Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Lươn Trong Bể Lót Bạt
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân chăn nuôi heo, cá điêu hồng, cá tra,… đang “điêu đứng”, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu xoay quanh vấn đề về giá, với giá cá bán thấp hơn so với giá thành sản xuất.
Trong khi đó, mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt vẫn đang từng bước phát triển bởi kỹ thuật nuôi đơn giản, giá cả đầu ra ổn định và luôn ở mức cao. Ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), mô hình này ngày càng được nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm tại chổ cho người lao động nông thôn, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nuôi lươn trong bể bạt là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ dân áp dụng. Mô hình không đòi hỏi nhiều diện tích, người dân chỉ cần tận dụng đất trống xung quanh nhà khoảng vài chục mét vuông là có thể tiến hành nuôi. So với các mô hình khác như nuôi cá, nuôi rắn, nuôi gà,… thì nuôi lươn đơn giản hơn nhiều.
Người nuôi không tốn nhiều chi phí đầu tư về con giống, thức ăn cũng như thời gian chăm sóc, nhưng nguồn lợi nhuận mang lại khá hấp dẫn. Chính những lý do trên dẫn đến nhiều hộ dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ quyết định đầu tư nuôi và gắn bó với mô hình này.
Xã Thạnh Phú là một trong những xã có số hộ dân tham gia mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt cao ở huyện Cờ Đỏ với hơn 25 hộ. Mỗi hộ có diện tích bể nuôi từ vài chục đến vài trăm mét vuông. Ông Nguyễn Hồng Dũng, ngụ ấp Phước Lộc là hộ nuôi điển hình thành công với mô hình này. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông không ngừng mở rộng thêm bể nuôi lươn, đến nay đã được 04 bể với diện tích gần 100 m2
Ông Dũng cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000 m2đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập từ cây lúa không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ điều. Khi thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao nên tôi đã nảy sinh ý định và từ đó bắt tay ngay vào việc nuôi lươn. Lúc đầu nuôi tuy gặp không ít khó khăn nhưng nhờ chịu siêng, chịu khó, ham học hỏi dần thì tay nghề cũng lên”.
Theo ghi nhận từ ông, với bể nuôi 24 m2 (4m x 6m), ông thả 40 kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 50 con/m2 , tỷ lệ sống 75 – 80%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 200 – 250 g/con, thu hoạch khoảng 240 kg lươn thịt, bán với giá bình quân 125.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, dụng cụ làm bể bạt), ông thu về trên 14 triệu đồng/bể.
Ông Dũng chia sẻ một số kinh nghiệm, theo ông để nuôi lươn tốt người nuôi cần chú ý những vấn đề sau:
- Chuẩn bị bể nuôi:
+ Chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió.
+ Cắm trụ, dùng bạt ny lông loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể: 30 – 80 m2 . Chiều cao bể 1 – 1,2m.
+ Cho nước qua lọc và đã diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng vào bể. Mực nước trong bể: 20 – 30 cm. Mặt nước thấp hơn miệng bể 40 – 50 cm. Thả lục bình, trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.
- Chọn và thả giống: Lươn có 3 loại (màu vàng sẫm, màu vàng xanh và màu xám tro), người nuôi nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn cho tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Kích thước lươn giống thả nuôi 30 – 60 con/kg là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài.
Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn giống, vì cỡ giống này lươn hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do bị giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh.
Mật độ thả tốt nhất là 50 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối 3 – 5% trong 10 – 15 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu, nếu thấy lươn lao lên mặt nước thì thay nước sạch hoặc vớt lươn ra.
- Cách cho ăn: Lươn nuôi cần phải qua quá trình thuần dưỡng để quen dần với thức ăn. Không nên cho lươn ăn ngay khi vừa thả nuôi, mà phải bỏ đói 2 – 3 ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu bắt từ tự nhiên: cua, ốc, cá tạp, tép,…
Mỗi ngày cho lươn ăn 1 – 2 lần, lượng cho ăn bằng 5 – 7% trọng lượng lươn trong bể (nếu cho ăn nhiều lươn tham ăn dễ bội thực và chết, cho ăn thiếu lươn chậm lớn), thức ăn cho vào sàn đặt ở vị trí cố định, cho lươn ăn đúng giờ (thường bữa chính từ 16 – 18 giờ).
Sau mỗi lần cho ăn, cần tiến hành vớt bỏ thức ăn thừa khỏi bể, tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi. Khi trời âm u, mưa, lạnh: phải giảm bớt lượng thức ăn.
Đồng thời, thức ăn cho lươn không nên thay đổi một cách đột ngột mà phải thay đổi từ từ để lươn thích nghi, ở giai đoạn đầu khi thả nuôi thức ăn phải cung cấp đầy đủ cho lươn không để lươn đói vì chúng sẽ ăn nhau giảm tỷ lệ sống. Định kỳ 7 ngày trộn vitamin C vào thức ăn để tăng đề kháng cho lươn.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn So, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) là một trong những người mạnh dạn nuôi lươn trên cạn ở ĐBSCL.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân chăn nuôi heo, cá điêu hồng, cá tra,… đang “điêu đứng”, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu xoay quanh vấn đề về giá, với giá cá bán thấp hơn so với giá thành sản xuất.
Các xã An Long, Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) có hàng chục hộ nuôi lươn trong hồ lót bạt nilon và hồ xi măng. Mỗi đợt nuôi từ 8 - 12 tháng, xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Do lươn có tập tính sống chui rúc trong bùn đáy và đào hang để trú ẩn, đồng thời lươn cũng có thể bò đi mất nếu bờ ao không đủ cao. Do vậy vấn đề nuôi lươn trong các ao mương cần phải hết sức chú ý vấn đề này.
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích nuôi lươn thương phẩm tương đối lớn trong vùng ĐBSCL. Người dân vùng ĐBSCL bắt đầu nuôi từ những năm cuối của thế kỷ 20. Riêng diện tích nuôi của An Giang dao động từ 80.000 - 120.000 m2/năm trong 3 năm trở lại đây.