Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hồi Sinh Nghề Rập Cua

Hồi Sinh Nghề Rập Cua
Ngày đăng: 27/05/2014

Thời gian gần đây, sản lượng cua nuôi giảm mạnh do người dân dành ao nuôi tôm sú. Giá cua cao nên người dân ven biển Bến Tre hồi sinh nghề rập cua.

Rủ nhau đi rập cua

Ở vùng ven biển Bến Tre, cua con được gọi là “cua nhướng” vì cua nhỏ, lích nhích đến đỗi phải nhướng mắt lên mới nhìn thấy rõ chúng. Từ sau Tết Nguyên đán cho đến lúc bắt đầu vào mùa mưa là mùa đi rập cua. Người đi rập cua bắt được cua lớn thì bán cho vựa, còn “cua nhướng” bán cho các chủ ao để nuôi.

Mấy năm gần đây, cua biển nuôi trong ao trên đất liền hạn hẹp dần, cua luôn sốt giá nên rất đông nông dân trở lại ngón nghề đi rập cua trên sông nước.

Chiếc xuồng nhỏ chở tôi về hướng rạch Cừ, nơi giáp ranh giữa xã An Thạnh và An Điền. Xa xa phía trước, dòng sông Băng Cung nở rộng và chẻ ra thêm nhiều nhánh trước khi đổ ra cửa sông Hàm Luông, Cổ Chiên (Thạnh Phú) với nhiều địa danh thật ấn tượng: rạch Bà Hương, rạch Ngác, Láng Cháy, Heo Què, Riều, Giồng Bãi, Vàm Rỗng…

Anh Lê Văn Nhánh (Tám Nhánh), người chở tôi đi rập cua chiều nay lần lượt móc mồi chình vào các chiếc rập cua để thả xuống lòng sông. Cái rập cua là một sáng tạo của ngư dân vùng ven biển ĐBSCL.

Rập cua được làm bằng hai thanh tre buộc xéo nhau thành hình chữ X. Dưới hai thanh tre đã uốn cong là khung lưới hình vuông, cạnh khoảng 45cm và để có đủ sức nặng khi thả xuống lòng sông, người ta buộc thêm hai cục gạch cân bằng ở phía trên cái rập.

Chính giữa hai gọng tre là chỗ để móc mồi. Ngư dân từ trên xuồng điều khiển (kéo lên, kéo xuống) chiếc rập dưới nước nhờ một sợi dây buộc chắc vào cái rập. Dấu hiệu của rập cua vừa được thả xuống đáy sông là một chiếc phao nhỏ nổi lều bều trên mặt nước. Thông thường các chú cua túa ra đi tìm mồi, ăn mồi vào lúc nước vừa đổ lớn và lúc nước vừa giựt ròng.

Bởi vậy, để mai phục chúng, ngư dân chọn lúc nước đứng là thời điểm thả những chiếc rập cua xuống sông. Khi ấy, cua ham mồi, vào rập ăn, bất thần ngư dân trên xuồng giựt mạnh chiếc rập lên. Khi bị giựt mạnh, cua… giựt mình rơi xuống lưới. Rơi xuống lưới rồi nếu cua vùng vẫy thì càng rối vào lưới…

“Tại sao rập cua phải là mồi chình?”, tôi hỏi. Anh Tám tặc lưỡi: “Nghĩ cũng ngộ, con chình cũng giống con lươn, nhưng rập cua bằng mồi lươn thì chúng chẳng bao giờ ăn…

Phải chính mùi tanh của máu chình mới quyến rũ cua”. Đêm đó, anh Tám thả 20 chiếc rập, đến khuya, anh lần lượt kéo rập lên bắt gần 4kg cua trong đó có 2 chú cua gạch điều, nặng hơn 1kg. Hiện nay, cua gạch điều đang trên 400.000 đồng/kg.

Như vậy, qua một đêm đi rập, giá chót anh Tám cũng có ngót triệu bạc. Anh Tám khẽ khàng: “Trước đây, cua nuôi nhiều hơn cua tự nhiên. Tuy nhiên, cua nuôi thịt không chắc bằng cua bắt được trên sông nước, ngoài cửa biển. Nhưng đi rập cua cũng hên xui như mò kim đáy biển”.

Dành ao nuôi tôm thẻ chân trắng

“Ô kìa… gì vậy ta?”. Tôi thốt lên khi thấy một đoàn xuồng mấy chục chiếc nối đuôi nhau dài thườn thượt đang tiến gần về phía xuồng chúng tôi.

Kéo đoàn xuồng kia là một chiếc ghe máy khá lớn. Tôi thấy ngộ nhưng với anh Tám thì không lạ gì, anh nói: “Họ cũng đi rập cua như mình. Mình “đánh du kích”, trong đêm sẽ về còn họ thì “hành quân xa” ra biển, có khi cả tuần lễ mới về…”.

Những cuộc “hành quân xa” đó còn gọi là đi rập cua hội. Họ đi xa hàng chục cây số tính từ điểm xuất phát. Thay vì chèo xuồng bằng tay, để tiết kiệm sức, họ cùng chịu tiền dầu mỡ nhờ một chiếc ghe máy kéo theo hết đoàn xuồng đi rập cua.

Anh Tám nhìn xa xôi ra hướng biển, thì thào: “Hồi đó, cua ngoài biển ít hơn cua nuôi. Còn bây giờ có vẻ như ngược lại, người ta bung ra xa ngoài biển để hy vọng…”.

Tôi tìm gặp anh Lê Văn Thuyền, Trưởng ban Tuyên Giáo xã An Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre). Anh Thuyền cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, tại Thạnh Phú đã phát triển trên 1.500ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Còn chuyện nuôi tôm sú với nuôi cua thâm canh là chuyện… xưa rồi”.

Quả vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, giá cua biển tại vùng ven biển Bến Tre liên tục lên cơn sốt, hiện đã tăng 150% so năm 2013: cua gạch điều 430.000 - 450.000 đồng/kg, cua thịt loại 1 (cua y) trên 350.000 đồng/kg, cua thịt loại 2 và cua gạch chấm trên 250.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến cua biển được nuôi xen trong ao nuôi tôm sú thâm canh (có thời gian dài để cua phát triển) do khan hiếm nguồn cung và tăng giá, do phần đông bà con đã chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng.

Mặt khác, TPHCM là thị trường tiêu thụ nhiều cua biển, cua biển từ Bến Tre lên TPHCM chỉ mất khoảng 3 giờ. Giao thông thuận lợi nên các mối đổ xô về Bến Tre thu mua cua biển. Nghề rập cua, vì vậy, đang hồi sinh.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cả Thanh Long Và Vấn Đề Quy Hoạch Giá Cả Thanh Long Và Vấn Đề Quy Hoạch

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua việc sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cả chính vụ và trái vụ (giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg).

12/06/2014
Hội Nông Dân Đức Linh Nhiều Giải Pháp Hỗ Trợ Nông Dân Vươn Lên Làm Giàu Chính Đáng Hội Nông Dân Đức Linh Nhiều Giải Pháp Hỗ Trợ Nông Dân Vươn Lên Làm Giàu Chính Đáng

Một giải pháp mang lại hiệu quả cao không thể không nhắc tới, đó là Hội Nông dân huyện Đức Linh đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, cung ứng cây, con giống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hội viên nông dân có cùng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực để hợp tác.

12/06/2014
Vải 8.000, Mận 10.000 Đồng Ế Ngập Chợ, Tràn Vỉa Hè Vải 8.000, Mận 10.000 Đồng Ế Ngập Chợ, Tràn Vỉa Hè

Vào chính vụ, các loại quả đặc trưng của mùa hè như vải, mận, dưa hấu, dưa lê, dưa bở... được bày bán la liệt khắp các chợ, trên đường phố Thủ đô. Nhiều loại hoa quả giá đột ngột giảm mạnh, rẻ như rau.

12/06/2014
Mua Tạm Trữ Lúa Gạo Hoàn Thành Chỉ Tiêu, Nông Dân Vẫn Lỗ Mua Tạm Trữ Lúa Gạo Hoàn Thành Chỉ Tiêu, Nông Dân Vẫn Lỗ

Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định và quyết định cho vay. Đã vậy, trong 133 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu có sáu doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu và năm doanh nghiệp xin giảm chỉ tiêu, ba doanh nghiệp không mua đạt chỉ tiêu.

12/06/2014
Phát Triển Kinh Tế Đang Phải Đối Mặt Với Nhiều Thách Thức Phát Triển Kinh Tế Đang Phải Đối Mặt Với Nhiều Thách Thức

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 tháng qua đã có những bước chuyển biến khá tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn đạt thấp, diễn biến dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cây trồng, vật nuôi...

12/06/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Công suất 5.5kW
Nguồn điện 3 pha
Bảo vệ quá tải, quá dòng
Sản phẩm khuyên dùng
Công suất 1.5kW
Tốc độ quay 95 vòng/phút
Nhựa HDPE, PA6 (Nylon)