Giảm Lãi Suất Cho Vay Lĩnh Vực Nông Nghiệp Về 8%/năm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/năm.
5 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm và tối đa ở mức 8%/năm theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Do đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012, Ngân hàng Nhà nước đề nghị 5 ngân hàng thương mại nhà nước nêu trên thực hiện cho vay mới đối với các đối tượng được hưởng chính sách theo công văn số 1149/TTg-KTN nêu trên (bao gồm các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá tra, tôm xuất khẩu) với lãi suất tối đa 8%/năm theo đúng quy định Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng nêu trên cần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chính sách cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước để xem xét và giải quyết.
Tại công văn số 1149/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Ở vùng biển Gò Công, các sân nghêu như mỏ "vàng trắng" mang lại cho người dân vùng biển cuộc sống sung túc. Song, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại lo lắng mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ vì nghêu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, do thời tiết trong tháng 5 có những diễn biến bất lợi, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ và độ mặn cao, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, gây thiệt hại cho tôm nuôi.

Không như những năm trước, vụ nuôi thủy sản năm nay bà con ngư dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình trạng nước lợ phục vụ nuôi trồng thủy sản bị ngọt hóa. Gần 644 ha tôm nuôi sau hai tháng chăm sóc không những không phát triển mà ngày càng còi cọc dần.

Từ ngày 11-5 đến ngày 20-5, hiện tượng tôm chết đột ngột ở Móng Cái (Quảng Ninh) khởi phát tại phường Hải Hòa với 39,94 ha/16 hộ dân. Trong số 3 mẫu tôm xét nghiệm dịch bệnh, kết quả cho thấy có 2 mẫu tôm bị nhiễm dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, 1 mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng.

Với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, TP Cần Thơ đặt ra mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường.