Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch Thái
Khi thấy mô hình nuôi ếch Thái ở một số địa phương khác mang lại hiệu quả cao, năm 2007 một vài hộ dân trên địa bàn ấp 4, xã Đốc Binh Kiều tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mang về nuôi thí điểm. Bà con đã cải tạo phần đất trũng, đìa sen thành ao nuôi ếch với diện tích trung bình 1.500m2, độ sâu 1,5m.
Trong ao sử dụng lưới bao bọc, đóng cọc chắn chắc với giàn vỉ tre ngang dọc để cho ếch có thể trú ẩn hoặc ngồi tắm nắng... tùy theo điều kiện thời tiết. Thức ăn dành cho ếch là thức ăn Vina mua tại các đại lý thức ăn thủy sản.
Nguồn nước ao nuôi cũng được bơm ra vào thường xuyên đảm bảo môi trường tốt, ít bệnh cho ếch phát triển. Về con giống, ban đầu phải mua từ nơi khác nhưng đến nay có thể tự tái tạo con giống. Hiện tại địa phương có một số thương lái đứng ra mua ếch thịt mang đi thành phố tiêu thụ. Giá dao động từ 39.000 – 42.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, người nuôi có thể thu lãi từ 700 ngàn đồng – 1 triệu đồng/1.000 con (bình quân 3 con nặng 1kg).
Thấy được hiệu quả đó, hàng chục hộ gia đình tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều triển khai nuôi với quy mô lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cả và đầu ra chưa ổn định, bị thương lái ép giá, thức ăn thủy sản lên giá nên người nuôi ếch cũng gặp không ít khó khăn. Nắm bắt được tình hình đó, Hội Nông dân xã Đốc Binh Kiều đã thành lập Tổ hợp tác (THT) để giải quyết, hỗ trợ đầu ra cho bà con.
Ông Đỗ Văn Liêm - Chủ nhiệm THT cho biết, sau 15 tháng đi vào hoạt động, Tổ đã có 27 hộ dân tham gia với tổng số ếch thả nuôi là hơn 1 triệu con. Tháng 10/2014, THT đã ký hợp đồng với siêu thị Metro tại Cần Thơ thu mua ếch, giá bán ổn định từ 47.000 – 49.000 đồng/kg. Mỗi tuần Siêu thị đến thu mua 2 chuyến, mỗi chuyến từ 800 - 1.000kg, bước đầu giải quyết đầu ra cho ếch thương phẩm.
Mô hình nuôi ếch Thái đã góp phần giúp địa phương giải quyết việc làm, phát triển kinh tế nông thôn. Ông Trần Ngọc Tánh - Tổ viên THT, người có hơn 5 năm kinh nghiệm nuôi ếch với diện tích thả nuôi 2.000m2, số lượng 50 – 60 ngàn con cho biết: “Lúc trước gia đình chỉ trồng lúa, kinh tế bấp bênh, nhưng nhờ tận dụng đất trũng sau nhà nuôi ếch đã cải thiện thêm thu nhập. Mỗi lứa nuôi từ 2 – 3 tháng thì có thể bán. Nay có THT nên giá ổn định, bình quân gia đình thu lợi nhuận từ 700 ngàn – 800 ngàn đồng/1.000 con.
Ngoài ra, người dân còn tận dụng tốt diện tích ao nuôi ếch để thả cá tăng thêm thu nhập.Vì cá sử dụng nguồn thức ăn thừa của ếch, phân ếch và ếch chết mà không tốn thêm các khoản chi phí khác. Ông Cao Văn Oanh ngụ ấp 4, cho biết: “Gia đình có 30 ngàn - 40 ngàn con ếch thả nuôi trên diện tích 1.500m2 và thả nuôi hơn 4.000 con cá các loại như cá điêu hồng, cá vồ, cá trê... mỗi năm cho thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng”. Được biết, ông Oanh cũng đang chuẩn bị tham gia vào THT.
Mô hình nuôi ếch Thái tại xã Đốc Binh Kiều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Theo ông Đỗ Văn Liêm, trong thời gian tới THT vận động tất cả các hộ nuôi tham gia vào Tổ và tìm thêm nhiều thị trường tiêu thụ. Hội Nông dân xã cũng đã đề xuất Hội Nông dân huyện Tháp Mười hỗ trợ vốn vay cho người dân phát triển bền vững, trong tương lai sẽ thành lập hợp tác xã.
Có thể bạn quan tâm
Mùa này về Yên Châu (Sơn La), khách thập phương thường mua mấy cân xoài về làm quà. Xoài tròn ở đất này đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, Yên Châu (Sơn La) có trên 580 ha trồng xoài, trong đó có gần 400 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 1.000 tấn quả.
Anh út Hận (chợ Ba Thê cũ, xã Bình Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết: Từ cuối tháng 5/2013, thương lái các tỉnh phía Bắc đã vào thu mua rắn hổ hèo thương phẩm nên giá bán tăng từ 500.000 đồng/kg lên 650.000 đồng/kg.
Chiều 7.6, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT Bình Định tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và tưới tiết kiệm nước cho lúa hè thu cho các tỉnh khu vực miền Trung.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong lĩnh vực thủy sản hiện là 20 - 25% đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc nghiên cứu công nghệ bảo quản cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngư dân cũng rất cần được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch.
“Mấy tháng qua, gần 100.000 con lươn giống lút chút như thế này đã được “xuất ngoại” sang Nhật Bản rồi đấy!”. Vừa vớt những con lươn bột nhỏ xíu trong thau lên, kỹ sư Đoàn Kim Sơn, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, vừa trò chuyện. Bên cạnh công việc của một người thầy, kỹ sư Sơn còn là chủ trang trại Sơn Ca 1 (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) và Sơn Ca 2 (huyện Hóc Môn, TP HCM).