Hỗ Trợ Nông Dân Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm An Toàn Sinh Học
Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (gọi tắt là Công ty Trúc Anh), Doanh nghiệp tư nhân tôm giống Dương Hùng (gọi tắt là DNTN Dương Hùng) đầu tư, hỗ trợ và xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học (ATSH), nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật và xây dựng mô hình để nhân rộng ra cho nông dân học tập kinh nghiệm.
DNTN Dương Hùng đang hướng dẫn cách nuôi cho các hộ thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến phải đối mặt với nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp. Năng suất từ các phương thức nuôi tôm này giảm đáng kể, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng tôm nuôi trong tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống người nuôi tôm. Để khắc phục tình trạng tôm nuôi chết và xây dựng mô hình tôm nuôi ATSH, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với DNTN Dương Hùng và Công ty Trúc Anh tổ chức hội thảo về chủ đề này. Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trúc Anh, cho biết: “Chúng tôi tham gia đầu tư xây dựng mô hình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm ATSH cho nông dân. Đồng thời tạo điều kiện để nông dân liên kết và có trách nhiệm với cộng đồng. Nông dân sẽ cải tạo ao và xuống giống đồng loạt, nuôi theo phương thức sử dụng thuốc vi sinh thân thiện với môi trường…”.
Với mô hình trên, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện lựa chọn địa điểm, các hộ nông dân để triển khai thực hiện. Theo đó, DNTN Dương Hùng hỗ trợ tôm sú giống, Công ty Trúc Anh hỗ trợ kỹ thuật và các sản phẩm vi sinh. Mô hình được triển khai thí điểm tại 6 huyện trong tỉnh với 13 điểm trình diễn, mỗi điểm có diện tích từ 5 - 10ha. Hơn 1.000 hộ nông dân nuôi tôm trong tỉnh được DNTN Dương Hùng và Công ty Trúc Anh hướng dẫn cách sử dụng các sản phẩm vi sinh, phương pháp phòng ngừa và trị bệnh thường gặp trong quá trình nuôi tôm, cách chọn và bắt con giống tốt, nuôi mật độ như thế nào để đạt hiệu quả cao…
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được một điểm trình diễn ở ấp Năm Căn (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi). Hội cũng đã thành lập tổ hợp tác sản xuất với 7 thành viên. Ông Nguyễn Văn Dẹt (ấp Năm Căn, xã Hưng Thành) có hơn 1ha được đầu tư nuôi tôm theo mô hình, cho biết: “Tôi được Hội Nông dân tỉnh và Công ty Trúc Anh, DNTN Dương Hùng tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 15.000 con tôm post và thuốc vi sinh… Hiện nay, tôm nuôi được gần 2 tháng, phát triển khá tốt”. Các thành viên trong tổ hợp tác sản xuất đều được kỹ sư nuôi tôm Công ty Trúc Anh hướng dẫn và theo dõi trong suốt quá trình nuôi đến khi thu hoạch. Mỗi khi tôm nuôi gặp sự cố, các thành viên trong tổ hợp tác và kỹ sư trao đổi nhằm tìm ra giải pháp khắc phục, không để tôm nuôi bị thiệt hại nặng.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức trình diễn các mô hình nuôi tôm ATSH ở các huyện còn lại. Đây là mô hình không chỉ mang tính hỗ trợ, mà còn tạo điều kiện cho nông dân cùng hợp tác sản xuất đạt hiệu quả.
Ông Trần Văn Út, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Xuất phát từ thực tế nông dân nuôi tôm gặp nhiều rủi ro nên Hội đã phối hợp với Công ty Trúc Anh và DNTN Dương Hùng xây dựng mô hình nuôi tôm ATSH, nhằm giúp nông dân nuôi tôm lỡ bị thất bại có điều kiện tái đầu tư sản xuất”.
Sau khi mô hình nuôi tôm ATSH đạt hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh sẽ phát động và nhân rộng mô hình trong nông dân, từng bước chuyển đổi phương pháp nuôi tôm theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Bên cạnh những mặt tích cực mà Nghị định số 36/2014/NĐ- CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đem lại, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng vẫn còn một số bất cập liên quan đến phương thức quản lý và giá thành xuất khẩu.
Ngày 22-6, bà Nguyễn Thị Hòa, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết gia đình đang thu hoạch ớt với giá 45.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao so với nhiều năm qua, đã mang lại mức thu nhập khá cho người trồng ớt.
Tiếng thơm về quế Nậm Đét (Bắc Hà - Lào Cai) cùng câu chuyện “di thực” giống quế về trồng ở vùng đất này đã đi qua hơn 40 mùa quế dóc vỏ. Không riêng ở Nậm Đét, những đồi quế, nương quế trở thành nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình trong tỉnh, làm “thay da, đổi thịt” biết bao miền quê. Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn về việc trồng quế, nói chuyện về thu mua quế. Đó là câu chuyện của thời kỳ cây quế “lên ngôi”...
Thời gian qua, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã cải thiện thu nhập nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen lấy gương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gương sen tại thành phố phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Để nghề trồng sen phát triển bền vững, nông dân rất cần có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nhằm giúp giá cả đầu ra sản phẩm ổn định…
Hiện rệp sáp bột hồng phát sinh lây lan nhanh gây hại sắn trên diện rộng, đây là loại sâu hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ và là đối tượng dịch hại mới ở Việt Nam. Tiến sĩ Ignazio Graziosi, chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á (CIAT-Asia), đã đến Phú Yên để nghiên cứu mức độ gây hại và cách phòng trừ rệp sáp bột hồng. Báo Phú Yên phỏng vấn tiến sĩ Ignazio Graziosi xung quanh vấn đề này.