Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) đánh bắt cá vào mùa sinh sản
Nhiều hình thức đánh bắt cá
Hiện nay đang là thời điểm giữa mùa cá sinh sản trong hồ Dầu Tiếng, thời điểm cấm đánh bắt theo Chỉ thị của UBND tỉnh, nhưng cả ngày lẫn đêm, hầu như lúc nào cũng có ngư dân hoạt động. Chiều ngày 4.8.2015, tôi thuê một chiếc đò chở đi một vòng trong hồ để tìm hiểu về hoạt động đánh bắt cá.
Chẳng khó khăn gì khi tìm kiếm những hình ảnh khai thác thuỷ sản ở đây. Đò vừa tách bến được vài trăm mét, là thấy ngay hai người đàn ông ngồi trên chiếc vỏ lãi ung dung thả lưới bén sát mép nước. Họ thả lưới ở đây để giăng những “nàng” cá bụng mang dạ chửa đang vào bờ tìm nơi sinh sản.
Chỉ tính riêng một đoạn dài khoảng 3km từ bến đò đến đảo Nhím, đã có 17 trường hợp đánh bắt cá với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là dùng lưới bén, loại mắc lưới có chiều ngang từ 2 - 3cm để giăng cá.
Các ngư dân này thường đi một mình hoặc hai người trên một chiếc ghe, vỏ lãi, họ thả lưới gần mé nước để đón đầu các đàn cá vào bờ kiếm thức ăn và các cặp vợ chồng cá vào bờ tìm nơi đẻ trứng. Anh H- một người dân sinh sống nhiều năm trên đảo Nhím giải thích:
“Hiện nay đang vào mùa mưa, nước hồ bắt đầu dâng cao, các loại cá theo con nước lên, bơi sát vào bờ tìm giun, dế để ăn. Mặt khác, nước mưa từ trên các bãi đất ven hồ chảy xuống, theo tập quán, các cặp “vợ chồng” cá bơi ngược dòng nước, tìm nơi nước ấm để sinh nở. Chính vì vậy, đây là thời điểm bội thu đối với các ngư dân”.
Buổi tối, hoạt động đánh bắt cá ở công trình thuỷ lợi này cũng không kém phần nhộn nhịp. Nếu như ban ngày, đa số các ngư phủ chỉ dùng lưới bén để giăng, thì khi màn đêm buông xuống, họ dùng đèn soi để bắt cá. 20 giờ cùng ngày, mặc dù mưa giăng khắp mặt hồ, nhưng một số người vẫn dầm mưa đi soi cá.
Theo chân một người đàn ông tên S, trạc 40 tuổi, mới thấy cách bắt cá này đơn giản mà hiệu quả vô cùng. Ngư dân đội chiếc đèn pin lên đầu (loại đèn công nhân thường dùng cạo mủ cao su), tay cầm cây vợt, cán ngắn khoảng 30cm, đường kính miệng vợt 30cm, đáy vợt sâu 40cm.
Ông cứ bước chân nhè nhẹ theo bãi đất, nơi có nước ngập từ 5 - 10cm, soi đèn vào mặt nước. Cứ đi vài ba bước là thấy một chú cá rô phi hoặc cá lóc đang nằm dưới nước. Ông S chỉ cần lấy vợt chụp xuống, chú cá giật mình vọt mạnh, thế là chui vào vợt. Ông S, lắc miệng vợt ngang là “khoá” chú cá xấu số này trong đáy vợt.
Chỉ có một vài chú cá may mắn nghe tiếng bước chân, giật mình vọt lẹ nên thoát chết. Cứ thế, ông tiếp tục soi và chụp thêm nhiều chú cá khác. Sau khoảng 15 phút, trong vợt của ông đã có cả chục chú cá rô phi, con nào cũng to gần bằng bàn tay người lớn.
Khi vợt đã nặng, ông đổ cá ra giỏ nhựa rồi tiếp tục hành nghề. Ông S giải thích: “Sở dĩ những chú cá này dễ bắt là vì chúng bị ánh đèn soi làm loá mắt, không thấy đường bơi nên nằm im”. Sau hai giờ đi soi, người ngư dân này đã thu hoạch được khoảng 4kg cá.
Hầu hết là cá rô phi. Khi đem số cá này làm thịt, tôi thấy thật sự thương tiếc, vì trong bụng chúng có rất nhiều chùm trứng căng đầy, chuẩn bị tới kỳ sinh sản. Nếu số cá này không bị giết thịt thì chẳng bao lâu nữa, trong hồ Dầu Tiếng sẽ có thêm hàng tỷ chú cá con chào đời.
Những chiếc ghe đánh bắt cá ào ạt đi hành nghề.
Quan sát rộng ra các bãi đất xung quanh, tôi thấy, ngoài ông S còn có nhiều ánh đèn pin khác đang quét sáng loáng trên mặt nước. Điều đó có nghĩa là hàng ngàn “cô nàng” cá mang bụng bầu khác cũng đang bị “kết án tử hình”.
Ông S chia sẻ, thỉnh thoảng ông chỉ đi bắt vài ký cá về làm thức ăn thôi nên không ảnh hưởng nhiều đến số lượng cá trong hồ, đáng lo ngại nhất là những hình thức đánh bắt khác, như bắt bằng “lưới rùn”. Những người kéo “lưới rùn” đi từng tốp, mỗi tốp từ 4 - 5 người. Họ đến những eo, hốc, bãi đất có nước cạn, dùng những tay lưới dài cả trăm mét, kéo bao bọc những eo, hốc này lại.
Với cách bắt này, tất cả các loại cá vào bờ kiếm ăn hay sinh đẻ đều bị tóm cổ. “Có những mẻ lưới kéo lên cả chục ký cá”, ông S khẳng định. Ông T- một người dân làm nghề đưa đò trong hồ Dầu Tiếng góp thêm câu chuyện, ngoài kiểu đánh bắt bằng “lưới rùn”, ở đây ông thường thấy một kiểu đánh bắt cá theo kiểu huỷ diệt khác, đó là chài lưới.
Đa số những người chài lưới này là dân Việt kiều từ Campuchia về xã Tân Thành (huyện Tân Châu) sinh sống. Họ đi ghe máy đến các bãi nước cạn, nơi có nhiều cá vào kiếm ăn, sinh sản chài bắt. Mỗi chài của họ bắt được năm ba ký cá là chuyện bình thường. “Cứ sau mỗi đợt chài, họ đổ cá vào thùng xốp rồi đem lên bờ bán làm mồi cho những người dân nuôi ba ba hoặc cá lóc. Bán xong họ lại quay ra chài tiếp”.
Bãi cá đẻ cũng không tha
Chỉ thị của UBND tỉnh nêu rõ, đặc biệt tại các bãi cá đẻ như: Khu rừng cấm, Ao 10 mẫu, Hóc Cò, Vàm Suối Đông... trong mùa cá sinh sản, cấm các tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản dưới mọi hình thức. Nhưng, hiện nay, ở các bãi cá đẻ cũng có người đánh bắt.
Hai ngày sau, tôi thuê một chiếc đò đến các bãi cá đẻ trong hồ Dầu Tiếng để quan sát thêm. Tại bãi cá đẻ khu rừng cấm có 4 người đàn ông, đàn bà ngồi trên 3 chiếc vỏ lãi thả lưới sát mép nước. Với cách thả lưới chặn ngang bãi cá đẻ như thế này thì cá từ ngoài bơi vào bãi đẻ hay cá từ trong bãi bơi ra đều bị dính lưới.
Các chú cá này chỉ có phép thần thông mới mong thoát khỏi tay tử thần. Cạnh đó, có hai chiếc ghe khá to, chất đầy những xếp lưới xanh, đang neo đậu sát nhau. Ông T, người lái đò cho biết: “Lưới trên hai ghe này gọi là lưới đánh bắt 12 cửa ngục”.
Ông T giải thích, loại lưới này dài cả chục mét được giăng ngang đáy hồ. Mỗi mặt lưới có 12 họng hứng cá. Tức là mỗi tay lưới có 24 họng hứng cá được bố trí đối xứng và xen kẽ với nhau. Khi lưới giăng ngang, cá đi theo hướng nào cũng dính. Đặc biệt là các loại cá đen, đi ngầm dưới đáy hồ và tép bị bắt rất nhiều.
Hằng ngày, khoảng 14 giờ trở đi, các chủ ghe này mới bắt đầu giăng lưới. Nhìn hai chiếc ghe chở đầy ắp lưới, tôi thấy tội nghiệp cho các chú cá bé nhỏ dưới hồ nước, chắc chúng phải có cánh mới bay qua được “12 cửa ngục này”.
Gần hai ghe chở lưới kể trên, còn có hai chiếc vó cá khác đang tất bật hoạt động. Trên những căn chòi cạnh đó, những người điều khiển vó cứ thả lưới cho chìm xuống mặt nước, rồi chờ vài chục phút lại kéo lên. Mỗi lần cất vó là có cả ký cá, tép các loại bị dính vào vó.
Rời khu rừng cấm, chúng tôi đến bãi cá đẻ Hóc Cò để mục sở thị. Ở đây, có một số người đàn ông đang xúm lại giở một đống chà. Trước đó, họ dùng hàng trăm thân cây, nhánh cây, chất lại thành một đống, cách mép nước khoảng 10 mét.
Sau một thời gian, nhiều loại cá xúm vào đống chà trú ngụ hoặc để trốn tránh những cách bắt cá khác. Lợi dụng điều đó, chủ đống chà bất ngờ dùng lưới bao quanh đống chà lại, rồi họ vào trong thảy chà ra ngoài, túm lưới lại, bắt cá.
Một người dân (xin không nêu tên) có trại nuôi trâu ở Hóc Cò cho biết: “Chủ đống chà này là ông S. Ông ấy có tất cả khoảng 30 đống chà, chất rải rác nhiều nơi trong hồ Dầu Tiếng. Trung bình mỗi ngày ông ta giở một đống. Mỗi đống chà, ông thu hoạch được cả trăm ký cá các loại”.
Từ Hóc Cò, chúng tôi đi ngược lên thượng nguồn hồ Dầu Tiếng khoảng 4km là đến khu vực bãi cá đẻ Ao 10 mẫu. Đây là một bãi đất rộng, bằng phẳng rất đẹp. Trên bãi, các loại cỏ thân thấp mọc đầy kín, xanh mướt như một sân bóng đá.
Vừa bước chân xuống mé nước, lập tức một đàn cá rô phi nhỏ, cỡ bằng ngón tay út, chạy rần mặt nước. Cứ bước chân đến đâu là thấy cá chạy rào rào đến đó. Đứng im một lúc và quan sát kỹ, thấy có nhiều đàn cá khác bơi sát vào mép bờ để tìm thức ăn.
Bãi cá đẹp đến thế, nhưng ngay phía bên ngoài bãi, có bốn người đàn ông ngồi trên hai chiếc phao miệt mài câu cá. Xa hơn một chút, một người đàn ông và một người đàn bà đứng trên chiếc ghe ra sức kéo lưới. Cách chiếc ghe một đoạn khoảng 20 mét, hai người đàn ông khác ngồi trên một chiếc vỏ lãi đang bủa lưới.
Cá rô phi bị làm thịt khi trong bụng chứa đầy trứng.
Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế quanh hồ Dầu Tiếng, thỉnh thoảng tôi gặp một vài chú cá bị chết, trôi dạt vào bờ. Có thể những chú cá xấu số này bị mắc câu, mắc lưới hay vì lý do nào đó mà bỏ mạng. Mùa này, hầu hết các loại cá trong hồ Dầu Tiếng đang thời kỳ sinh sản.
Đa số cá mẹ đều mang trứng đầy trong bụng và tất cả cá con khi mới sinh ra đều cần cá bố mẹ bơi theo bảo vệ. Vì vậy, đánh bắt cá vào thời điểm này là thiệt hại kép cho môi trường sinh thái.
Điều lấy làm lạ là khi chúng tôi phỏng vấn một số ngư dân trong hồ Dầu Tiếng để xem họ có biết gì về việc UBND tỉnh cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng không, có người cho biết có nghe loáng thoáng về nội dung này, nhưng đa số ngư dân còn lại đều trả lời là chưa nghe nói gì cả (cũng không ngoại trừ cố tình quên).
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trao đổi với chúng tôi về tình hình đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng vào mùa sinh sản, ông Hà Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu cho biết: “Sau khi nhận được Chỉ thị của UBND tỉnh về việc cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng, chúng tôi đã triển khai cho Công an hồ Dầu Tiếng để tuyên truyền ra ngư dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chỉ thị này trên đài truyền thanh của huyện để dân biết và chấp hành”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do điều kiện đặc thù, những người dân nghèo sinh sống ven hồ Dầu Tiếng và trong các đảo, bán đảo của hồ này đều ít biết chữ hoặc mù chữ.
Đặc biệt là hầu hết các hộ dân sinh sống trong các đảo, bán đảo đều không có điện sử dụng, vì vậy các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều khó có tác dụng với họ.
Từ thực tế đó cho thấy, để các ngư dân trong hồ Dầu Tiếng hiểu và chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.
Đặc biệt là chú ý các hình thức tuyên truyền trực tiếp bằng cách họp ngư dân lại, thông báo cụ thể. Bên cạnh đó phải tuyên truyền bằng hình thức trực quan, như cắm nhiều bảng thông báo với nội dung ngắn ngọn về việc cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản ở những bãi cá đẻ.
Cần thiết, phải áp dụng việc chế tài, xử phạt đối với những ngư dân cố tình vi phạm. Có như thế mới hy vọng chấm dứt tình trạng đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng.
Có thể bạn quan tâm
Ở Đồng Tháp, thấy trồng nếp dễ bán nên nhiều nông dân ở các huyện: Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười đổ xô trồng nếp, dù không cần biết thị trường thế nào.
Xí nghiệp gà giống Tam Đảo, thuộc Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chuyên cung cấp cho thị trường giống gà Ross 308 (giống gà của Mỹ). Với khoảng 50.000 gà giống bố mẹ, mỗi năm, Xí nghiệp cung cấp cho các trang trại, cơ sở chăn nuôi khoảng 4,7 vạn gà giống. Để đảm bảo nguồn gà giống khỏe mạnh, Xí nghiệp đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Cây điều nhiều năm mất mùa, mất giá, nhưng thay đổi loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi dốc là điều rất khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu Đan ở thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng - Bình Phước) đã lên rừng mang giống rau nhíp về trồng xen trong vườn điều và ca cao. Đây là cách làm mới, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo tồn một loại cây thực phẩm, có dược tính của đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước.
Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).
Thời gian qua, một số nông dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bỏ cây tràm chuyển qua trồng cây xà cừ. Theo các hộ dân, trồng xà cừ lợi nhuận cao hơn 3 lần trồng tràm và tốn ít công hơn. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại lớn ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), cho biết với diện tích khoảng 25 hécta xà cừ năm thứ 12 - 13, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất gỗ tới hỏi mua với giá 2,5 - 3 triệu đồng/m3. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng/hécta.