Hiệu Quả Ứng Dụng Máy Dò Ngang Trong Đánh Bắt Hải Sản
Nhờ thời tiết thuận lợi, các đàn cá nổi liên tục xuất hiện với trữ lượng lớn, nên đã có 95% tàu thuyền tỉnh Ninh Thuận tham gia hoạt động khai thác hiệu quả cao. Theo số liệu của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh, tính trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh khai thác hải sản đạt sản lượng trên 37.000 tấn (gần 55% kế hoạch năm).
Ngoài yếu tố ngư trường nói trên, không thể không kể tới tác động từ việc phát triển tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị hiện đại của ngư dân, trong đó đặc biệt là việc ứng dụng máy dò ngang trong khai thác đánh bắt.
Kỹ sư Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh) nhìn nhận: “Máy dò ngang đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động đánh bắt, là bước tiến mới góp phần vào lộ trình CNH,HĐH nghề cá tỉnh nhà”. Song ít ai biết rằng để ngư dân chấp nhận lắp đặt máy dò ngang như hiện nay là cả một câu chuyện dài.
Chúng tôi còn nhớ cách đây 7 năm, thực hiện chương trình hợp tác khoa học, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh (khi ấy còn thuộc Sở Thủy sản) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia lắp đặt máy dò ngang trên tàu vây rút chì của ông Huỳnh Đúng, một lão ngư giàu kinh nghiệm ở thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải). Nhưng cũng trong năm ấy (2007), máy dò ngang đã được chuyển sang tàu vây rút chì có công suất 250 CV của anh Trần Ngọc Sơn, ngư dân cùng thôn với ông Huỳnh Đúng.
Qua gần 6 tháng hoạt động, anh Trần Ngọc Sơn cho biết máy dò ngang dễ phát hiện đàn cá hơn máy dò đứng gấp 10 lần, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí, đơn giản vì tàu không phải di chuyển liên tục nên đỡ hao nhiên liệu và không phải chong đèn suốt đêm nên cũng bớt hao điện hơn.
Tuy nhiên do giá bán máy dò ngang bấy giờ khá cao nên ngư dân tỉnh chưa mặn mà. Nhiều ngư dân tâm sự: “Có được cái máy dò ngang trang bị cho tàu đánh bắt hải sản còn gì bằng nhưng giá bán lúc ấy quá cao so với khả năng của chúng tôi”.
Lắng đi một thời gian, đến những năm 2011-2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ 6 mô hình ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ cho ngư tỉnh, được Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh triển khai ở các vùng biển huyện Ninh Hải và Thuận Nam. Qua quá trình chuyển giao các mô hình kỹ thuật ứng dụng máy dò ngang, đã cho thấy đây là thiết bị hiện đại, tiện ích các tàu thuyền đánh bắt sẽ trở nên linh hoạt, chủ động hơn và tiết kiệm được thời gian đáng kể.
Từ hiệu quả thực tiễn đem lại, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành cho 140 lượt người tham gia và tổ chức hội thảo, tham quan, tổng kết cho hàng trăm lượt người. Nhiều ngư dân khi đóng mới tàu thuyền công suất lớn đã tiếp tục đầu tư mua máy dò ngang. Đến nay, theo số liệu ước tính, toàn tỉnh có khoảng 110 máy dò ngang lắp đặt trên các tàu thuyền hành nghề vây rút chì và pha xúc.
Theo kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, so với máy dò đứng, máy dò ngang có những ưu thế như: Dò được cá đáy, phát hiện được đàn cá từ xa. Thông thường tàu sử dụng máy dò đứng phải đi ngay trên đàn cá thì mới dò được, nhưng đối với máy dò ngang, dù cách xa cả cây số người điều khiển máy vẫn có thể định vị được đàn cá hiển thị trên màn hình.
Cụ thể máy dò ngang có cả 3 chức năng: Dò đứng, quét ngang và quét dọc. Đầu dò nằm dưới đáy vỏ tàu có thể quay ngang 900, dò ở chiều sâu 1.000 mét và quét ngang với chu vi 1.000 mét. Ông Nguyễn Minh Vương, Tổ trưởng Tổ Đoàn kết khai thác đánh bắt hải sản số 1, xã Phước Diêm (Thuận Nam) chia sẻ: “Nhờ lắp máy dò ngang, sản lượng hải sản khai thác đã tăng 150-160%.
Chính việc ứng dụng kỹ thuật này đã giúp đội tàu nghề pha xúc chúng tôi thường đi đánh bắt vùng biển xa hiệu quả”. Theo các chủ tàu, ở những tàu có trang bị máy dò ngang, lực lượng thuyền viên yên tâm làm việc, gắn bó với tàu hơn. Anh Trần Cương, người đi “bạn” ở một chiếc tàu vây rút chì đang cặp cảng Đông Hải giải thích: “Làm nghề như chúng tôi thường chọn tàu khai thác ổn định, mà tàu có máy dò ngang là ổn định thấy rõ”.
Hiện nay, trong khoảng 2.680 tàu thuyền tỉnh đã có trên 30% số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên, riêng tàu thuyền từ 90 CV đến dưới 250 CV có gần 400 chiếc và từ 250 CV trở lên có khoảng 250 chiếc. Căn cứ số lượng tàu trên, kỹ sư Nguyễn Văn Viện ước tính tỉnh còn chừng 500 tàu thuyền có tiềm năng trang bị máy dò ngang.
Vì vậy trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ ngư dân tỉnh ta đầu tư trang bị máy dò ngang nhằm vươn khơi xa, bám biển dài ngày khai thác và góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia vùng biển.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng phát triển của đàn vật nuôi. Để hạn chế những ảnh hưởng xấu, các địa phương đã chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
Tái canh cà phê là một biện pháp đúng đắn, nhằm thay thế giống cà phê cũ, đã bị thoái hóa, bằng giống cà phê mới cao sản cho năng suất, chất lượng cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh Lâm Đồng, nhiều địa phương đã tiến hành tái canh cà phê với nhiều cách làm khác nhau.
Những ngày cuối tháng 5/2014, hai container đầu tiên chuyên chở 30 tấn rau xà lách Đà Lạt đã tới đất nước Hàn Quốc, xứ sở của món kim chi nổi tiếng.
Đều đặn đúng 8 giờ vào các ngày 1 và 15 hàng tháng, các tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và những người có nhiệt huyết với đồng rộng, thuộc 12 ấp đã tụ họp về xã Tân An Luông (Vũng Liêm - Vĩnh Long) bàn về sản xuất lúa VietGAP trong mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML).
Theo thống kê chưa đầy đủ từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), toàn huyện hiện có gần 2.000ha trồng cam sành, tăng trên 1.000ha so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở hai xã Hiệp Hưng và Tân Long.