Hồng Giòn Đà Lạt Giá Rẻ Tràn Xuống Đường
Một kg hồng giòn dọc các tuyến phố Đà Lạt có giá đồng hạng 10.000 đồng, giảm một nửa so với đầu vụ.
Trên tuyến đường từ huyện Đức Trọng lên TP Đà Lạt, những ngày gần đây, trái hồng Đà Lạt được nhiều người dân đổ ra bán với giá cao nhất cũng chỉ khoảng 10.000 đồng một kg, giảm mạnh so với đầu vụ.
Trong khi đó, giá mua tại vườn chỉ dao động ở mức 3.000-5.000 đồng một kg. Tuy nhiên, dù đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng tình hình thu mua của các thương lái khá chậm. Ông Hoàng, có vườn trồng hồng khoảng 1ha ở Đức Trọng cho biết dù đã kêu mấy ngày nay, người mua vẫn không đến lấy hàng.
Từ 5-7 năm nay, giá hồng ăn trái ở Đà Lạt liên tục giảm, diện tích trồng cũng theo đó thu hẹp. Năm nay, giá hồng Đà Lạt giảm mức thấp nhất, mặc dù sản lượng trái giảm 40% so với năm ngoái do cây bị bệnh giác ban.
"Với giá thu mua tại vườn 4.000 đồng một kg, 7 tấn hồng của tôi chỉ bán được 28 triệu đồng, trừ tiền công, phân bón, thuê người hái, vụ này coi như hòa vốn", ông Hoàng cho biết.
Người dân trồng hồng ở Đà Lạt cho biết, hồng năm nay xuất đi các tỉnh thành trong nước không mạnh bằng những năm trước, lại phần lớn tiêu thụ tại chỗ. Do đó, các điểm bán hồng giòn dạng thời vụ dọc hai bên các tuyến phố mọc lên như nấm, tập trung nhiều nhất ở đường Phù Đổng Thiên Vương, gần Đại học Đà Lạt.
Một phụ nữ bán hồng tại khu vực này cho biết, tuần trước mỗi ngày bán được cả trăm kg, trừ vốn cũng kiếm được 250.000 đồng mỗi ngày. Qua đến tuần này lượng bán đã giảm vì người tiêu dùng có vẻ đã ngán ăn trái hồng.
Chi cục Thống kê TP Đà Lạt cho biết, toàn thành phố hiện chỉ còn khoảng 300ha hồng ăn trái, sản lượng ước trên 4.000 tấn. Vào năm 2010, thành phố có 524ha hồng, sản lượng lúc đó là 6.700 tấn.
Ông Trần Như Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, diện tích hồng ăn trái Đà Lạt tập trung chủ yếu ở các xã ngoại thành như Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung… và từ 5 đến 7 năm trở lại đây nông dân đã chặt bỏ nhiều.
Hiện còn rất ít diện tích chuyên canh, chủ yếu cây hồng được trồng xen canh để lấy tán che mát cho cây cà phê. Ở ngoại thành đất rộng nên người dân trồng cây hồng bao quanh hàng rào nhà hay vườn để có thêm thu nhập. Cây hồng hiện nay không còn là thu nhập chính của bà con như 10 năm về trước
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, lúc hồng ăn trái còn thịnh hành, toàn tỉnh Lâm Đồng có hàng nghìn hecta. Nhưng vài năm nay nông dân đã chặt bỏ rất nhiều, diện tích hồng ăn trái chỉ còn tập trung chủ yếu ở huyện Lạc Dương và thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương. “Việc không mang lại hiệu quả kinh tế qua một thời gian dài dẫn đến giảm diện tích là điều dễ hiểu”, ông Sơn nói.
Một thương lái chuyên đóng hồng đi TP HCM cho biết, mùa thu hoạch kéo dài trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 11. Những năm trước sức tiêu thụ khá đều, không hiểu vì sao càng ngày sức tiêu thụ càng yếu. Có thể do trái cây các vùng miền khác càng lúc càng phong phú nên trái hồng Đà Lạt khó tiêu thụ, thêm vào đó là tâm lý người tiêu dùng lo ngại mua phải hồng Trung Quốc vốn đang tràn vào Việt Nam.
Cụ bà Nguyễn Thị Hiển, 77 tuổi nhớ lại, vào những năm 1980 của thế kỷ trước, gia đình bà có 2 cây hồng trứng lớn trước sân, cứ tới mùa là có người tới mua bao nguyên cây để tự thu hoạch suốt mùa và được định giá bằng vàng. Chỉ 2 cây hồng trứng trước sân nhà, nhưng năm nào gia đình bà cũng bán được 7- 8 chỉ vàng.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với các địa phương khác, thời điểm này người dân huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đang tập trung thu hoạch dong riềng, năng suất trung bình ước đạt 60 tấn/ha. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang là mối quan tâm lớn của người dân và các cấp, ngành chức năng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, Trần Đình Toàn cho biết, UBND tỉnh vừa ra quyết định số 815/QĐ-UBND về việc bổ sung nấm rơm vào danh mục khuyến khích phát triển ở địa phương.
Gần đây, Sở KH-CN triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm khôi phục thương hiệu, tìm hướng đi bền vững cho cây tiêu và sản phẩm tiêu Tiên Phước (Quảng Nam) trên thị trường.
Việc chăm sóc, khai thác vườn cây cao su (CS) chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ, năng suất vườn cây. Để cho vườn cây phát triển ổn định, người trồng CS Bình Dương cần phải tiếp tục được tập huấn để sản xuất hiệu quả hơn.
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các hội, đoàn thể ở xã Phụ Khánh (huyện Hạ Hoà, Phú Thọ) đã vận động, định hướng cho nông dân thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, mô hình trồng mít Thái Lan siêu sớm được Trạm khuyến nông huyện Hạ Hoà đã tổ chức thực hiện đã đạt kết quả và đang được nhân rộng, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.