Hội Nông Dân Tủa Chùa Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Hội Nông dân huyện Tủa Chùa có 12 cơ sở hội, 138 chi hội với gần 7.000 hội viên. Trong đó, số lượng hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn chiếm 54% tổng số hội viên. Xác định việc giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp hội viên ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa, cho biết: Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội, Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho hội viên, như: lớp kỹ thuật phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt; nghề phi nông nghiệp… Từ năm 2013 đến nay, Hội đã mở 10 lớp tập huấn cho gần 350 hội viên.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Số lượng hội viên được giúp đỡ vay vốn đến nay đã lên đến hơn 2.000 người với tổng dư nợ trên 54 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2014, Hội xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân tại 12/12 cơ sở hội trên địa bàn. Theo đó, mỗi hội viên sẽ tham gia đóng góp ít nhất 5.000 đồng trở lên để xây dựng quỹ nhằm xóa nhà tạm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 8 vừa qua, Hội giúp đỡ hội viên Hạng A Tráng, thôn Kể Cải, xã Mường Báng xóa nhà tạm với số tiền 10 triệu đồng.
Hội triển khai xây dựng thí điểm mô hình nuôi dê tập thể theo nhóm tại thôn Kể Cải (gồm 13 hội viên) nhằm giúp đỡ hội viên nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, bằng cách: Hội Nông dân huyện sẽ hỗ trợ làm chuồng trại đồng thời cử cán bộ xuống hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh cho dê. Sau một thời gian triển khai, đến nay đàn dê đã tăng lên thành 65 con và hiện vẫn đang phát triển tốt.
Bên cạnh đó, Hội vận động gần 700 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tích cực giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế. Thông qua nhiều hình thức như: chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ cây, con giống; giúp đỡ vay vốn… hàng trăm hội viên nghèo đã được giúp đỡ vươn lên phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên nghèo, như: giống lúa, ngô, trâu, bò, dê, cá giống… Đồng thời chỉ đạo cơ sở hội ủng hộ giúp đỡ vật chất cũng như ngày công nhằm tạo động lực cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn sớm phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Vừa thoát khỏi cảnh nghèo đói, khó khăn vào cuối năm 2013, anh Vàng A Chu, bản Trung Thu, xã Trung Thu vui mừng, cho biết: Những năm trước đây gia đình tôi nghèo lắm, chẳng có đủ gạo để ăn.
Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê sinh sản, Hội Nông dân huyện tập huấn kiến thức về chăn nuôi đồng thời giúp đỡ gia đình vay 8 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi lợn nái, gia cầm và sửa chữa nhà ở, cộng với việc vợ chồng tôi chịu khó trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ 15 – 20 triệu đồng/năm, nhờ vậy thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được Hội Nông dân huyện Tủa Chùa giúp đỡ vươn lên thoát khỏi đói nghèo trong gần 2 năm qua. Hi vọng, với những biện pháp giúp đỡ thiết thực của mình, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được Hội Nông dân huyện Tủa Chùa tạo điều kiện giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông năm nay, nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng 106 ha dưa chuột bao tử xuất khẩu, tăng hơn 60 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn dưa bao tử được trồng tập trung với diện tích từ 4 - 7 ha/vùng.

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Phú Tân và người dân: Nuôi tôm quảng canh cải tiến và sử dụng chế phẩm sinh học mang tính bền vững và an toàn. Nhiều nông dân đã phát triển kinh tế khá từ mô hình này. Cũng theo bà con nông dân, nuôi tôm quảng canh cải tiến giúp bà con đúc kết kinh nghiệm, nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi, tích lũy vốn để tiến tới nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả hơn.

Mô hình liên kết của HTX Rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) được xem là điển hình về xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín cho sản xuất nông nghiệp.

Men theo con đường nhỏ quanh co đầy vỏ sò, vỏ ốc, băng qua mấy chiếc cầu khỉ dẫn vào khu đìa tôm, chúng tôi mới đến được các vùng đìa nuôi ốc hương ở phường Ba Ngòi, Cam Linh (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)…

Mặc cho cái nắng như thiêu, như đốt của vùng “chảo lửa”, nhưng với mong ước một lần được tận mắt chứng kiến trái bưởi đang vào độ lớn, tôi vượt xe máy hàng chục cây số đến với miền đất bưởi Phúc Trạch. Năm nay, bưởi Phúc Trạch đang hứa hẹn một mùa bội thu.