Lúa Thường Lãi 1, Lúa Giống Lãi 2-3

Dù diện tích sản xuất lúa ngày càng bị thu hẹp, nhưng nhiều người trồng lúa tại TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) vẫn sống khỏe nhờ biết chuyển sang trồng lúa giống.
Ông Nguyễn Văn Chắc ở khóm 1, phường 3 có 5ha đất sản xuất lúa, vụ được, vụ mất, giá cả bấp bênh. Sau nhận thấy nhu cầu về giống lúa của người dân ngày càng cao nhưng thiếu nguồn cung cấp, nhiều hộ phải trữ lúa nguyên liệu để làm giống nên tỷ lệ hao hụt cao, năng suất thấp. Thế là năm 2011, ông mạnh dạn chuyển đổi hết 5ha đất của gia đình sang trồng lúa giống.
Ban đầu, cả gia đình ai cũng lo lắng vì quy trình chăm sóc gắt gao hơn. Ông đi học hỏi khắp nơi, cộng với kinh nghiệm trồng lúa lâu năm, nên việc sản xuất lúa giống của gia đình ngày càng đạt kết quả cao. Đến nay, mỗi vụ nhà ông thu nhập khoảng 400 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với trồng lúa thông thường như trước. Một năm, ông làm 2 vụ, gia đình sống khỏe.
Còn ông Lâm Tạo ở khóm 3, phường 5 có diện tích đất ít hơn ông Chắc nên khi còn trồng lúa thông thường, gia đình sống rất chật vật. Theo gương ông Chắc, ông Tạo cũng đã chuyển đổi hơn 5.000m2 đất sang trồng lúa giống. Kết quả mỗi vụ ông thu nhập cao hơn trồng lúa truyền thống gần 20 triệu đồng (tăng gấp đôi - PV).
Theo nhiều hộ dân, sản xuất lúa giống so với lúa thông thường có nhiều lợi ích hơn. Năng suất lúa giống cao hơn lúa thường từ 0,5 - 1 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có thể cao hơn 2 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá lúa giống bán ra thị trường cũng cao hơn giá lúa thịt từ 500 - 700 đồng/kg. Đặc biệt với loại hình sản xuất lúa giống, người nông dân không sợ thiếu đầu ra, bởi lúa sản xuất ra được các doanh nghiệp, các trại lúa giống ký hợp đồng thu mua hết.
Ông Phạm Chí Nguyện - Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhiều diện tích trồng lúa thông thường đang dần được người dân chuyển đổi sang trồng lúa giống nguyên chủng để cung cấp giống cho các hộ dân khác.
“Thu nhập trồng lúa giống cao hơn lúa thường từ 2 - 3 lần. Nếu sản xuất với quy mô lớn như ông Chắc có thể cao hơn gấp 4 lần. Để hỗ trợ nông dân, Hội thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn tận tình cho bà con...” - ông Nguyện nói.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm gần đây nông dân xã Phú An (Cai Lậy - Tiền Giang) chọn cây chanh bông làm cây trồng chủ lực trong chuyển đổi kinh tế vườn, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng chanh bông tím, trong đó có ông Nguyễn Văn Tám ở ấp 6.

Chi cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) vừa xây dựng mô hình nuôi cá thâm canh tại ba xã: Hồng Thái, Trung Sơn, Quang Châu (Việt Yên) với tổng diện tích 11ha.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL vừa mới diễn ra.

Ngày 11.7, tại Đồng Tháp, Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở các tỉnh Nam Bộ.

Tuy phong là vùng đất nổi tiếng khô cằn, thừa nắng gió, thiếu mưa, thiếu nước; bởi vậy 30 năm trước khi mới thành lập chỉ là một huyện nghèo nàn; còn bây giờ bộ mặt địa phương đã khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện; phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa…