Hoa Kiểng Cái Mơn Sẵn Sàng Bung Hàng
Đến hẹn lại lên, cứ đến những tháng cuối năm, tết chưa tới, nhưng với người trồng hoa kiểng ở ĐBSCL thì tết luôn đến sớm.
Bởi tại thời điểm này, những vườn hoa đều đã sẵn sàng bung hàng chất lượng tốt nhất phục vụ Tết Nguyên đán tới đây.
Những ngày này, đến vương quốc hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách – Bến Tre) gồm các xã: Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Long Thới, Sơn Định, Hưng Khánh Trung B, chúng tôi choáng ngợp trước những vườn hoa kiểng đầy màu sắc, nhà nào cũng chật kín chậu kiểng đủ loại trước sân, sau vườn, ngoài ruộng.
Hàng năm, làng hoa Cái Mơn có khoảng hơn 5.000 người dân tham gia trồng hoa tết và trên 10.000 lao động ăn theo như đan giỏ, chuyên chở mụn dừa, tro trấu, tạo dáng kiểng, bứng cây…
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Mỗi năm Chợ Lách cung ứng ra thị trường hơn 10 triệu sản phẩm.
Riêng chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nông dân Chợ Lách đã sản xuất và sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, bao gồm mai vàng, kiểng tắc, bonsai, hoa nở… trong đó có khoảng 1 triệu cây kiểng dùng để bán lá.
Với sự thay đổi về mẫu mã, chất lượng, sản phẩm hoa kiểng ở Chợ Lách không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà đã vươn xa ra nước ngoài, góp phần mang hương xuân đến với mọi nhà”.
Đến với xứ sở hoa Cái Mơn, đi đâu trong làng hoa kiểng trên mảnh đất cù lao này cũng thấy sự tất bật, khẩn trương hiện rõ trên từng khuôn mặt các nhà vườn. Họ đang chăm chút trong từng công việc của mình, với mong muốn góp thêm hương sắc cho mùa xuân mới.
Năm nay, xã Vĩnh Thành có 1.500 hộ dân chuyên trồng hoa cúc, vạn thọ, mai vàng, tắc kiểng, kiểng công trình, kiểng bonsai… Họ lao động âm thầm, cùng với bàn tay khéo léo, công phu, mới thấy sức người thật vất vả để có được những sản phẩm làm đẹp cho mùa xuân mới.
Tùy theo từng giống hoa khác nhau mà nhà vườn sắp xếp lịch xuống giống, chăm sóc cho phù hợp để đảm bảo hoa ra đúng dịp tết.
Bà Nguyễn Thị Nga, ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành cho biết: “Tết năm ngoái, tôi thu lợi nhuận cao nhờ trồng hoa treo. Năm nay, tôi chuẩn bị khoảng 5 ngàn chậu hoa treo để cung cấp dịp Tết Ất Mùi, gồm các chậu hoa dừa cạn, hoa dạ yến thảo với nhiều màu tím, hồng, trắng, đỏ, vàng”.
Ông Nguyễn Văn Sâm ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành cho biết: “Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi trồng và bán hết khoảng 3 ngàn chậu cúc và vạn thọ. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi (không quá nóng, không quá lạnh) để trồng kiểng bông nở. Trong tháng 10 âm lịch, tôi tiếp tục xuống giống khoảng 3 ngàn chậu vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger để đem đến chợ hoa xuân ở Bến Tre và T.P Hồ Chí Minh tiêu thụ”.
Đối với kiểng tắc, được xem là sản phẩm truyền thống, tập trung nhiều tại các xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Hòa. Để chuẩn bị mang ra thị trường với nhiều sản phẩm đẹp mắt, chất lượng, hiện nay những hộ làm kiểng tắc ở Chợ Lách đang tất bật chăm sóc, tạo dáng và thực hiện các công đoạn dồn tắc, vò tắc.
Dồn tắc được xem là công đoạn khá quan trọng được thực hiện vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch. Trung bình 1 chậu kiểng tắc hàng lỡ dồn khoảng 5 – 6 bụi tắc được trồng cách đây 1 năm, khoảng rằm tháng 11 âm lịch thì thực hiện công đoạn cuối là vò tắc. Khi thành phẩm bán ra thị trường có giá hơn 200 – 500 ngàn đồng/chậu.
Anh Nguyễn Thái Sơn ở xã Hưng Khánh Trung B nhận định: Đến thời điểm này kiểng tắc ở xã Hưng Khánh Trung B đã tiêu thụ ra thị trường đạt hơn 50% tổng số lượng sản phẩm. Đây là tín hiệu vui của những người làm kiểng tắc trong những ngày xuân mới.
Bên cạnh các loại hoa kiểng chủ lực, nét mới của hoa kiểng tết trong những năm gần đây là hoa treo. Hoa treo đang thịnh, được thị trường tiêu thụ mạnh, góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm hoa kiểng của Chợ Lách.
Đó là các loài hoa: Dạ yến thảo, dừa cạn, son môi, sò… Hoa treo giá bán từ 25 ngàn – 40 ngàn đồng/chậu. Hoa treo có tuổi thọ khoảng 6 tháng.
Có thể bạn quan tâm
Ông Hoàng Văn Bình, nông dân nuôi tôm lâu năm ở ấp 4, xã Trà Cổ vừa thu hoạch tôm vừa chia sẻ, hiện giá tôm bán tại đầm chỉ còn 155 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng/kg so với đầu vụ. Tuy nhiên, nuôi tôm vẫn mang lại lợi nhuận gấp 3-4 lần so với nuôi cá.
Tại hội thảo “Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” do Báo Tuổi Trẻ và Báo Mainichi (Nhật Bản) phối hợp tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý đều nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một thị trường lớn nhưng khó tính, vì vậy trong sản xuất phải hết sức nghiêm ngặt.
Những ngày này về Hải Hậu, trên những cánh đồng sản xuất vụ đông ở các địa phương đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Tranh thủ buộc giàn cho cà chua, bác Trịnh Văn Giang, đội 6, xã Hải Tân tâm sự: “Từ nhiều năm qua, gia đình tôi xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, bởi hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Vụ đông năm 2013, 3 sào cà chua gia đình tôi thu lãi 12 triệu đồng.
Lâu mới có dịp trở lại Yến Mao, một vùng quê miền núi thuộc diện nghèo của huyện Thanh Thủy, thấy cảnh sắc có nhiều đổi thay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Được hỏi về nguyên nhân những thay đổi này, đồng chí Phạm Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy xã đánh giá: Có được sự thay da đổi thịt như Yến Mao hôm nay, trước hết nhờ tác động từ chính sách đầu tư của Nhà nước, nhất là nguồn vốn của chương trình 135, rồi vốn đầu tư hạ tầng vùng chậm lũ; cộng với đó là sự đồng tâm hiệp lực, cố gắng của lãnh đạo, bà con nhân dân.
Mang quyết tâm đổi đời lên quê hương mới, vợ chồng trẻ dựng tạm căn lều nhỏ, ngày đêm chịu khó khai hoang đất đồi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. “Ngày đó vùng này hoang vu lắm, có đêm nằm ngủ trong lều, thú dữ cứ gầm rú bên ngoài sợ đến kinh hoàng. Bữa ăn thì chỉ toàn rau rừng, lâu lâu đi chặt bó củi về miền xuôi bán mới mua được miếng thịt cải thiện bữa ăn”– anh Tánh nhớ lại tháng ngày cơ cực.