Tái Đàn Sau Dịch Heo Tai Xanh Gười Chăn Nuôi Gặp Khó Ở Quảng Nam
Đợt dịch tai xanh vừa qua tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có gần 4.400 con heo bị nhiễm vi rút Lelystad, trong đó 1.573 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Sau khi mầm bệnh được dập tắt, người chăn nuôi muốn mau chóng gầy dựng lại đàn gia súc (tái đàn) nhưng họ đang gặp phải khó khăn vì giá heo giống và heo choai nuôi thịt liên tục tăng lên...
Thiệt hại nặng nề
Để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, cách đây gần một năm bà Trương Thị Nhi (thôn Triều Châu, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) đầu tư nuôi heo nái sinh sản. Bà đầu tư hơn 700 nghìn đồng mua 2 con heo giống về nuôi giâm. Đến cận Tết Quý Tỵ, cả 2 con heo đẻ được tổng cộng 18 heo con. Thấy bầy heo con bú khỏe, chóng lớn, trong khi đó đàn heo mẹ lại chẳng sa sút nên bà Nhi rất phấn khởi. Bà ước tính, nuôi hơn 1 tháng, xuất bán toàn bộ số heo sữa này có thể thu được 9 triệu đồng. Thế nhưng, giữa tháng 2 dương lịch vừa rồi, dịch tai xanh bất ngờ ào tới khiến 2 con heo nái và 18 con heo con của bà bỏ ăn, sau đó phải tiêu hủy khẩn cấp. Bà Nhi than phiền: “Không những mất đứt 9 triệu đồng sắp thu được từ việc bán bầy heo sữa mà tui còn bị thâm ít nhất 7 triệu đồng tiền mua con giống và rau cám nuôi 2 con heo nái đó cả năm trời”.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y Duy Xuyên cho biết, ngay sau khi dịch tai xanh bùng phát, mặc dù ngành liên quan và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp để phòng chống, thế nhưng mức độ thiệt hại do vi rút Lelystad gây ra là không nhỏ. Ông Hòa nói: “Từ giữa đến cuối tháng 2 dương lịch, tại xã Duy Trung, Duy Thành, Duy Phước, Duy Châu, Duy Tân và thị trấn Nam Phước có tổng cộng 377 con heo của 100 hộ dân bị nhiễm dịch tai xanh, trong đó 97 con phải tiêu hủy bắt buộc. Trong số heo bị tiêu hủy ấy thì có ít nhất 20 con heo nái”. Không riêng gì Duy Xuyên, tại nhiều nơi khác dịch tai xanh cũng gây hại rất nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam nói: “Trong đợt này dịch tai xanh đã khiến 4.435 con heo của 1.262 hộ dân ở 161 thôn, khối phố thuộc 37 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước bị mắc bệnh nặng. Và số heo chết, phải tiêu hủy bắt buộc là 1.573 con, trong đó có 475 con heo nái”.
Tái đàn gặp khó
Nhờ ngành chuyên môn, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp mạnh trong công tác phòng chống nên đến cuối tháng 2.2013, dịch tai xanh đã cơ bản được khống chế. Sau đó, nhiều người chăn nuôi ở các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước bị thiệt hại trong đợt dịch vừa qua lập tức bắt tay vào việc tái đàn. Thế nhưng, hiện nay họ đang gặp khó vì giá heo giống nuôi theo hướng sinh sản và heo choai nuôi lấy thịt cứ tăng lên từng ngày.
Sau khi tiến hành tiêu hủy con heo nái bị nhiễm bệnh chết, ông Ngô Quang Ngọc (thôn Trung Vĩnh, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) liền lấy vôi bột rải khắp chuồng và dùng hóa chất Benkocid phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên để chờ ngày tỉnh công bố hết dịch thì mua 2 con heo nái móng cái giống về thả nuôi lại. Tuy nhiên, hơn 10 ngày nay đã nhiều lần lui tới chợ heo Bà Rén nhưng ông Ngọc cũng đành chở giỏ về không. Hỏi ra mới biết, không phải nguồn cung heo Móng Cái giống bị khan hiếm trầm trọng mà do giá cả quá đắt đỏ khiến ông tạm gác lại kế hoạch tái đàn. Ông Ngọc nói: “Hồi chưa có dịch tai xanh, một con heo Móng Cái giống có trọng lượng 6kg cao tay lắm khoảng 300 nghìn đồng. Còn nay, giá đã tăng lên gần gấp đôi. Tôi quyết định “treo máng” thêm một thời gian nữa, chờ khi cơn sốt giá hạ nhiệt thì mới tiến hành mua heo giống nuôi giâm lại”.
Bỏ trống dãy chuồng đã hơn một tháng nay nên cuối tuần rồi bà Trần Thị Hiền – một người dân ở xã Bình Phú (huyện Thăng Bình) chở giỏ xuống chợ Hà Lam lựa mua 6 con heo choai về thả nuôi thịt. Tuy nhiên, vì giá loại heo này cũng quá đắt khiến bà chỉ mua được một nửa số lượng so với dự kiến ban đầu. Bà Hiền cho biết: “Thời điểm gần cuối tháng chạp năm ngoái, một con heo choai to bằng cái bắp vế chỉ chừng 270 nghìn đồng, thế nhưng bây giờ xuống chợ chỉ tay vào nó là người ta hô giá 450 - 500 nghìn đồng. Do đã lỡ trồng 2 sào rau lang, hơn nữa vì tiếc cơm thừa canh cặn nên tôi mới chấp nhận bỏ tiền ra mua 3 con về nuôi chứ giá heo thịt đang có xu hướng tụt giảm mạnh, tính ra chẳng lợi lộc chi, thậm chí nhiều khả năng thâm luôn cả vốn”.
Mặc dù bị thiệt hại nặng trong đợt dịch vừa qua nhưng vì giá heo giống và heo choai đang tăng mạnh nên rất nhiều người chăn nuôi xứ Quảng tỏ ra không mặn mà mấy trong chuyện tái đàn vào thời điểm này... Trong khi đó, theo Nguyễn Thành Nam, việc tái đàn cần phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng con giống, tuân thủ nghiêm quy trình tiêm phòng vắc xin và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng. Thời gian tới, nếu người chăn nuôi tỏ ra lơ là thì dịch tai xanh cũng như các loại bệnh nguy hiểm khác rất dễ tái bùng phát trên đàn heo.
Tiền hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh sẽ cấp phát chậm
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo Thông báo số 1531/TB - LSTC - NN&PTNT ngày 3.10.2012 của liên Sở Tài chính – NN&PTNT thì mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy là 23 nghìn đồng/kg hơi thương phẩm. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các chủ vật nuôi chấp hành tốt việc tiêm phòng (có hồ sơ chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin); đối với heo nhập về để tái đàn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y; hoặc heo mà chủ vật nuôi có ký kết hợp đồng dịch vụ thú y trọn gói. Ông Muộn nói: “Do quy định như vậy nên hiện nay chính quyền các địa phương đang tiến hành kiểm tra, rà soát các thủ tục cần thiết. Vì vậy, việc cấp phát tiền cho những trường hợp được hỗ trợ chắc chắn sẽ bị chậm trễ”.
Cũng theo ông Muộn, ngoài cơ chế hỗ trợ heo bị tiêu hủy thì hiện không có chính sách nào giúp người chăn nuôi tái đàn sau dịch tai xanh.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 10.11, UBND huyện Phú Ninh tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2015, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2016 và kỷ niệm 70 Ngày truyền thống ngành NN&PTNT Việt Nam.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc ổn định và nâng cao đời sống nông thôn, nông dân.
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã phát triển mô hình nuôi ếch nhưng với vốn đầu tư thấp dễ nuôi, mang lại thu nhập cao.
Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Phú Yên thả nuôi được 2.665ha thủy sản các loại, trong đó tôm sú 268ha, tôm thẻ 1.797ha, cá các loại 307ha, thủy sản khác 293ha.
Cá lóc là loài cá ăn tạp, có sức sống cao, khả năng chịu đựng tốt với môi trường. Hiện nay, cá lóc là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.