết thúc khá thành công vào tháng 8/2012, nhưng thời gian tiếp theo đến hết tháng 12/2012, Dalatmilk vẫn đều đặn thu mua sữa bò tươi ổn định của 54 hộ chăn nuôi ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, số lượng thu mua gần như đạt 100% sản phẩm sữa bò tươi hàng ngày. Vừa triển khai thu mua vừa thảo luận với nông dân, đến ngày 1/1/2013, Dalatmilk lần lượt ký hợp đồng thu mua sữa bò tươi của 54 hộ nông dân với thời hạn đến 3 năm. Giá tiêu chuẩn thu mua sữa tươi ổn định là 11.200 đồng/kg, cao hơn giá thị trường bên ngoài khoảng trên dưới 15%. Nông dân bán sữa bò tươi được cân trực tiếp trên chiếc máy phân tích các chỉ tiêu quy định của Dalatmilk, nếu đồng hồ hiển thị chất lượng sữa có độ khô lớn hơn hoặc bằng 12,5%, độ béo lớn hơn hoặc bằng 3,8% sẽ được Dalatmilk thưởng thêm 200 đồng/kg.
Đến thời điểm đầu tháng 1/2013, bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa hợp tác giữa 54 hộ nông dân liên minh với Dalatmilk trước đây, Tổ trưởng Duyên đã tập hợp 94 hộ nông dân ở các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, thị trấn Liên Nghĩa của huyện Đức Trọng và xã Đạ Ròn của huyện Đơn Dương để đề xuất Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng thành lập một liên minh mới với Dalatmilk đến năm 2015. Mỗi hộ nông dân ở “liên minh đề xuất” này đang nuôi từ 3 - 6 con bò sữa.
Số liệu tập hợp của Tổ trưởng Duyên còn cho biết thêm: Toàn xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng hiện có khoảng 120 hộ nông dân nuôi trên dưới 800 con bò sữa, đã nhận thông báo của Dalatmik sẵn sàng ký hợp đồng với nông dân để thu mua sữa bò tươi từ năm 2013 đến hết năm 2015. Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa của ông Duyên cũng đã sẵn sàng “trải thảm” mời gọi những hộ nông dân này vào làm tổ viên, cùng trao đổi những kinh nghiệm phát triển chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ông Duyên nói: “Việc chăn nuôi bò sữa của 54 hộ gia đình tổ viên Tổ hợp tác của chúng tôi, không chỉ có kinh nghiệm thực tế trên dưới 15 năm mà còn được Dalatmilk tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật mới trong hơn 2 năm qua…”.
Related news

Anh Đỗ Tiến Hùng quê ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội làm nghề bán đinh lăng gần 10 năm nay. Gần đây, anh Hùng mua được gốc đinh lăng có tuổi đời 62 năm với giá gần 10 triệu đồng, sau đó anh bán lại cho một khách quen với giá 20 triệu đồng.

Vụ mùa năm 2014, huyện Hạ Hòa gieo cấy gần 3.500ha lúa, trong đó diện tích lúa lai chiếm hơn 48%, lúa chất lượng cao 8,76%, còn lại là lúa thuần. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa đã cho thu hoạch với năng suất ước 54 tạ/ha. Một số cây màu vụ mùa như: Ngô năng suất ước 42 tạ/ha; lạc năng suất ước 16,5 tạ/ha; đậu, đỗ các loại 19,9ha.

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, rầy tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ từ khoảng ngày 15-9 trở đi. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, TP Việt Trì...

Đây được xem như một bước đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ với những hỗ trợ tích cực trong chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác.

Do vậy, để phục hồi ngành này, các ban ngành cần ưu tiên giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách, đặc biệt là tái cơ cấu lại đội tàu, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.