Căng Sức Chống Dịch Cúm Gia Cầm
Trong mấy ngày gần đây, dịch cúm gia cầm (CGC) đã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung- Tây Nguyên như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk… gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng của dịch này rất cao.
Xác gà, vịt chết bị vứt bừa bãi
Ngày 16.2, ông Đào Lý Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên cho biết, đơn vị vừa tiêu hủy trên 900 con vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 tại huyện Đông Hòa. Tính riêng trong tháng qua, đã có trên 1.000 con vịt tại Đông Hòa chết rải rác và các hộ nuôi tự tiêu hủy.
Theo xác định ban đầu, dịch bùng phát tại chỗ, chứ không phải do từ nơi khác lan đến. Đây chủ yếu là lượng vịt lấy thịt, nuôi trong khoảng 2 tháng là xuất bán, nên bà con không chú trọng phòng dịch. Trong khi đó, lượng vịt đẻ đều không có dấu hiệu dịch bệnh do đã được tiêm phòng kỹ.
Đàn vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 chủ yếu tập trung tại hộ nuôi của ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà (đều ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, Đông Hòa). Trong tháng 2.2014, các hộ này phát hiện đàn vịt xuất hiện các triệu chứng ngoẹo đầu, chân co quắp, không di chuyển được và chết rải rác.
Tại khu vực này có 6 hộ chăn nuôi vịt đàn với hơn 10.000 con. Sau khi phát hiện, ngành thú y Phú Yên đã khoanh vùng chữa trị, tiêu hủy, đồng thời tiếp tục thống kê, theo dõi hằng ngày để kịp thời ứng phó dập dịch. Việc đền bù cho các hộ chăn nuôi sẽ được thực hiện bằng 70% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy.
Còn tại huyện Tuy Phước (Bình Định), những ngày này, hàng loạt xã trong huyện đã tiến hành thu gom gà chết bị vứt bừa bãi trên hệ thống mương tưới. Lãnh đạo các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng (Tuy Phước) cho biết đã thu gom mỗi xã khoảng 5.000 con gà chết. Hiện tại, đàn gà tại huyện vẫn đang tiếp tục chết rải rác.
Ông Lê Ngọc Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định cho hay, đàn gia cầm ở huyện Tuy Phước chết nhiều từ đầu năm 2014 đến nay là do dịch tả, tập trung ở gà thịt do việc đầu tư phòng dịch không kỹ lưỡng bằng gà đẻ. Hiện tại, các biện pháp khoanh vùng phòng chống dịch, sát trùng môi trường đang được cơ quan chức năng triển khai đồng bộ.
Kiểm soát chặt vận chuyển gia cầm
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, trước và sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3 ổ dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các xã: Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột), Ea Ven (huyện Buôn Đôn) và Ea Uy (huyện Krông Pách) với hơn 1.600 con gia cầm mắc.
Ông Trang Quang Thành- Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, mặc dù các ổ dịch này phát sinh trong dịp tết nhưng cũng đã được phát hiện và tiêu hủy kịp thời. Bên cạnh đó, Sở đã có những khuyến cáo đến người dân các địa phương, tự giác báo dịch và chủ động các biện pháp phòng chống; thành lập các chốt chặn ở các ngả đường quốc lộ vào tỉnh để ngăn ngừa dịch bệnh từ các tỉnh lây lan.
Ông Nguyễn Văn Nam - Trạm trưởng Trạm Thú y TP. Buôn Ma Thuột thông tin: “Chúng tôi đã phối hợp với các trạm kiểm dịch đầu mối của Chi cục Thú y tỉnh, các trạm trên các tuyến quốc lộ giao thông ra vào tăng cường kiểm tra giám sát các trường hợp vận chuyển mua bán gia cầm. Đối với các điểm giết mổ cũng thực hiện đúng quy trình, quy định, kiểm tra chặt chẽ”.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 4 ổ dịch tại các các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và TP.Kon Tum. Theo ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, tất cả các gia cầm bị ốm và cùng đàn với gia cầm nhiễm bệnh đã được tiêu hủy hết. Tuy nhiên, để đảm bảo dịch cúm không lây lan, ngành cũng đã tiến hành kiểm tra hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch; kịp thời cung cấp hóa chất, vaccine cho địa phương phục vụ công tác tiêm phòng bao vây. Cử cán bộ chuyên môn “nằm vùng” tại các ổ dịch…
Hiện ngành chức năng các tỉnh Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạm dừng việc nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn, kể cả đã có giấy kiểm dịch. Ông Nguyễn Đức Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với việc vận chuyển gia cầm ra khỏi địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang “hot” tại miền Bắc là trồng tía tô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Mỗi năm Mộc Châu trồng 1.350 tấn cà chua, thì nông trại của anh Trương Văn Dư chiếm gần nửa, cung ứng 600 tấn cho Hà Nội.
Những thứ phụ phẩm nông sản bỏ đi nhưng chỉ qua một số khâu trong chế biến, đã trở thành các loại nguyên liệu xuất khẩu, giúp doanh nghiệp thu hàng triệu đô la
Mày mò cách trồng dâu tây thủy canh trên Internet và tự dịch tài liệu tiếng Anh, lão nông thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình do nhóm kỹ sư Trường ĐH Nha Trang khởi xướng trước thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay.Nhóm đã thành lập Cty TNHH Sala Việt Nam để điều hành