Hội Nông Dân Huyện Nga Sơn Khuyến Khích Nông Dân Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi
Xác định yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi, quyết định sự thành, bại của mỗi trang trại, gia trại. Đặc biệt, chất thải từ vật nuôi nếu không được xử lý tốt còn ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng dân cư.
Thấy rõ vấn đề trên Hội Nông dân huyện Nga Sơn đã chủ động phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại huyện tổ chức tuyên truyền, vận động và mở các đợt tập huấn, giúp hội viên nông dân nắm vững kiến thức bảo vệ môi trường và áp dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.
Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện Nga Sơn phát triển nhanh. Tỷ trọng thu nhập từ chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp tăng từ 29,5% (năm 2010) lên 40,9% (năm 2012) và trên 50% (năm 2013), đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân.
Để giúp nông dân cải thiện môi trường trong chăn nuôi, huyện Nga Sơn đã tuyên truyền và hỗ trợ lắp đặt mỗi năm hàng trăm bể biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học ủ phân, ao sinh học...
Tuy nhiên, do chăn nuôi phát triển nhanh nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong xử lý môi trường chưa đáp ứng được so với lượng con nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, nhất là chăn nuôi nông hộ. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đang mang lại hiệu quả đột phá.
Ông Đặng Văn Tâm, 54 tuổi, xóm 4, xã Nga Bạch là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn sử dụng đệm lót trong chăn nuôi lợn, cho biết: Trước đây, gia đình ông đã nhiều lần mất đoàn kết với hàng xóm, khách đến nhà không ngồi được lâu bởi mùi xú uế nồng nặc, ruồi muỗi đầy nhà, lợn ốm, người ốm vì ô nhiễm. Ruộng ít, nghề phụ không có, gia đình phải chăn nuôi nhưng không có điều kiện để xây dựng trang trại nên đành sống chung với ô nhiễm môi trường.
Sau khi được tham gia lớp tập huấn về công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, ông là người đầu tiên đăng ký áp dụng công nghệ trên diện tích 80 m2, tất cả đều tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Kết quả là, hiện nay gia đình đang nuôi 40 lợn thịt trên nền chuồng cũ nhưng không còn mùi hôi thối, ruồi muỗi giảm hẳn. Sau 2 lứa lợn xuất bán sự khác biệt đã cho ông một so sánh đơn giản: được sống trong không khí thôn quê như vốn có của nó, số lượng con nuôi như trước đây nhưng chỉ một người chăm sóc, hàng ngày không phải rửa chuồng, tiết kiệm điện, nước, lợn ít bệnh, mau lớn hơn, thời gian nuôi giảm và lãi cao hơn trước.
Ông Tâm cũng cho biết, khi gia đình đầu tư, ngoài việc xây dựng chuồng trại, mỗi m2 đệm lót chi phí hết 80-100.000 đồng, thời gian sử dụng 4 năm, trong thời gian sử dụng thì bổ sung thêm chất như ban đầu để đệm lót luôn tơi xốp, bảo đảm kỹ thuật.
Gia đình bà Mai Thị Mơ, 52 tuổi, xóm Hồ Đông, xã Nga Thành sau khi đã đầu tư 120 m2 đệm lót để nuôi 70 con lợn thịt cũng nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy trước đây đã xây dựng hầm biogas nhưng do lượng con nuôi nhiều, không sử dụng hết, nên sau một trận mưa chất thải tràn xuống ao dẫn đến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn và thường xuyên phải bơm nước rửa chuồng..., tình trạng đó nay đã khắc phục được triệt để và lãi thu được từ đàn lợn cũng cao hơn.
Trên đây chỉ là hai trong số gần 350 hộ nông dân trong huyện đang sử dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân có điều kiện đầu tư đệm lót, một số xã trên địa bàn huyện đã có chủ trương hỗ trợ 50% kinh phí và đấu mối cung cấp chế phẩm cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi, ngoài ra, các hộ chăn nuôi có nhu cầu lắp đặt bể biogas bằng chất liệu composite cũng được khuyến khích và hỗ trợ mỗi bể 2 triệu đồng.
Không chỉ hướng dẫn trực tiếp mà từ đầu năm đến nay, hội nông dân huyện còn tổ chức tập huấn cho 2.500 hội viên, nông dân trên địa bàn huyện nhằm giúp họ nắm vững quy trình làm đệm lót và sử dụng lâu dài, hiệu quả.
Theo các hộ chăn nuôi, mặc dù đệm lót được làm chủ yếu bằng các loại phụ phẩm nông nghiệp nhưng chi phí vẫn còn khá cao, nhất là mức đầu tư ở những trang trại lớn, nên ngoài việc hỗ trợ của địa phương rất cần chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước để có thể áp dụng rộng rãi.
Tiến tới một nền chăn nuôi sạch, một môi trường sản xuất bền vững, ngoài những đợt tuyên truyền, tập huấn cho nông dân, rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Nhà nước về cơ sở hạ tầng và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, để sản xuất luôn đi đôi với bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Đến với xã biên giới Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, khi hỏi về trang trại cà cuống của chị Nguyễn Thị Lan, gần như bà con nơi đây ai cũng biết đến
Bằng đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Chung Thị Mỹ Phương (25 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lươn không bùn
Với trên 100 ha nuôi trùn quế, anh Nguyễn Công Vinh (36 tuổi, H.Châu Thành, Tiền Giang) có doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng.
Sau gần 3 năm áp dụng thành công mô hình nuôi dúi, anh Nguyễn Văn Tàu (27 tuổi, ngụ TT.Trần Đề, H.Trần Đề, Sóc Trăng) có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Mạnh dạn áp dụng và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng trong bể bạt, ông Nguyễn Văn Biên (TP.Cần Thơ) thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.