Hỏi - Đáp nuôi trồng thủy sản tháng 5 (Phần 4)
Hỏi: Trên da cá lóc bông xuất hiện các mảng đỏ, đuôi và vây bị hoại tử, mắt cá bị đục, cá chết rất nhiều. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Trần Văn Hiệp, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời:
Theo mô tả, cá lóc bông có thể đã bị bệnh nhiễm khuẩn, tác nhân là vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra. Vi khuẩn luôn có trong nước chứa nhiều chất hữu cơ, nhất là khi trong ao dư thừa thức ăn. Cá con dễ nhiễm bệnh hơn cá trưởng thành, bệnh có thể gây chết đến 80% số cá trong ao và trong bể ương. Khi bị nhiễm bệnh, da cá có màu sẫm lại, lan ra vùng bụng và các phần khác trên cơ thể, xuất hiện từng mảng đỏ trên thân, có các khối u trên bề mặt cơ thể, xoang bụng chứa dịch, nội tạng bị hoại tử.
Để điều trị bệnh, dùng một trong các loại thuốc kháng sinh sau trộn vào thức ăn, liều lượng như sau: Kanamycin: 50 mg/kg thể trọng cá, liên tục 7 ngày; Nhóm Sulfamit: 150 - 200 mg/kg thể trọng cá, cho ăn 7 - 10 ngày. Trong thời gian dùng thuốc trị bệnh, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách trộn Vitamin C vào thức ăn, liều lượng 20 mg/kg. Cùng đó, cần cải thiện chất lượng nước, thay nước mới sạch, đảm bảo hàm lượng ôxy hoà tan trên 4 mg/lít. Để phòng bệnh, không nuôi cá với mật độ quá cao. Tránh để cá bị xây xát khi kéo lưới kiểm tra cá, đảm bảo môi trường nuôi không bị nhiễm bẩn do dư thừa thức ăn và từ các nguồn nước thải khác… Dùng thuốc tím (KMnO4) định kỳ 2 tuần/lần tắm cho cá, liều dùng 10 ppm (10 g/m3 nước) đối với cá nuôi bè, sau 3 ngày dùng lặp lại.
Hỏi: Các hình thức nuôi hàu ở nước ta? (Nguyễn Thị Dịu, xã Phổ Trạch, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi)
Trả lời:
Hiện, ở nước ta, hàu được nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau như:
Nuôi bằng cọc: Nguyên vật liệu làm cọc chủ yếu bằng xi măng, cọc gỗ, cọc tràm, cọc tre… được cắm thành từng hàng vùng cửa sông hay trên vùng triều. Cọc có chiều dài 2 m. Loại hình này nuôi chủ yếu ở vùng đầm phá thuộc khu vực miền Trung như đầm Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hay khu vực huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
Nuôi hàu bằng lốp cao su: Nguyên liệu làm vật bám cho hàu là các giá thể bằng lốp ô tô, xe máy, xe đạp đã qua sử dụng. Phương pháp nuôi này chủ yếu ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), các đầm phá thuộc ven biển miền Trung.
Nuôi hàu bằng giàn: Nguyên vật liệu làm giàn là các cọc hình trụ đúc bằng xi măng. Trọng tâm của mỗi trụ có một thanh sắt và trên đầu mỗi trụ có lỗ để xâu dây treo vào giàn. Các giàn treo được cấu tạo bởi các thanh gỗ cứng đóng thành giàn hình chữ nhật hay hình vuông. Mỗi giàn được đặt cách mặt nước 0,5 cm lúc triều xuống.
Nuôi trong các lồng treo trên giàn: Cấu tạo giàn nuôi tương tự như giàn nuôi trên các cọc đúc xi măng. Phương pháp nuôi này chủ yếu tập trung từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến TP Hồ Chí Minh, đặc biệt các vùng nuôi thuộc đầm Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Có thể bạn quan tâm
Mùa vụ thả giống nuôi trồng thủy sản đã đến. Vì vậy, một số bà con đã tiến hành cải tạo ao, lọc, cấp nước và tìm mua cá giống về thả.
Hệ sinh thái chuẩn dinh dưỡng, chuẩn nước, chuẩn mô hình giúp tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và tối ưu chi phí.
Diện tích nuôi tôm nước lợ là 49.700 ha, sản lượng 138.500 tấn và nhu cầu tôm giống khoảng 16 - 18 tỷ con. Hiện các địa phương nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh