Hợp Sức Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản
Người đánh bắt cá, lươn bằng xuyệt điện đi qua thì cánh đồng, khúc sông "ngoắc ngoải" bởi sự đánh bắt tận diệt của con người. Trên thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang tăng dần, môi trường sống bị đe dọa nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt…
Báo động nạn xuyệt điện
Nhiều ngày qua, chúng tôi về các huyện Cái Bè, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tìm hiểu thực trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Dừng lại ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, lân la làm quen với một người xuyệt cá tên H, anh này bình thản giải thích: "Bây giờ bắt cá ngoài đồng còn ai dùng chài, lưới nữa. Làm vậy mất thời gian mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Bắt cá nhanh và nhiều phải dùng xuyệt điện". Theo anh H, thiết bị điện dùng để bắt cá, lươn rất đa dạng, nhiều chủng loại.
Với xuyệt điện có bán kính hoạt động từ 8-10m và tùy vào mục đích sử dụng hoặc loại dùng bình ắc quy 24V, kích lên dòng điện 220V cũng có khả năng sát thương tương tự. Để có một bộ xung điện khá đơn giản, chỉ cần đầu tư khoảng 1,7 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện tại bất cứ hiệu sửa chữa điện tử nào, cộng với một bình nhựa và hai cần tự chế là có ngay một bộ xuyệt điện ngon lành. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ anh H đã kiếm được hơn 2kg lươn và 1,5kg cá. Anh H cho biết nơi có thể bắt được nhiều lươn, cá là những cánh đồng trũng, ven sông, đìa hoang hay đơn giản là các vùng có cống thông ra sông.
Bạn đồng hành với anh H là anh N, cả hai cùng ngụ ở ấp Hậu Phú I, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè. Gia đình ít ruộng và thường xuyệt điện để kiếm tiền trang trải cuộc sống, mỗi ngày, các anh kiếm cá bán được 50.000 - 70.000 đồng/người. Những hôm thất thì cũng kiếm được con cá, con lươn cho bữa ăn gia đình, đỡ tiền chợ. Có nhiều người chết vì xuyệt cá, những người xuyệt điện cũng sợ, họ lý giải cái nghèo đeo bám, nhưng cũng không thể ngụy biện cho hành vi hủy hoại môi trường sống.
Ở vùng rốn lũ của nhiều xã thuộc huyện Cái Bè và Cai Lậy đã trở thành điểm nóng của việc đánh bắt cá bằng xung điện, nhất là vào thời điểm mùa lũ. Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện vẫn không chấm dứt, nhiều người vẫn hoạt động lén lút, nhất là vào ban đêm ở các cánh đồng lúa, trên sông. Việc quản lý vấn đề này còn quá lỏng lẻo. Một phần lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở quá mỏng và chưa có sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt của chính quyền ở một số địa phương, mặt khác cũng chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, môi trường sống mất cân bằng, nếu đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt và con người sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề từ những việc làm này.
Bảo vệ môi trường: cần quyết liệt
Theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11-10-2005 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì đối với hành vi sử dụng kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện, nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn. Nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao. Trong khi đó công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được xã hội hóa, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị bỏ ngỏ.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện mà hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết được số người trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Số người tham gia đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện nhiều nhưng ngành chức năng cũng như các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở phát hiện và xử lý còn ở mức độ khiêm tốn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè Nguyễn Văn Út, cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã cho họp một số hộ có đánh bắt cá bằng xung điện. Đây là những hộ nghèo, không ruộng đất canh tác. Sau cuộc họp, nhiều hộ hứa sẽ chuyển đổi nghề nếu được hỗ trợ vốn làm ăn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường hợp lén lút hoạt động hình thức này. Khó khăn trong việc xử lý chính là con người, công cụ hỗ trợ". Theo ông Út, dù biết rõ những người hành nghề cào điện trên địa bàn, nhưng chỉ có thể vận động, thuyết phục họ bỏ nghề, bởi muốn bắt quả tang để xử lý theo pháp luật là điều không đơn giản.
Một cán bộ Thanh tra của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho rằng, những người đi đánh bắt cá bằng xung điện không hiểu bắt được 1 con thì giết chết 200 con khác, nên nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Mặc dù có văn bản chỉ đạo về nghiêm cấm sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản và đã triển khai nhiều biện pháp để "dẹp" những người đánh bắt theo kiểu này. Tuy nhiên, xử lý họ như "bắt cóc bỏ dĩa"; nay phạt mai làm và cứ thế tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Mặt khác, lực lượng thanh tra nông nghiệp mỏng, các ngành chức năng của huyện, xã làm chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, chính quyền cơ sở cần thành lập tổ, đội hoặc nhóm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy đã có những trường hợp sử dụng kích điện để bắt trộm cá của các hộ dân có ao đầm lớn và số lượng nhiều, gây mất an ninh trật tự xã hội. Với những trường hợp này cần xử lý nghiêm để làm gương cho các đối tượng khác noi theo.
Bất luận vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện ồ ạt trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái. Và có những cái chết đau lòng từ việc bất cẩn khi đánh bắt cá bằng xung điện. Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường mặt nước cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và nhân dân; tạo ra thế trận toàn dân tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết, bệnh “lá đứng” trên cây chanh không hạt có biểu hiện lá to và đứng, có màu xanh, đặc biệt là không có khả năng cho ra hoa đậu trái, đây được xem là bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân.
Việc nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) trong vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh; tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học…
Với gần 46 ngàn hécta, Đồng Nai đứng trong tốp đầu các tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực phía Nam với nhiều loại trái ngon, như: chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng, thanh long ruột đỏ... Đây đều là những trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Không chỉ ở thành công ở vùng đồng bằng, mô hình chăn nuôi bò giảm nghèo được người dân ở các huyện miền núi Phú Yên áp dụng hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao với tin đồn có thương lái Trung Quốc đặt vấn đề thu mua đọt và lá khoai lang non với giá cao, đặt hàng số lượng lớn tại vùng chuyên canh khoai lang của huyện Bình Tân (Vĩnh Long).