Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Giun Quế

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Tân Sơn đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao giúp người dân thoát nghèo.
Anh Lê Thanh Học người dân tộc Mường ở xóm Múc, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn bắt đầu nuôi giun quế từ tháng 2-2014. Sau khi anh cùng các hội viên Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã Tam Thanh đến thăm trang trại nuôi giun quế ở Đông Anh - Hà Nội thì anh mới biết tới nghề nuôi giun này.
Đầu năm 2014, từ nguồn vốn 10 triệu đồng được vay từ Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng cộng với số tiền 2 vợ chồng tích cóp được, anh Học đã về xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy để mua 6 tạ sinh khối giống giun quế với giá trị 18 triệu đồng về nuôi. Hiện nay, với tổng diện tích 60m2 chuồng nuôi đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Riêng tiền bán giun giống anh đã thu về 45 triệu đồng. Giun còn được anh dùng làm thức ăn chính cho đàn gà, vịt; phế phẩm từ giun anh đem bón ruộng, bón cho cây chè, cây rau… Điều quan trọng hơn thức ăn chính cho giun quế lại là các chất rác thải trong chăn nuôi như phân trâu, bò được anh thu gom về, xử lý ủ hoai mục, qua đó đã góp phần quan trọng làm sạch môi trường sống.
Anh Học tâm sự: Qua nuôi giun quế tôi thấy đã giải quyết được vấn đề rác thải của chăn nuôi, còn về hiệu quả kinh tế từ con giun cũng rất rõ rệt. Tôi nhận thấy mô hình nuôi giun này rất là hay, không tốn công chăm sóc, dễ làm và ai cũng có thể làm được.
Nhằm hỗ trợ các gia đình ở xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn tăng thu nhập một cách bền vững; tháng 11 năm 2011, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã triển khai dự án sinh kế bền vững thông qua phát triển kinh tế đa dạng và tiếp cận các dịch vụ thích hợp. Đến nay Câu lạc bộ đã có 105 hội viên chia thành 7 nhóm/8 khu dân cư với nhiều mô hình giúp người dân phát triển kinh tế như mô hình nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt; mô hình nuôi gà thả vườn...
Mô hình nuôi giun quế được Câu lạc bộ áp dụng cho các hội viên đầu năm 2014 với sự tham gia của 5 hộ gia đình. Đến thời điểm này, từ việc bán giun giống và sử dụng giun làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm các hộ đã thu lại tiền gốc, một số hộ đã có thu nhập nhờ nuôi giun. Nuôi giun quế phù hợp với điều kiện ở nông thôn vì ít bị rủi ro và ít có dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp hỗ trợ cho bà con vay vốn để đầu tư sản xuất; cùng nguồn vốn dự án phát triển nông thôn bền vững hỗ trợ 140 triệu chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào mô hình nuôi giun quế để phát triển nhân rộng trong toàn xã.
Bước đầu việc nuôi giun đang phục vụ cho hoạt động chăn nuôi của bà con, sau khi mô hình được nhân rộng chúng tôi cũng sẽ có hướng liên kết với các nhà tiêu thụ sản phẩm để tìm kiếm đầu ra cho bà con.
Từ hiệu quả của con giun quế nói riêng cũng như các hoạt động của Dự án sinh kế cộng đồng nói chung, bước đầu đã tạo nền tảng góp phần thay đổi nhận thức cũng như tập quán canh tác cũ của người dân; đồng thời cung cấp các dịch vụ công tốt hơn để từ đó tạo động lực giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Theo Vụ thị trường Châu Phi, Nam Á, Tây Á, với dân số đông nhất trên giới (1,7 tỷ người) cùng thói quen sử dụng hạt tiêu trong món ăn, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này vào khu vực Nam Á.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Mexico 3 quý đầu năm 2014 gần đạt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ, ước đạt 986 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2013.

Lọt vào nhóm các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) “tỷ đô” mỗi năm, tuy nhiên, XK rau quả của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, thị phần rau quả Việt còn rất hạn chế.

Đơn cử như Huyện hội thì phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và vận động 12 chị tham gia các lớp cạo mủ cao su, tin học. Hội phụ nữ các xã Đắk D’rô, Tân Thành mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 47 hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo.

Hiện ở nước ta có nhiều vùng trồng mắc ca, song chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích trồng mắc ca tại Tây Nguyên là 1.645 ha, Tây Bắc, diện tích rừng trồng mắc ca chưa lớn, chủ yếu tập trung tại Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh đang trồng thử nghiệm.