Hơn 2,2 triệu tôm giống ở Thái Bình chết sau khi nuôi thả

Cụ thể, tổng số hộ có tôm chết ở hai xã là 35 hộ với 40 ao nuôi. Các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng ở tôm. Xã Đông Minh là nơi phát hiện ra dịch bệnh đầu tiên và cũng là địa phương có diện tích thiệt hại lớn nhất với hơn 1,6 triệu con giống thả của 24 hộ dân bị chết (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng).
Kiểm tra lâm sàng tôm chết có biểu hiện giảm ăn, bơi lờ đờ, gan tụy sưng to, thân tôm có các đốm trắng nhỏ có nhân ở giữa.
Được biết, năm nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đông Minh tăng gấp mười lần so với năm 2014 nhưng các hộ dân vẫn nuôi theo hình thức tự phát, chưa có vùng qui hoạch riêng cho nuôi tôm thẻ chân trắng.
Qua tìm hiểu, phần lớn những người dân ở đây mới chuyển sang nuôi loại tôm thẻ chân trắng, chưa tìm hiểu kỹ và chưa nắm bắt đầy đủ những kỹ thuật cơ bản khi nuôi thả, diện tích và mực nước tại các ao không đủ điều kiện để nuôi loại tôm này. Mặt khác, thời gian chạy quạt nước cho ao nuôi trong ngày chưa bảo đảm, thậm chí một số hộ không có quạt nước dẫn đến môi trường nuôi thiếu ôxy làm tôm yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh gây bệnh và dẫn tới tôm chết hàng loạt.
Điều đáng nói, ý thức của người nuôi chưa cao, khi phát hiện tôm chết không báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương, không xử lý mầm bệnh làm phát tán mầm bệnh trong vùng.
Trong báo cáo số 88 ngày 6-5 gửi UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng, ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cho biết: Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa tích cực, UBND xã giao phó cho Hợp tác xã nhưng không có sự kiểm tra, giám sát.
Đến nay, Hợp tác xã chưa có số liệu cụ thể về diện tích các ao đã thả giống, nguồn giống thả. Bên cạnh đó, các hộ có tôm chết đã báo cáo nhưng Hợp tác xã không tổng hợp và báo cáo tình hình tôm chết, khi Chi cục Thú y kiểm tra cụ thể tại các ao nuôi mới nắm bắt được tình hình tại cơ sở.
Hiện tại, vùng nuôi đã có nhiều mầm bệnh lưu hành, thời tiết tiếp tục có diễn biến bất lợi. Nếu người nuôi tôm không tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm, chính quyền xã không vào cuộc và chỉ đạo sát sao, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thì nguy cơ lây lan dịch trong thời gian tới là rất cao.
Trước tình hình trên, Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình đã ứng cho xã Đông Minh và Thái Đô hơn hai Tấn hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh.
Được biết, toàn tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 2.839 ha nuôi thả tôm sú và tôm thẻ chân trắng nằm trên địa bàn 21 xã. Nếu dịch bệnh tiếp tục phát sinh thì thiệt hại trong đầu tư sản xuất của các hộ dân nuôi tôm là rất lớn.
Có thể bạn quan tâm

Quỳnh Lưu (Nghệ An) là huyện có truyền thống nuôi trồng thủy sản, dù các hộ đã trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết nhưng vẫn lao tâm khổ tứ vì dịch bệnh.

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ trong đó nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chiếm vai trò chủ lực, trong đó con tôm vẫn là đối tượng nuôi chính. Từ năm 2013, để đa dạng hóa các đối tượng nuôi Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đầu tư một số mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo và kết quả mang lại rất khả quan.

Năm 2013, công ty xuất bán cá thương phẩm được trên 14 tấn, đạt doanh thu trên 2,2 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2018, công ty sẽ hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng 174 lồng, với tổng diện tích 74.800 m2 mặt lồng, số lượng cá giống khoảng 600.000 con, đồng thời xây dựng khu chế biến xuất khẩu cá đông lạnh tại xã Nam Ka quy mô 3-4 ha, công suất 200 tấn/năm cho thị trường Nga và EU, với tổng vốn đầu tư gần 297 tỷ đồng.

Mô hình nuôi cá rô đồng thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người nuôi. Nhận biết đặc điểm cá rô đồng cái sinh trưởng và phát triển nhanh hơn cá đực, qua đó, để tạo ra con giống chất lượng, góp phần nâng cao hơn hiệu quả sản xuất cho bà con, Trung tâm KHKT&SX Giống thuỷ sản Quảng Ninh đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt.

Cách đây ít năm thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, tỉnh Hải Phòng được coi là “đảo của đảo” vì biệt lập với bên ngoài bởi các rặng núi đá cao vút. Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng và giống gà bản địa thuần chủng – mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.