Hỗ Trợ Chăn Nuôi Nông Hộ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.
Đối tượng áp dụng gồm: các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm (hộ chăn nuôi), trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các DN; người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.
Các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu bò; hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống, hay gà, vịt giống bố mẹ hậu bị; hỗ trợ về xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 5 liều tinh cho một lợn nái/năm.
Hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo (tinh đông lạnh và Nitơ lỏng, găng tay, dẫn tinh quản) cho các hộ chăn nuôi để phối giống cho trâu, bò cái sinh sản; mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh/bò thịt/năm, 4 liều tinh/bò sữa hoặc trâu/năm.
Để được hỗ trợ, hộ chăn nuôi phải chăn nuôi từ 10 con lợn nái trở xuống; hoặc dưới có 10 con trâu, bò sinh sản trở xuống; có nhu cầu, làm đơn đăng ký và được UBND cấp xã xác nhận; sử dụng loại tinh theo yêu cầu của địa phương, có nhãn mác rõ ràng và tiêu chuẩn chất lượng phù hợp hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Về hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị: Hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn, trâu, bò đực giống để thực hiện phối giống dịch vụ. Mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 3 con lợn đực giống, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đ/con đối với lợn đực giống từ 6 tháng tuổi trở lên.
Mỗi hộ được hỗ trợ mua một con trâu hoặc một con bò đực giống, mức hỗ trợ không quá 20.000.000 đ/con đối với bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên hoặc không quá 25.000.000 đ/con đối với trâu đực giống từ 24 tháng tuổi trở lên.
Hộ chăn nuôi được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đ/con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.
Để được hỗ trợ, hộ chăn nuôi phải chăn nuôi các đối tượng lợn, trâu, bò đực giống để phối giống dịch vụ hoặc nuôi gà, vịt giống gắn với ấp nở cung cấp con giống; có nhu cầu, làm đơn đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm kỹ thuật chăn nuôi an toàn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, được UBND cấp xã xác nhận.
Hộ chăn nuôi phải mua loại giống phù hợp yêu cầu của địa phương; có nguồn gốc từ các cơ sở SX giống vật nuôi, có lý lịch rõ ràng đối với lợn, trâu và bò hoặc phẩm cấp giống phù hợp đối với gà, vịt; có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ mua một trong các đối tượng: Hoặc lợn đực giống, hoặc trâu đực giống, hoặc bò đực giống, hoặc gà giống, hoặc vịt giống.
Hộ chăn nuôi được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đ/công trình/hộ; hoặc được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đ/hộ.
Để được hỗ trợ, hộ chăn nuôi phải chăn nuôi với quy mô thường xuyên không ít hơn 5 con lợn nái hoặc 10 con lợn thịt hoặc 3 con trâu, bò hoặc 200 con gia cầm sinh sản và tương đương; có nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, làm đơn đăng ký và được UBND cấp xã xác nhận; có xác nhận của UBND cấp xã về việc xây mới công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học đáp ứng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ NN-PTNT.
Để khuyến khích phát triển phối giống nhân tạo gia súc, Quyết định này có quy định hỗ trợ một lần đến 100% kinh phí đào tạo, tập huấn cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc, mức hỗ trợ không quá 6.000.000 đ/người.
Để được hỗ trợ, người đi đào tạo, tập huấn phải dưới 40 tuổi, đã hoàn thành chương trình THCS đối với khu vực miền núi hoặc THPT đối với khu vực đồng bằng, có nhu cầu, làm đơn và được UBND cấp xã xác nhận.
Về hỗ trợ mua bình chứa Nitơ lỏng để vận chuyển, bảo quản tinh phối giống nhân tạo gia súc: hỗ trợ 1 lần đến 100% giá trị bình chứa Nitơ lỏng từ 1 đến 3,7 lít cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 bình/1 người.
Người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc đã qua đào tạo, tập huấn có chứng chỉ; có nhu cầu, làm đơn đăng ký và được UBND cấp xã chấp thuận; phải mua loại bình phù hợp quy định của địa phương và có cam kết bảo quản, sử dụng bình trong thời gian không ít hơn 5 năm.
Có thể bạn quan tâm
Xã Trà Linh bây giờ vẫn còn là một miền đất cao vợi, xa xôi nhất ở Nam Trà My, mặc dù đường sá đã được thảm nhựa. Và các nóc làng người Xê Đăng sống quanh lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.589m, quanh năm mây phủ nên muốn lên đây chỉ có cách duy nhất là leo núi với những dốc cao dựng đứng. Người khỏe mạnh đi bộ từ trung tâm xã (đoạn cuối đường giao thông) về các thôn mất ít nhất 4 giờ.
Năm 2015, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi theo quy trình tiên tiến, Vĩnh Long sẽ tăng cường quản lý chất lượng cá tra giống theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật.
Nghề đánh bắt tôm nhí (tôm hùm con) từ lâu nay được biết đến là một trong những nghề có thu nhập "khủng" của ngư dân vùng biển. Song, để có nguồn thu nhập đó là điều không đơn giản. Có đi, nghe và thấy mới hiểu được những những khó khăn của ngư dân trong những đêm trắng mưu sinh trên biển "săn lộc trời"!
Sự chuyển biến đó là kết quả thực hiện các quyết định của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích ngư dân khai thác hải sản vùng biển xa, và hiện nay là triển khai Nghị định 67 về phát triển thủy sản nhằm thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống ngư dân gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo. Là kết quả khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên để nuôi trồng và sản xuất tôm giống, cá nước ngọt, cá lồng bè trên biển.
Để nghề nuôi tôm trên địa bàn phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài, năm 2013 - 2014 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện nuôi tôm chân trắng theo mô hình VietGAP tại Móng Cái. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm của thành phố.