Hiệu Quả Từ Vườn Ươm Cây Giâm Hom
Mô hình vườn ươm cây giâm hom không còn lạ với nhiều người dân. Nhiều hộ gia đình vừa có thu nhập cao từ mô hình này, vừa góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.
Năm 2000, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật về cách ươm cây giâm hom cộng với việc nhận thấy nhu cầu mua cây con rất cao, ông Trần Ngọc Nên (thôn 5, xã Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa) quyết định đầu tư vào vườn ươm cây giâm hom mà chủ yếu là cây keo lai.
Ban đầu, ông Nên mua cây giống từ Quy Nhơn về. Theo ông, kỹ thuật trồng không khó lắm chỉ cần siêng năng chăm sóc đúng các quy trình kỹ thuật thì cây sẽ khỏe mạnh, đạt năng suất cao. Công đoạn đầu tiên là sàng đất, đóng vào bao; tiếp theo là bấm cành khử trùng thuốc chống khuẩn, kích thích mọc rễ, cấy cây...
Từ 15 - 20 ngày sau đó, cây bén rễ. Trong giai đoạn 3 tháng rưỡi kể từ khi cấy phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Giai đoạn từ 3 đến 3 tháng rưỡi, nhớm cây khỏi mặt đất, từ 10 - 15 ngày sau đó có thể xuất bán với giá 600 - 700 đồng/cây con.
Vốn đầu tư ban đầu chỉ hơn 3 triệu đồng, gia đình ông Nên làm kinh tế theo phương châm tính lũy dần dần. Sau một thời gian nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, ông Nên đầu tư mở rộng vườn ươm, vừa tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa góp phần bảo đảm nguồn cây giống cho các nơi có nhu cầu.
Vợ chồng ông đã đầu tư hệ thống bơm tự động để thuận tiện cho việc chăm sóc vườn ươm đúng kỹ thuật. Ông còn đầu tư thêm máy phát điện để phòng những lúc cúp điện vẫn có thể tưới nước cho vườn ươm đúng quy trình. Mỗi lứa ông Nên ươm 40.000 cây. Mỗi năm, vợ chồng ông có thể ươm từ 15 lứa trở lên.
Cây con từ vườn ươm của gia đình ông bán quanh năm. “Chủ yếu vào mùa nắng cây phát triển hơn, mùa mưa khó đạt”, bà Huỳnh Thị Út, vợ ông Nên cho biết thêm. Theo nhu cầu của người đặt, ông Nên còn ươm cây keo lai bằng hạt. Điều đáng mừng là nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, cần mẫn chăm sóc, vườn ươm của gia đình ông Nên đạt năng suất cao, đầu ra ổn định.
Từ vườn ươm này, gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng (làm khoán 6 triệu/người/tháng). Hiện tại, vườn ươm cây tại nhà ông Nên có diện tích 1.500m2, ông còn trồng 10ha cây keo lai.
Thu nhập mỗi năm sau khi trừ các chi phí còn lãi từ 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Nên còn làm nông nghiệp, trồng hoa màu, chăn nuôi. Ông Trần Ngọc Nên nhiều lần được các cấp khen thưởng về thành tích là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ông Trần Ngọc Năng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết, trên địa bàn xã hiện có 3 hộ gia đình làm mô hình vườn ươm cây và đạt hiệu quả kinh tế cao. UBND xã đã phổ biến về các mô hình này, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tổ chức tham quan để nhiều người dân được biết, học hỏi, thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu ký kết ngày 29/5/2015, rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nga sẽ giảm. Dù vậy , muốn đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang thị trường này, cần triển khai nhiều giải pháp...
Trong khi xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản suy giảm, XK sắn lại tăng vọt: 10 tháng đầu năm 2015, XK sắn đạt 3,42 triệu tấn với kim ngạch 1,09 tỷ USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 19,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình GlobalGAP để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính.
Ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” đều cho rằng DN Việt Nam vẫn chưa quen, thiếu chủ động, chưa biết sử dụng công cụ PVTM.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 10/2015 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10/2015) cả nước đã xuất khẩu được 687.663 tấn gạo, trị giá FOB là 269,502 triệu USD, trị giá CIF là 281,884 triệu USD.