Hiệu Quả Từ Việc Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Vĩnh Linh
Gần 4 năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thay đổi từng ngày. Nhất là vào những tháng mùa khô, nhiều thôn, bản trở thành những công trường lớn với những công trình bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, dồn điền đổi thửa… nên không khí lao động của người dân nơi đây trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn bao giờ hết.
Để có được sự đổi thay đó, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Linh đã xác định hướng đi rất rõ ràng, lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá từ đó làm nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác.
Theo đó, các địa phương đã ưu tiên phát triển ngành, nghề, cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, đồng thời chú trọng dồn điền đổi thửa, xóa bỏ tập quán canh tác manh mún, phát triển kinh doanh thương mại, đào tạo nghề cho người dân. Đặc biệt, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỷ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và Vĩnh Ô giai đoạn 2011- 2015.
Theo đồng chí Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Đề án tập trung chủ yếu vào việc làm chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ trong việc sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương.
Thông qua việc hỗ trợ nguồn lực, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương xây dựng mô hình trình diễn giúp nhân dân trong vùng học tập và làm theo. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm thu hút kêu gọi các nguồn đầu tư để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Đề án đưa ra các tiêu chí thực hiện rõ ràng, thời gian thực hiện và nguồn lực đầu tư cụ thể. Dự kiến đến cuối năm 2015, huyện sẽ tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các mục tiêu Đề án đưa ra cơ bản thực hiện có hiệu quả làm thay đổi diện mạo của các xã khó khăn này. Phấn đấu cuối năm 2014, 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà sẽ đạt 5 - 10 tiêu chí (trước lúc chưa thực hiện xây dựng nông thôn mới, các xã này chỉ đạt 1- 2 tiêu chí).
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã huy động hơn 402,8 tỷ đồng từ các nguồn đầu tư, trong đó vốn trực tiếp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách các cấp là 49,9 tỷ đồng; vốn lồng ghép 214,4 tỷ đồng; vốn tín dụng 32,2 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, HTX hơn 57,7 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp (kể cả vật chất quy ra tiền) hơn 45,1 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác hơn 3,3 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề cho người dân, nhất là lao động trẻ được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và người dân quan tâm đúng mức.
Nhờ đó, các địa phương đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng khoảng 2,5 lần so với trước khi chưa thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nên đã có khoảng 60% diện tích đồng đất đạt giá trị sản xuất từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2013 đạt 24 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,5%.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Linh đã tăng cường công tác trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng đạt tỷ lệ che phủ 55%. Từ những kết quả đạt được, đến nay, Vĩnh Linh đã có 4 xã đạt 17 tiêu chí trở lên gồm Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thủy và Vĩnh Hiền; 1 xã đạt 15 tiêu chí là Vĩnh Lâm; 9 xã đạt 10 - 13 tiêu chí; 2 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Các tiêu chí đạt cao như quy hoạch, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, điện, thu nhập; các tiêu chí đạt thấp như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất về văn hóa.
Phấn đấu đến cuối năm 2014, có 3 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch; 5 xã hoàn thành từ 15 - 18 tiêu chí; 8 xã hoàn thành 11 - 14 tiêu chí; đặc biệt 3 xã miền núi có số tiêu chí đạt thấp là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà phấn đấu đạt 5 - 10 tiêu chí. Hiện huyện đang dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu được công nhận huyện nông thôn mới trước năm 2020.
Theo đồng chí Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, để đạt được những kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực của các cấp, ngành ở địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, trong đó người dân ở nông thôn đã xác định được vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng nông thôn mới.
Quá trình đầu tư và lựa chọn đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Sau gần 4 năm thực hiện chương trình này, trên địa bàn huyện không xảy ra thắc mắc, khiếu nại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhu cầu vốn xây dựng của các địa phương rất lớn, trong khi đó vốn từ trung ương phân bổ hàng năm còn quá ít; nguồn ngân sách của tỉnh, huyện phân bổ cho các xã rất hạn chế, chỉ mới tập trung cho các xã điểm của tỉnh và huyện.
Việc huy động từ doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều trở ngại, bởi các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, thắt chặt chính sách đầu tư công… Đời sống của nhân dân tuy có cải thiện nhiều nhưng vẫn còn khó khăn.
Do đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục bám sát Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cơ chế chính sách của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để huy động nội lực, thu hút ngoại lực chung tay xây dựng thành công Chương trình này.
Có thể bạn quan tâm
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp thì nhu cầu sản phẩm rau quả sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Việt Nam ngày một gia tăng. Tuy nhiên hiện người sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Bởi các sản phẩm VietGAP chưa có nhãn hiệu (logo) khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Sau Tết, sức mua giảm hẳn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giá thực phẩm tươi sống có giá vì thế mà giảm nhanh và khá ổn định.
Nhìn chiếc máy trồng mía 2 hàng đang chạy đều tại đám đất bên cạnh, lão nông Võ Văn Hùng (43 tuổi) ở Phổ Phong không khỏi vui sướng: Chẳng bao lâu nữa thì không chỉ người trồng mía ở Đức Phổ, mà các vùng khác trong tỉnh sẽ quên đi nỗi ám ảnh về chuyện tìm không ra nhân công mỗi khi bước vào vụ mới.
Theo hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức trên dưới 23.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với cách nay hai tuần. Với mức giá này, theo tính toán, người nuôi cá tra vẫn bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg.
Mạnh dạn nhận thầu 3ha đất hoang hóa nhiễm phèn để đào ao nuôi tôm, sau 10 năm, giờ đây trung bình mỗi năm gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng (xóm 4, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bỏ túi hàng trăm triệu đồng.