Hoa Địa Lan Đà Lạt Chơi Tết Nở Sớm Ồ Ạt

Sản lượng địa lan Đà Lạt cung cấp cho thị trường Tết sắp tới sẽ sụt giảm mạnh khoảng 40-50% so với cùng kỳ năm trước.
Khoảng một tháng nữa, vụ hoa Tết Nguyên đán 2015 mới vào chính vụ, nhưng hiện hoa địa lan của nhiều nhà vườn tại thành phố Đà Lạt đã đồng loạt nở sớm.
Đó là lý do khiến sản lượng địa lan Đà Lạt cung cấp cho thị trường Tết sắp tới sẽ sụt giảm mạnh khoảng 40-50% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến địa lan Đà Lạt nở sớm là do thời tiết diễn biến bất thường, trời nắng nhiều, năm nay nhuận thêm một tháng.
Tại trang trại Langbiang Farm (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7), nhiều ngày qua, khoảng 50% diện tích địa lan đã nở dù nhà vườn dùng các biện pháp “hãm” hoa nở sớm.
Một số loại đã bung hoa, nhà vườn cắt cành bán ra thị trường với giá rẻ. Số còn lại tiếp tục được chăm sóc để chuẩn bị đợt hoa Tết sắp tới.
Tương tự, trang trại chuyên trồng địa lan Anh Quỳnh (đường Vạn Kiếp, phường 7) có khoảng 20.000 chậu địa lan các loại nhưng hiện, nhiều chậu đã nở hoa từ hơn một tháng qua khiến chủ vườn đứng ngồi không yên.
Một số đơn vị chuyên kinh doanh hoa tươi Đà Lạt như Công ty hoa Ngọc Ẩn, Công ty DILA… cũng cho biết hàng nghìn chậu địa lan đã nở sớm trước vụ Tết do ảnh hưởng của thời tiết bất thường.
Theo thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, mỗi năm Đà Lạt cung cấp cho thị trường khoảng 400.000-500.000 cành địa lan các loại, tương đương với khoảng 80.000-100.000 chậu.
Tết Nguyên đán là dịp loại hoa cao cấp này tiêu thụ mạnh. Với tình trạng hoa nở sớm như hiện nay, nhiều khả năng sản lượng địa lan dịp Tết sẽ giảm so với Tết 2014.
Hiện, tại Đà Lạt, địa lan đã được rao bán với mức giá từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng mỗi cành. Trong đó, loại địa lan vàng FX750, vàng SJC đồng giá 1,1 triệu đồng/cành, cam lửa 900.000 đồng/cành.
Một số loại “bình dân” như tím hột, vàng ba râu, vàng mít… giá từ 350.000-600.000 đồng/cành.
Tuy nhiên, dự báo vào cao điểm vụ hoa Tết sắp tới, giá địa lan có thể tăng thêm so với hiện tại do khan hàng.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.

Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.

Ông Toái cho biết, 1 năm trước, thấy có người bán trứng gà rừng, ông mua về cho gà ri ấp. Chẳng bao lâu, gà rừng con nở và ông phát triển đàn từ đó. Sau khi bán hơn một nửa, hiện nay, đàn gà rừng của ông có hơn 40 con. Theo ông Toái, cùng một lứa, khi gà trống biết gáy (6 tháng), tháng sau gà mái cũng vào tuổi sinh sản. Gà rừng mái thường đẻ trứng ngoài bụi cây, lùm cỏ, ông Toái theo dõi, nhặt trứng về, rồi làm tổ, ép cho gà ri mẹ ấp.