Hội Thảo Bàn Giải Pháp Quản Lý Vùng Nuôi Tôm Tỉnh Cà Mau
Chiều 28/4, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Mekong Tomland Việt Nam hội thảo bàn giải pháp quản lý vùng nuôi tôm tỉnh Cà Mau.
Tính đến nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt hơn 266.000 ha, chiếm 1/3 diện tích nuôi tôm cả nước. Chỉ tính riêng năm 2013, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 133.500 tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cũng vượt mốc 1 tỷ USD.
Đạt được kết quả trên là do công tác quản lý vùng nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm, đẩy mạnh. Song, do nhu cầu phát triển nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp đang trong xu hướng phát triển nhanh; trong khi các điều kiện về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, các yếu tố đầu vào, quản lý môi trường, dịch bệnh còn hạn chế, dẫn đến nghề nuôi tôm của tỉnh thiếu tính bền vững.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, hội thảo đi sâu phân tích những khó khăn, bất cập, đề xuất những giải pháp hữu hiệu hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài. Theo đó, Công ty TNHH Mekong Tomland đề xuất dự án hỗ trợ quản lý và xây dựng thương hiệu vùng nuôi tôm bền vững thí điểm tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.
Đây là địa bàn có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh từ 1.000 ha năm 2013 lên khoảng 2.000 ha vào đầu năm 2014; trong khi trình độ kỹ thuật, hạ tầng hỗ trợ nghề nuôi tôm còn nhiều hạn chế. Do đó, dự án sẽ hỗ trợ quản lý và xây dựng thương hiệu; đồng thời phát triển mô hình liên kết giữa người nuôi tôm với các thành phần có liên quan trong chuỗi cung ứng sản phẩm, nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế và tính bền vững của nghề nuôi tôm.
Dự án này được UBND tỉnh thống nhất về mặt chủ trương, nếu triển khai có hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu từ Cục Thú y, quý I/2014 đã làm thủ tục kiểm dịch NK từ Úc 31.774 con bò và 600 con trâu. Dự báo lượng bò, trâu sống nhập từ Úc về Việt Nam trong quý II sẽ còn nhiều hơn.
Nhận thấy rủi ro từ nuôi tôm công nghiệp cao, chi phí nuôi lớn, anh thanh niên Đào Văn Sáng (khu 9, phường Hải Hoà, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đã cải tạo đầm nuôi và chuyển sang nuôi cua thương phẩm. Sau hơn chục năm gắn bó với mô hình này, đến nay anh Sáng đã gây dựng được một cơ ngơi khá vững chãi.
Khi thấy việc trồng trọt không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, năng suất ngày càng giảm, anh Trần Quang Khải (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã tìm cho mình một hướng đi mới từ chăn nuôi dê. Đầu năm 2004, với số tiền ít ỏi dành dụm được, anh mua 5 con dê giống về nuôi thử, đồng thời trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 20.000ha đất quy hoạch sản xuất lúa đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khiến vùng ven biển, ven sông đều nhiệm mặn.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy xuất khẩu thủy sản trong quý I năm nay đạt khoảng 1,5 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm nay sẽ đạt 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu cá tra sẽ là 1,8 tỉ USD, bất chấp thị trường Mỹ đang gặp khó khăn vì nước này áp thuế chống bán phá giá ở mức cao gây bất lợi cho cá tra của Việt Nam.